Tỏi - sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của huyện Phù Yên

Thứ năm, 23/04/2020 - 10:30

TNV - Đã từ lâu giống tỏi được trồng ở xã Tường Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã nổi tiếng với hương vị cay nồng, đậm đà thơm ngon khác biệt với các loại tỏi khác.

Theo tập quán canh tác của người dân tộc Thái bản địa ở đây, cứ vào khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm, sau khi thu hoạch xong vụ lúa mùa là người dân lại làm đất, trồng tỏi.

Tỏi đã trở thành cây trồng chủ lực vụ đông của bà con trong xã. Ảnh: THT

Ban đầu người trồng tỏi cũng không mặn mà lắm vì cây tỏi năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, nên bà con trong xã chỉ trồng một khoảnh nhỏ trong vườn, ngoài ruộng vừa đủ để dùng cho gia đình làm gia vị và chẩm chéo theo văn hóa ẩm thực của địa phương.

Từ năm 2006, người dân xã Tường Phù bắt đầu mở rộng diện tích trồng tỏi, bởi tỏi Tưởng Phù đã được nhiều người biết đến và tìm mua với giá trị cao hơn, hơn nữa trồng tỏi vừa cải tạo được đất canh tác lại có nhiều lợi ích về sức khỏe mỗi khi sử dụng.

Bà Chưng giới thiệu qui trình tuyển lựa tỏi. Ảnh: P. Quỳnh

Nhưng do giá cả lên xuống bếp bênh, nên có giai đoạn bà con co hẹp lại đáng kể diện tích sản xuất. Đến năm 2016, nhờ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới hỗ trợ kinh phí giống và phân bón, Hội Nông dân xã Tường Phù đã liên kết với 10 hộ dân trong xã mở rộng mô hình thâm canh trồng 2,5 ha tỏi để xuất bán cho các nhà hàng, tiểu thương và  người tiêu dùng đem lại giá trị kinh tế lớn, được bà con ủng hộ. Và từ đây cây tỏi đã trở thành cây trồng chủ lực vụ đông của bà con trong xã.

Thấy được tiềm năng phát triển của cây tỏi, tháng 5 năm 2019, UBND xã đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh Tỏi Phù Yên đặt tại bản Bùa Thượng, xã Tường Phù, do bà Hà Thị Chưng (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã) làm tổ trưởng.


Tỏi được bà con bày bán ven đường, thuận lợi cho du khách mua về làm quà. Ảnh: P. Quỳnh

Trong thời gian 4 tháng, từ khoảng tháng 10-2019 đến tháng 2-2020, Tổ hợp tác có 10 hộ gia đình tham gia với tổng diện tích gieo trồng trên 6ha đã cho thu hoạch bình quân 6-8 tấn tỏi khô/ha, tính thành tiền bằng từ 40-50 triệu đồng/ha.

Theo bà Hà Thị Chưng, quy trình sản xuất tỏi tại Tổ hợp tác được thực hiện khắt khe ngay từ khâu tuyển lựa sản phẩm để đóng gói. Yêu cầu phải chọn lọc những củ tỏi vừa mới nhổ, củ chắc, không sâu, không thối; đem phơi khô, làm sạch củ rồi mới cho vào túi lưới đóng gói. Tỏi ở đây được phân thành 2 loại: tỏi cô đơn và tỏi nhánh; mỗi loại lại được phân ra các mức chất lượng khác nhau, tùy vào phẩm cấp và kích cỡ của tỏi.

Để đảm bảo chất lượng và đẹp mắt nhất, người làm phải bắt buộc nắm rõ quy trình sản xuất, lọc đủ 3-4 lần cho loại bỏ hết dần tạp chất, không được cho tỏi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vì sẽ làm hỏng và giảm lượng vitamin trong tỏi. Chính vì vậy tất cả các khâu sản xuất đều phải thực hiện trong nhà kho, phơi ánh sáng mặt trời nhẹ hoặc sấy khô trước khi đem vào đóng túi.

Tỏi cô đơn chất lượng cao… (Ảnh: THT)

Đi theo quốc lộ 37 qua con dốc nằm trên địa phận bản Bùa Chung 1, xã Tường Phù vào mấy tháng đầu năm, khi mà tỏi mới thu hoạch xong, được bà con bày bán la liệt bên những lán nhỏ ven đường. Bà Lò Thị Vườn - một người dân bán tỏi cho biết, hiện nay (tháng 4-2020) giá tỏi nhánh đang bán từ 60 – 80 ngàn đồng/kg, giá tỏi cô đơn từ 250 – 300 ngàn đồng/kg.

Để nâng cao giá trị cho củ tỏi quê hương mình, cuối năm 2029, Tổ hợp tác của bà Chưng đã đầu tư 8 máy sản xuất ứng dụng công nghệ chế biến thành công Tỏi Đen, mang lại giá trị kinh tế cao gấp 2 đến 4 lần so với bán tỏi khô, được khách hàng ở nhiều tỉnh, thành đặt mua.

…và tỏi đen được đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: THT

Trong tháng 3-2020, gia đình bà Chưng đầu tư tiếp 01 máy nấu tinh dầu tỏi và 01 mấy sấy, nhằm mở rộng sản xuất, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đến nay, tỏi đen cùng với tỏi khô do Tổ hợp tác của bà Hà Thị Chưng sản xuất là 2 sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Phù Yên, được UBND tỉnh Sơn La công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao vào tháng 12 năm 2019.

Sản phẩm mới: Tỏi ngâm mật ong… (Ảnh: THT)

Được biết, tỏi Phù Yên được trồng chủ yếu ở 3 xã (Tường Phù, Gia Phù, Tường Thượng) đang được người tiêu dùng ở các thành phố lớn yêu thích tìm mua thông qua chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trên toàn quốc. Nên huyện Phù Yên đã khôi phục diện tích trồng tỏi vụ đông trong toàn huyện năm 2019 lên 49 ha, đồng thời xây dựng kế hoạch từng bước nâng cao chất lượng và đưa thương hiệu Tỏi Phù Yên vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

… và Rượu tỏi Phù Yên do Tổ hợp tác sản xuất. Ảnh: THT

Tỏi Phù Yên hương vị cay nồng, đậm đà thơm ngon khác biệt với các loại tỏi khác. Ảnh: THT

Từ lâu tỏi đã là sản phẩm quen thuộc với người dân Việt Nam. Ngày nay, tỏi được sử dụng nhiều hơn làm gia vị trong bữa ăn hàng ngày, bởi những lợi ích tuyệt vời mà nó đem lại cho sức khỏe.

Tỏi có nguồn gốc từ lâu đời, ngoài việc sử dụng trong  gia vị nấu ăn, tỏi được dùng làm vị thuốc trong y học cổ truyền phương Đông từ hàng ngàn năm nay. Sử dụng tỏi thường xuyên có tác dụng như một phương thuốc chữa các bệnh về tim mạch, huyết áp, cảm cúm, mụn nhọt cũng như đẩy lùi nhiều bệnh khác do tính chất kháng khuẩn cơ bản mà tỏi đem lại.

Tỏi không những dùng để ăn mà còn được chế biến tạo thành nhiều sản phẩm rất tốt cho sức khỏe như: Tỏi đen, rượu tỏi, bột tỏi, tỏi dấm,...

Phạm Quỳnh