Tồn kho căn hộ trong quý 3/2021 chủ yếu do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh minh họa
Cụ thể, báo cáo quý 3/2021 của Bộ Xây dựng dựa trên việc tổng hợp, phân tích số liệu về nguồn cung bất động sản và lượng giao dịch bất động sản theo các báo cáo công bố thông tin thị trường từ các địa phương, ước tính số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch vào khoảng 15.067 căn.
Như vậy khả năng hấp thụ của thị trường trong quý 3 giảm so với quý 2, nguyên nhân chủ yếu do thực hiện chỉ thị 16 tại nhiều địa phương, trong đó có một số thị trường lớn, chiếm nguồn cung chủ đạo như Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương...
Trong báo cáo, Bộ Xây dựng cũng thông tin về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 30/9 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 682.594 tỷ đồng (tính đến 30/6 là 672.224 tỷ đồng).
Trong đó, các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở có dư nợ tín dụng đạt 168.687 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê có dư nợ tín dụng là 38.991 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất có dư nợ tín dụng là 28.326 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng có dư nợ tín dụng là 26.919 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Các dự án nhà hàng, khách sạn có dư nợ tín dụng đạt 53.348 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,8%; dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 105.558 tỷ đồng, chiếm 15,5%; dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 73.833 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,8%; dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 186.932 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 27,4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Hải Âu (TH)