TNV - Trận lũ lịch sử tháng 10/2020 đã đẩy nhân dân Miền Trung vào tình cảnh khó khăn chồng chất. Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ kịp thời đồng bào các tỉnh miền Trung, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch xuất khẩn cấp hàng DTQG cho người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Việt Đức - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Ông Đỗ Việt Đức - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước
PV: Thưa ông, những ngày qua người dân Miền Trung đã phải đối mặt với những khó khăn, mất mát to lớn về người và của do bão lũ gây ra. Mưa lớn trên diện rộng cũng đã đe dọa tới sự an toàn của các kho hàng DTQG tại khu vực này. Xin ông cho biết, công tác chỉ đạo của Tổng cục DTNN trong việc bảo đảm an toàn cho tài sản, hàng dự trữ quốc gia như thế nào?
Ông Đỗ Việt Đức: Việc đảm bảo an toàn cho tài sản, hàng dự trữ quốc gia là một trong những nhiệm vụ được Tổng cục DTNN đặc biệt chú trọng, quan tâm. Ngay sau khi nhận được thông tin áp thấp nhiệt đới trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tin bão từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Tổng cục DTNN đã ban hành các Công điện để chỉ đạo các Cục DTNN khu vực yêu cầu triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến của áp thấp, bão tình hình mưa lũ để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Kiểm tra kho, hàng dự trữ quốc gia; triển khai các biện pháp phòng, chống để đảm bảo an toàn về người, tài sản và hàng dự trữ quốc gia; đồng thời có phương án chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương nơi có kho, hàng dự trữ quốc gia, trụ sở cơ quan dự trữ để sẵn sàng ứng phó, khắc phục, xử lý, giải quyết kịp thời mọi tình huống xảy ra tại đơn vị.
Đối với các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đang thực hiện nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực chủ động có kế hoạch triển khai thực hiện nhập, xuất hàng đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản và chất lượng hàng dự trữ quốc gia.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu các Cục DTNN khu vực rà soát trang thiết bị, lương thực bảo quản trong kho dự trữ, chuẩn bị sẵn sàng phương án xuất kho, vận chuyển, giao hàng kịp thời cho các địa phương hỗ trợ ứng cứu nhân dân vùng lũ.
PV: Để kịp thời giúp nhân dân miền Trung vượt qua thời điểm khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, được biết Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định cứu trợ khẩn cấp về lương thực, vật tư, thiết bị cho đồng bào các tỉnh này. Xin ông cho biết cụ thể hơn?.
Ông Đỗ Việt Đức : Để kịp thời hỗ trợ người dân miền Trung vượt qua thời điểm khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã ký các Quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia chi 05 tỉnh miền Trung. Với tinh thần vào cuộc khẩn trương để đưa gạo dự trữ tới tay người dân miền Trung một cách nhanh nhất, ngay trong ngày 19/10, Tổng cục DTNN đã giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN KV triển khai xuất khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia cho các địa phương, cụ thể:
(i) Hỗ trợ 5.000 tấn cho các tỉnh: Quảng Bình 1.000 tấn; Quảng Trị 1.000 tấn; Thừa Thiên Huế 1.000 tấn; Quảng Nam 1.000 tấn; Hà Tĩnh 1.000 tấn để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.
(ii) Hỗ trợ các mặt hàng vật tư thiết bị:
Tỉnh Quảng Bình: 05 bộ xuồng cao tốc các loại; 136 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 4.800 chiếc phao áo; 2.000 chiếc phao tròn và 460 chiếc bè nhẹ cứu sinh.
Tỉnh Quảng Trị: 03 bộ xuồng cao tốc các loại; 20 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 2.000 chiếc phao áo; 2.000 chiếc phao tròn và 100 chiếc bè nhẹ cứu sinh.
Tỉnh Thừa Thiên Huế: 03 bộ xuồng cao tốc các loại; 28 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 2.000 chiếc phao áo; 1.000 chiếc phao tròn; 30 chiếc bè nhẹ cứu sinh và 02 bộ máy phát điện.
T ỉnh Quảng Nam: 05 bộ xuồng cao tốc các loại; 30 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 2.000 chiếc phao áo; 1.000 chiếc phao tròn; 30 chiếc bè nhẹ cứu sinh và 02 bộ máy phát điện.
Tỉnh Hà Tĩnh: 04 bộ xuồng cao tốc các loại; 200 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 5.560 chiếc phao áo; 166 chiếc bè nhẹ cứu sinh và 04 bộ máy phát điện.
Đồng thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh sớm có kế hoạch tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia; chỉ đạo đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận lương thực, trang thiết bị phối hợp chặt chẽ với các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực được giao nhiệm vụ xuất hàng để kịp thời tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia được hỗ trợ để các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ.
PV: Xin Ông cho biết Tổng cục DTNN đã triển khai những việc làm cụ thể gì để trong thời gian ngắn nhất giao đủ gạo và trang thiết bị dự trữ quốc gia cho địa phương để kịp thời cho người dân ứng phó với bão lụt.
Ông Đỗ Việt Đức: Để đảm bảo hàng DTQG đến tay người dân vùng lũ lụt được sớm nhất, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo, quán triệt các Cục DTNN khu vực tập trung triển khai, thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, phương tiện vận chuyển, hàng DTQG để xuất cấp ngay khi có quyết định của Ủy ban nhân dân các tỉnh; bảo đảm kịp thời, theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của Ủy ban nhân dân các tỉnh.
Hai là , yêu cầu các Cục DTNN khu vực tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp Ủy đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với đơn vị được Ủy ban nhân dân các tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia; khẩn trương xuất kho, vận chuyển, giao hàng kịp thời cho các địa phương theo kế hoạch của tỉnh, bảo đảm số lượng, an toàn về chất lượng ngay sau khi nước rút.
Ba là, Các Cục DTNN khu vực phối hợp với các Sở, ngành của địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng hàng DTQG đã được xuất cấp bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng hàng dự trữ quốc gia đúng mục đích, đúng đối tượng được hỗ trợ theo quy định về quản lý sử dụng hàng dự trữ quốc gia.
Quang Văn