Từ ngày 4 đến 7/10, bình quân mỗi ngày cả nước tiêm gần 1,2 triệu mũi vaccine phòng COVID-19. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Đẩy nhanh các nguồn vaccine về Việt Nam
Cách đây 3 tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho 75 triệu người dân Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, sau thời gian chuẩn bị chu đáo, tập huấn kỹ lưỡng, chúng ta chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử này, với 150 triệu mũi tiêm cho 75 triệu người dân trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022. Đây là sự cố gắng rất lớn.
Sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, cùng toàn thể nhân dân Việt Nam trong kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại bình thường, để phát triển theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh, sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết và vaccine được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch COVID-19.
Với tầm nhìn xa và giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine, thành lập Quỹ vaccine, thành lập Tổ ngoại giao vaccine, song song tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử.
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, Giám đốc WHO có nhấn mạnh: "Không ai trong chúng ta an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn". Như vậy, muốn mọi người đều an toàn chỉ có thể đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho cả cộng đồng. Tại Việt Nam, mặc dù đã có 2 vaccine được thử nghiệm lâm sàng, 2 vaccine chuyển giao công nghệ với Mỹ, Nga và 2 vaccine có thỏa thuận chuyển giao công nghệ với Trung Quốc, Cuba, nhưng đến nay chưa có vaccine sản xuất trong nước tiêm cho người dân. Chính vì vậy, việc nhập vaccine trên thế giới là một hoạt động rất cấp bách.
Với mục tiêu thực hiện 150 triệu mũi tiêm vaccine COVID-19 cho 75 triệu người dân trong nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tập trung tổng hợp nhiều biện pháp, như tăng cường đàm phán, ngoại giao, tham gia trực tiếp, tranh thủ mọi hình thức ngoại giao, hỗ trợ, chia sẻ của các quốc gia, của các tổ chức quốc tế để thúc đẩy nhanh việc có vaccine và đưa vaccine về Việt Nam.
“Nhiệm vụ của ngoại giao vaccine là tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương để vận động nhằm khơi thông, thúc đẩy những nguồn cung trên, cũng như mở ra các nguồn cung mới, làm sao có vaccine nhiều nhất, nhanh nhất về Việt Nam”, ông Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Tính đến ngày 4/10, Việt Nam đã phân bổ 54 đợt vaccine COVID-19 tới các địa phương, đơn vị tiêm chủng, với 59.223.226 liều. Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 tính tới ngày 7/10 cũng cho thấy, cả nước đã thực hiện tiêm gần 50 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân, tăng gần 46 triệu liều đã tiêm cho người dân chỉ trong 3 tháng gần đây. Đặc biệt, từ ngày 4 đến 7/10, bình quân mỗi ngày, cả nước thực hiện tiêm gần 1,2 triệu mũi vaccine.
Các con số này cho thấy, tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 ở nước ta đang tiếp tục được đẩy nhanh, trong bối cảnh nhiều địa phương, doanh nghiệp đang nỗ lực xúc tiến phục hồi sản xuất và phải bảo đảm an toàn dịch bệnh.
GS. Nguyễn Lân Dũng cũng nhận định, Chính phủ và các bộ, ngành đã quyết liệt thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine và đã đạt được những thành tựu rất lớn. Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo cấp cao, từ các hoạt động ngoại giao trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, cho đến quá trình vận động vaccine của các đơn vị trong nước và ngoài nước.
“Quá trình ngoại giao vaccine thành công cũng thể hiện thành tựu của đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với tất cả các nước của Việt Nam. Mặc dù thế giới đang rất hiếm vaccine, nhưng Việt Nam dự kiến sẽ nhận được nhiều triệu liều từ các đối tác qua các hình thức viện trợ, nhượng lại và theo hợp đồng đã ký. Chỉ tính riêng tháng 8, số vaccine về Việt Nam là hơn 16 triệu liều, gấp đôi số lượng vaccine về trong tháng 7”.
Có vaccine, người dân yên tâm hơn
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết, quan điểm “vaccine tiêm sớm nhất là vaccine tốt nhất” có ý nghĩa rất quan trọng. Việc tiêm cho người dân càng sớm, càng nhiều thì miễn dịch cộng đồng càng nhanh, càng cao.
Đặc biệt, việc bao phủ vaccine hiện nay ở nước ta đang được thực hiện theo nguyên tắc công bằng, tức là không phân biệt đối tượng. Mọi người đều bình đẳng và công bằng trong tiếp cận vaccine, nhưng chúng ta vẫn phải đặt nguyên tắc ưu tiên những đối tượng tham gia tuyến đầu chống dịch, những khu vực trọng điểm về dịch nhằm phòng chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội.
"Đích thân Thủ tướng đã đi vào tâm dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Qua đó, người đứng đầu Chính phủ đã có những điều chỉnh chiến lược chống dịch, có những chỉ đạo sâu sát mang tính chiến lược. Từ chiến lược đánh nhanh COVID-19, điều chỉnh sang chiến lược chấp nhận không 'Zero COVID', thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa sản xuất vừa chống dịch thông qua chiến lược vaccine, để người dân yên tâm hơn", ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Điều này được chứng minh rõ nhất tại TPHCM: Từ tâm dịch, hiện nay TPHCM đã bắt đầu nới lỏng giãn cách từng vùng. Đến hết ngày 6/10, TPHCM đã có 18/22 quận, huyện và TP. Thủ Đức đã tiêm mũi 1 cho 100% số dân trong độ tuổi. Bốn quận, huyện còn lại cũng đã tiêm mũi 1 gần đạt 100% số dân trên địa bàn, gồm huyện Cần Giờ (98%), Quận 10 (95%), Quận 12 (98%), quận Gò Vấp (97%). Mũi 2, ngoài Quận 5 và Quận 11 đã tiêm được 100% cho số dân trong độ tuổi từ ngày 4/10, thì đến nay, 20 quận, huyện còn lại đã tiêm mũi 2 đạt từ 59-99%.
“Nhờ có vaccine nên mọi hoạt động đã được nới lỏng, tạo tâm lý vững chắc cho người dân, để người dân yên tâm tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong phòng chống COVID-19 và phát triển kinh tế”, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết.
Ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vaccine phòng COVID-19 đảm bảo trong tháng 10 sẽ bao phủ đủ mũi 1 cho 70% người dân từ 18 tuổi trở lên. Cùng với những nỗ lực tiếp cận vaccine, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, cho đến nay đã có gần 50 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc. Như vậy, có thể nói rằng Việt Nam đã và đang thực hiện theo đúng tiến độ và thậm chí có thể đạt được mục tiêu có miễn dịch cộng đồng với ít nhất 70% dân số trở lên được tiêm chủng đủ mũi trước kế hoạch là tháng 4 năm 2022.
Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, trong thời gian tới, nguy cơ dịch COVID-19 vẫn thường trực và tiếp tục có các ca mắc bệnh mới trong cộng đồng. Việt Nam sẽ phải tiếp tục chống dịch COVID-19 trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. Tỉ lệ tiêm vaccine là yếu tố quyết định để “thích ứng an toàn có kiểm soát” trong trạng thái “bình thường mới”.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, từ nay đến cuối năm 2021, dự kiến sẽ có khoảng 55 triệu liều vaccine COVID-19 về Việt Nam. Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ theo từng tuần, từng tháng cho các địa phương theo quy định.
Ngày 6/10, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương cho biết, thời gian tới Bộ dự kiến sẽ tiếp nhận số lượng vaccine nhiều hơn trước. Vì vậy, để chủ động sẵn sàng tiếp nhận, bảo quản và triển khai tiêm vaccine nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, tránh lãng phí theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc tổ chức tiếp nhận và triển khai tiêm chủng vaccine ngay sau khi được phân bổ, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho các đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, tăng độ bao phủ mũi 1 và mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định, đảm bảo an toàn và hiệu quả…
Hiền Minh/Chinhphu