Chưa bao giờ đa số người dân Mỹ và các chính trị gia thế giới trông chờ và hy vọng vào tân Tổng thống Mỹ như hiện nay. Chiến thắng của ông John Biden và hai thượng nghị sĩ Dân chủ ở bang Georgia đã mang lại lợi thế chính trị rất lớn cho xu hướng tự do, xóa bỏ “chủ nghĩa Trump”, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, mở ra một kỷ nguyên mới cho chính trị toàn cầu.
Bên cạnh những lợi thế chính trị rất lớn có được khi đảng Dân chủ nắm trọn hai viện Quốc hội, Tổng thống đắc cử John Biden sẽ gặp rất nhiều thách thức xuất phát từ quyền lực tổng thống, sự phối hợp hành động giữa hành pháp với lập pháp. Và quan trọng nhất là tư duy định hình chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Biden có phù hợp với xu thế vận động của chính trị toàn cầu hay không.
Tổng thống đắc cử Joe Biden phát biểu ở quê nhà Wilmington, Delaware (Ảnh: Reuters).
Quyền lực của Tổng thống Mỹ
Theo bản Hiến pháp 1787, quyền lực của nhà nước được xây dựng trên cở sở tam quyền phân lập giữa ba nhánh quyền lực là lập pháp (quốc hội), hành pháp (tổng thống) và tư pháp (Tối cao pháp viện). Tổng thống Mỹ được trao rất ít quyền lực, đặc biệt là trong chính sách đối nội.
Về cơ bản, quyền lực của tổng thống bị giới hạn, chịu sự chi phối và giám sát của hai nhánh quyền lực. Quốc hội có quyền rất lớn trong việc duyệt ngân sách liên bang, tăng tiền nợ công, luận tội tổng thống, phê chuẩn đạo luật… Thượng viện có quyền rất lớn trong việc phê chuẩn thành viên nội các, thẩm phán Tối cao pháp viện, phê chuẩn các hiệp ước quốc tế …..
Đối với nhánh tư pháp, thành công của Tổng thống Trump trong việc bổ nhiệm 3 thẩm phán Tối cao pháp viện có xu hướng bảo thủ sẽ là khó khăn rất lớn cho Tổng thống đắc cử Biden. Tối cao pháp viện không chỉ có quyền lực trong việc diễn giải hiến pháp, cơ quan này còn có quyền phủ quyết các đạo luật của quốc hội hay quyết định của tổng thống.
Hiện tại cán cân trong Tối cao pháp viện đang là 5 - 3 - 1 (5 vị có tư tưởng bảo thủ, ba vị có tư tưởng cấp tiên và một vị có tư tưởng trung dung là ông Chánh án John Roberts ). Thêm vào đó, các thẩm phán Tối cao pháp viện có nhiệm kỳ trọn đời, nên nhìn vào cán cân quyền lực trong vòng 20 – 30 năm tới, xu hướng chính trị bảo thủ sẽ chủ chi phối nền tư pháp Mỹ.
Tổng thống đắc cử Biden khi điều hành đất nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc dung hòa quan điểm cấp tiến của cá nhân với xu hướng bảo thủ trong nền tư pháp này.
Ngoài hai nhánh quyền lực là lập pháp và tư pháp, tổng thống Mỹ còn bị giới hạn quyền lực trong việc điều hành đất nước với chính quyền tiểu bang. Hiện tại có tới 26/50 bang của Hoa Kỳ được lãnh đạo bởi các Thống đốc đảng Cộng hòa. Quyền lực các tiểu bang khá lớn và nhiều khi độc lập với quyền lực của chính quyền liên bang.
Trong việc điều hành kinh tế, tổng thống còn chịu ảnh hưởng từ cơ chế tài chính là Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), đây là cơ chế có tính chất bán công, quốc hội có quyền bổ nhiệm Thống đốc và có vai trò giám sát. Tuy nhiên, các quyết định về kinh tế, tài chính như tăng hay giảm lãi suất, cung ứng tiền tệ…. FED đều có quyền lực độc lập.
Tóm lại, Tổng thống đắc cử John Biden sẽ không có nhiều quyền lực trong việc thực thi các chính sách đối nội và đối ngoại. Đảng Dân chủ nắm trọn hai viện quốc hội là điều kiện rất thuận lợi cho ông Biden, nhưng nó chỉ là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ, trong khi nước Mỹ còn quá nhiều hồ sơ khó khăn cần tổng thống giải quyết.
Thách thức cho Tổng thống đắc cử Biden
Xét một cách công bằng, di sản mà tổng thống kế nhiệm nhận được không mấy tốt đẹp, một nước Mỹ chìm trong đại dịch Covid, bất ổn xã hội, mâu thuẫn sắc tộc lên cao, nền kinh tế gặp khủng hoảng, vị thế chính trị của Mỹ xuống thấp, Nga và Trung Quốc đang từng bước gia tăng ảnh hưởng, các đồng minh hoài nghi về sức mạnh và chính sách đối ngoại của nước Mỹ.
Lợi thế chính trị khi đảng Dân chủ nắm trọn hai viện Quốc hội chỉ là điều kiện cần, có tác dụng thúc đẩy Tổng thống đắc cử Biden thực hiện các chương trình, chính sách đối nội và đối ngoại, nhưng không đủ để đảm bảo thắng lợi về chính trị trong 4 năm nắm quyền sắp tới.
Có một điểm khá trùng hợp, trong ba đời tổng thống Dân chủ, gần đây nhất là Bill Clinton, Obama và sắp tới là Joe Biden, hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, đảng Dân chủ đều nắm trọn hai viện quốc hội.
Nhưng nhìn lại thành tựu chính trị trong thời gian 2 năm đầu, cựu Tổng thống Bill Clinton và Obama đều không thể hiện được nhiều thành tích rõ nét.
Tổng thống Bill Clinton không thể thuyết phục quốc hội thứ 103 thông qua Đạo luật chăm sóc sức khỏe toàn dân. Không những vậy, những thất bại về chính sách đối nội đã đẩy đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm 1994, dẫn tới lần đầu tiên sau 40 năm, đảng Cộng hòa nắm trọn hai viện Quốc hội khóa 104.
Tổng thống Obama có chút khác biệt, hai năm đầu tiên đã tận dụng tối đa ưu thế chính trị khi thuyết phục được Quốc hội thứ 111 thông qua Đạo luật chăm sóc sức khỏe toàn dân (Obamacare) – một thành tựu rất lớn trong sự nghiệp chính trị của ông.
Nhưng thành tựu đó không đủ giúp cho đảng Dân chủ chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu Quốc hội ở khóa 112, 113, 114, đảng Cộng hòa chiến thắng ở Hạ viện, dẫn đến hệ quả là Chính phủ liên bang phải đóng cửa vào năm 2013, quốc hội không thông qua Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thỏa thuận hạt nhân với Iran, thông qua Hiệp ước Paris về chống biển đổi khí hậu vào năm 2015…
Và điều kỳ lạ hơn nữa là sau khi đảng Cộng hòa nắm trọn hai viện quốc hội, Tổng thống Bill Clinton đã đưa ra quyết định chính trị đúng đắn nhất trong sự nghiệp khi ngồi lại đàm phán với quốc hội về ngân sách liên bang, kết quả là lần đầu tiên sau Thế chiến 2, ngân sách liên bang Hoa Kỳ đạt thặng dư.
Bên cạnh thách thức về quyền lực tổng thống Mỹ bị Hiến pháp giới hạn, ông Biden còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện tham vọng đưa nước Mỹ trở lại vị thế dẫn đầu, xây dựng chủ nghĩa đa phương, ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng đến từ Nga và Trung Quốc. Nguyên nhân là do trật tự thế giới hiện tại đã khác rất nhiều so với những năm sau kết thúc chiến tranh Lạnh, các quốc gia hiện tại đều đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích quốc tế, trật tự thế giới đang là đa cực, nhưng hiện tại chưa có đa phương, các tổ chức chính trị có nhiệm vụ duy trì hòa bình an ninh thế giới, duy trì sức mạnh ảnh hưởng của Mỹ đều bộc lộ sự không phù hợp, cần cải tổ...
Ông John Biden vinh dự được viết vào lịch sử nước Mỹ với tư cách là tổng thống thứ 46, nhưng để được vinh danh thì Tổng thống Biden sẽ trải qua con đường đầy gian nan và thử thách./.
CTV Bùi Mạnh Thành/VOV