Tổng thống Trump tin Mỹ sẽ vượt qua “tuần lễ khủng khiếp nhất” của đại dịch Covid-19

Thứ hai, 06/04/2020 - 20:43

Dù cảnh báo về “tuần lễ khủng khiếp nhất” của đại dịch Covid-19, Tổng thống Trump vẫn tin tưởng sẽ có “ánh sáng cuối đường hầm”.

Gợi nhớ thảm kịch Trân Châu Cảng

Theo Guardian, những lời lẽ nhằm trấn an người dân Mỹ được ông Trump đưa ra trong bối cảnh Tổng Y sinh Mỹ Jerome Adams cảnh báo nước Mỹ sắp phải đối mặt với một thảm kịch kinh hoàng “gợi nhớ đến trận Trân Châu Cảng” trong tuần tới với số người thiệt mạng có thể ở mức “chưa từng có tiền lệ”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

“Tuần tới sẽ chứng kiến “thời khắc Trân Châu Cảng” hoặc “thời khắc 11/9” của chúng ta. Đó sẽ là thời khắc khó khăn nhất đối với rất nhiều người dân Mỹ trong suốt cuộc đời họ. Chúng ta cần phải hiểu rằng, nếu muốn làm phẳng đường cong dịch bệnh và vượt qua nó, mỗi người cần hiểu rõ trách nhiệm của bản thân”, ông Adams nói.

Tổng Y sinh Mỹ cũng lên tiếng kêu gọi mọi người nên ở yên trong nhà trong thời điểm này: “Hơn 90% người dân Mỹ đang làm điều này dù một số bang không đưa ra yêu cầu này. Tuy nhiên, thưa các Thống đốc, nếu các vị không thể đưa ra yêu cầu này trong vòng 30 ngày, hãy cho chúng tôi ít nhất một tuần hoặc bất kỳ thời hạn nào để hệ thống y tế của chúng ta không bị quá tải trong tuần tới”.

Ông Adams cũng khuyến cáo người dân Mỹ cần phải đeo khẩu trang hoặc ít nhất là che kín mũi và miệng khi ra ngoài cũng như đảm bảo đứng cách người khác ít nhất 2m: “Hãy đảm bảo rằng, các bạn sẽ tuân thủ nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội đồng thời với việc đeo khẩu trang”.

Trước đó, Bác sỹ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cũng đã có một cảnh báo tương tự trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng: “Tuần tới có sẽ là một tuần hết sức tồi tệ”. Cũng theo ông Fauci, những bang không đặt ra yêu cầu người dân phải ở yên trong nhà “đang tự đặt bản thân vào vòng nguy hiểm”: “Tôi không thể nói chúng ta đã kiểm soát được tình hình. Chúng ta đang nỗ lực làm điều này dù còn rất nhiều khó khăn”.

Dù có chung quan điểm với 2 chuyên gia y tế nói trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bày tỏ tin tưởng “sẽ có ánh sáng cuối đường hầm”: “Chúng tôi tin rằng, những ngày sắp tới, nước Mỹ sẽ cùng nhau vượt qua đỉnh đại dịch tồi tệ này. Các chiến binh của chúng ta trong cuộc chiến sinh tử này chính là các bác sỹ, y tá và các nhân viên y tế tuyệt vời đang trên tuyến đầu chống dịch”.

Dù vậy, Tổng thống Mỹ vẫn gây bất ngờ khi phớt lờ chỉ dẫn liên bang về việc cần đeo khẩu trang tại những nơi đông người. Khi được hỏi về điều này, Tổng thống Mỹ nói: “Tôi sẽ không đeo khẩu trang và sẽ chỉ làm điều này nếu tôi cho rằng điều đó quan trọng”.

Sự đối lập giữa các bang

Trong khi đó, tại New York, bang chịu tổn thất nặng nề nhất của dịch Covid-19 và vừa mới chứng kiến ngày đầu tiên số người tử vong giảm so với một ngày trước đó, Thống đốc Andrew Cuomo đã tự tin cho rằng: “Đỉnh dịch có thể là một “vùng cao nguyên” và chúng ta đang đứng trên cao nguyên đó”. Tuy nhiên, ông Cuomo cũng thận trọng cho rằng, những ngày tới sẽ là “thời khắc quyết định” đối với New York.

Tại Louisiana, một điểm nóng mới về dịch Covid-19, Thống đốc John Bel Edwards cảnh báo, bang này sẽ cạn kiệt máy thở vào thứ 5 tới cũng như sẽ không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân cần điều trị tích cực 2 ngày sau đó. “Đây là tình huống cực kỳ khẩn cấp và nó không khác gì bất kỳ bang nào khác”, ông Edwards nói thêm.

Tuy nhiên, cũng theo ông Edwards, tình hình có thể dịu đi phần nào sau khi bang này tiếp nhận thêm 200 máy thở. Ngoài ra, Louisiana cũng đã mở bệnh viện dã chiến đầu tiên của mình tại Trung tâm Hội nghị Morial với 1.000 giường bệnh giúp giảm tải cho các bệnh viện trong thành phố đang căng mình điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.

Trong khi Louisiana đang tích cực triển khai các biện pháp đối phó với dịch Covid-19 trong những ngày tới thì 5 bang là Iowa, Nebraska, North Dakota, South Dakota và Arkansas cho đến thời điểm này vẫn chưa đưa ra sắc lệnh buộc người dân phải ở yên trong nhà để phòng tránh dịch.

Thậm chí Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson còn lên tiếng bao biện rằng, một sắc lệnh như vậy sẽ chẳng có ích gì bởi người dân trong bang sẽ phớt lờ hết: “Cứ đưa ra sắc lệnh đi rồi hôm sau cả 600.000 người Arkansans vẫn đi làm như bình thường”./.

Trần Khánh/VOV.VN (Biên dịch)Theo Guardian