TPHCM đã lấy được khoảng 170.000 mẫu test nhanh, trong đó có 6.000 mẫu cho kết quả dương tính

Thứ tư, 25/08/2021 - 08:51

TNV - Chiều 24/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Chủ trì họp báo có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Ban Chỉ đạo Phan Nguyễn Như Khuê; Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải.

Cùng tham dự họp báo có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, gồm: Cục trưởng Cục báo chí Nguyễn Thanh Lâm; Phó vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh; Phó cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình Lê Quang Tự Do; các lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội, Công an TP, đại diện Ủy ban MTTQ VN TPHCM cùng phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.

Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình phát biểu tại họp báo.

Tại cuộc họp, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, từ 18 giờ 00 ngày 22/8 đến 18 giờ 00 ngày 23/08, TP đã lấy 15.026 mẫu xét nghiệm RT-PCR, trong đó có 11.543 mẫu đơn và 3.483 mẫu gộp, với 41.981 người được lấy mẫu tại các khu cách ly, khu dân cư, khu sản xuất tập trung.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm, để bóc tách toàn bộ F0 trong cộng đồng thì TP phải hoàn thành lấy 2 triệu mẫu đến hết ngày 25/8. Ngày 23/8, TP đã lấy được khoảng 170.000 mẫu test nhanh, trong đó có 6.000 mẫu cho kết quả dương tính, tỷ lệ này thấp hơn 5% theo hướng dẫn WHO.

“Dương tính khoảng 6.000/170.000 mẫu, tỷ lệ dương tính trong cộng đồng như vậy là ở mức cho phép. Phải làm sao người dân ở "vùng đỏ, vùng cam" được xét nghiệm hết. Từ đó, đánh giá tình hình dịch bệnh và tham mưu cho thành phố các giải pháp chống dịch sắp tới”, ông Hưng nói.

Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm đề nghị các cơ quan báo chí nhìn nhận vấn đề, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch theo đúng tinh thần 1102 của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo Phó giám đốc sở Y tế, để triển khai được với khối lượng lớn, ngành y tế yêu cầu người dân tự test nhanh với sự hướng dẫn của ngành y tế hoặc lực lượng địa phương được tập huấn. Đồng thời đẩy mạnh việc truyền thông, hướng dẫn cho người dân hiểu về kỹ thuật lấy mẫu dưới nhiều hình thức như phát video hướng dẫn trên đài truyền hình, web điện tử của quận, huyện và hướng dẫn của nhà sản xuất.

Dự kiến, từ hôm nay trở đi, số lượng mẫu cần lấy sẽ đáp ứng đủ yêu cầu.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, với chiến lược xét nghiệm tầm soát trên diện rộng như hiện nay, dự báo số ca F0 trong thời gian tới sẽ tăng lên, do đó nhu cầu điều trị F0 sẽ tăng.

Hiện nay, bên cạnh phương án mở rộng tầng 2 và tầng 3 trong tháp 3 tầng điều trị, TP đang tiến hành đẩy mạnh mở rộng tầng 1, đây là tầng quan trọng để giảm thiểu người bệnh chuyển nặng. Khi mở rộng tầng này sẽ làm giảm áp lực y tế lên tầng 2,3, từ đó giảm tỷ lệ tử vong.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo việc chăm sóc trường hợp F0 đang được theo dõi tại nhà và đảm bảo người dân mắc bệnh khác tại cộng đồng vẫn được chăm sóc điều trị tốt, Sở Y tế đã phối hợp các quận huyện để thành lập Trạm y tế lưu động. Mỗi phường thành lập từ 2-3 trạm y tế lưu động tùy số lượng F0 trên địa bàn.

Trong kế hoạch thành lập 400 Trạm y tế lưu động thì đến ngày 23/8, đã có tổng số 274 trạm y tế lưu động được thành lập trên toàn TP, sẽ tăng tốc để hoàn thành 400 trạm trong thời gian sớm nhất.

“Với tình hình số lượng F0 dự báo sẽ tăng cho thời gian tới, người dân cần hết sức bình tĩnh vì điều này nằm trong kịch bản của ngành y tế. Để ứng phó với vấn đề này, TP đã triển khai đồng loạt các phương án như chuẩn bị 100.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà, thành lập Trạm y tế lưu động để chăm sóc điều trị bệnh nhân”, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết thêm.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng trả lời câu hỏi của phóng viên.

Về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đến ngày 23/8, TP đã tiêm tổng số 5.501.732 mũi, trong đó có 5.291.196 mũi 1, đạt tỷ lệ 78,9% người dân (trên 18 tuổi) và 210.536 mũi 2, đạt 3,1% người dân (trên 18 tuổi).

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng thông tin thêm về năng lực tổ chức tiêm vắc xin của TP, có ngày đạt trên 300.000 mũi, cho thấy hệ thống có thể tiêm số lượng lớn.

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở y tế lưu ý: “Có một thông tin cần thiết là vắc xin tốt nhất là vắc xin có sớm, người dân không nên lựa chọn vắc xin, chờ đợi vắc xin khác. Người dân phải hiểu, tiêm sớm phòng sớm, nếu không may nhiễm bệnh thì vô cùng đáng đáng tiếc”.

Liên quan đến việc thay đổi mẫu giấy đi đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP cho biết, căn cứ theo Công văn số 2850 ngày 23/8 của UBND TP, UBND TP giao cho Công an TP là đầu mối in và quản lý cấp giấy đi đường cho 17 nhóm đối tượng được cấp phép.

Thượng tá Lê Mạnh Hà lưu ý, Công an TP chỉ tiếp nhận danh sách và cấp giấy đi đường về các đơn vị đầu mối theo văn bản của UBND TP về quy định 17 nhóm đối tượng thẩm quyền được cấp. Đơn vị đó vẫn là đơn vị đầu mối tập hợp và báo về Công an TP danh sách, số lượng, và Công an TP sẽ cấp in và cấp ngược lại cho đơn vị chủ quản và các đơn vị chủ quản có trách nhiệm cấp cho cán bộ, công nhân viên và doanh nghiệp, các đơn vị quản lý.

Phó Ban Chỉ đạo Phan Nguyễn Như Khuê cho biết thêm, việc Công an TP quản lý giấy đi đường để thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách và công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, ông Khuê đề nghị Công an TP xử lý nhanh việc cấp giấy và xem xét tạo điều kiện cho các đơn vị đang thực thi nhiệm vụ trên địa bàn TP.

Tại họp báo, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm đề nghị các cơ quan báo chí nhìn nhận vấn đề, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch theo đúng tinh thần 1102 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là tham gia tháo gỡ, nhìn nhận những giải pháp quyết liệt và những khó khăn, vướng mắc của TP bằng cách xây dựng tích cực, nêu vấn đề một cách chắc chắn, có kiểm chứng kèm theo giải pháp. Không đưa những tin tức không kiểm chứng, những vấn đề xuất hiện trên mạng xã hội, giật tít theo dạng nghi vấn, lửng lơ, gây suy diễn. Thông tin đưa ra phải kiểm chứng qua việc kèm theo ý kiến của cơ quan chức năng, có giải pháp cụ thể.

Khi người dân thực hiện giãn cách, sản phẩm báo chí sẽ là một trong những nguồn động viên tinh thần. Do vậy, các cơ quan báo chí cần có những bài viết hay, thông điệp cảm động, chương trình đặc sắc. Qua đó, nêu được sức mạnh, tâm hồn, trí tuệ Việt Nam.

Còn theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc, lực lượng báo chí, phóng viên, biên tập viên là những người lính trên chiến trường, xông pha những nơi nguy hiểm nhất để mang hình ảnh chân thực đến toàn dân. Các cơ quan báo chí là kênh truyền tải những gì gần nhất của cuộc sống đến với nhân dân. Do đó, mỗi câu chữ, dòng tít viết ra phải làm sao để nhân dân đọc được thấy an lòng, cảm nhận rõ được hơi thở thực tế. Từ đó, người dân biết được nên làm gì để hỗ trợ cùng toàn Đảng, lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến.

Trong thời gian qua, báo chí đã phản ánh rất tốt công cuộc chống dịch của các lực lượng tuyến đầu. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong rằng, sắp tới báo chí sẽ có những tuyến bài thể hiện tình yêu thương, tri ân của nhân dân TPHCM đối với những chiến sĩ, quân nhân, lực lượng y tế. Từ đó, thể hiện được bản chất vốn có của người dân TPHCM.

Tán Tài