Văn bản nêu rõ, mục đích của kế hoạch nhằm huy động hiệu quả mọi nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh những nơi có nhu cầu, hoạt động hiệu quả và đảm bảo điều kiện an toàn theo tiêu chí của UBND TP. Qua đó, góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh khi dịch được kiểm soát, đảm bảo thu ngân sách nhà nước và chi thường xuyên.
Ngoài ra, kế hoạch còn nhằm duy trì hoạt động hỗ trợ vốn, giảm chi phí cho các doanh nghiệp đang sản xuất để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19. Đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống cho người lao động; hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người lao động, người sử dụng lao động.
Từ mục đích trên, UBND TP các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện tiếp tục theo dõi sát tình hình hoạt động, chủ động nắm bắt các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người lao động. Các sở, ban, ngành phụ trách các lĩnh vực phải chủ động cập nhật các chính sách hỗ trợ mới và đề xuất triển khai ngay với các hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người lao động tiếp cận chính sách.
Về các nhóm giải pháp hỗ trợ, TPHCM đưa ra 4 nhóm giải pháp gồm: giải pháp hỗ trợ về tín dụng; giải pháp hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; giải pháp hỗ trợ mở rộng thị trường; giải pháp hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực.
Từ đó, UBND TPHCM yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, quận - huyện triển khai ngay các giải pháp trên trong tháng 8/2021. Đặc biệt, tập trung vào các giải pháp để hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Tấn Tài