Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức chủ trì họp báo về thực hiện Chỉ thị 16 - Ảnh: VGP
Tối 8/7, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi cung cấp thông tin về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn. Cuộc họp do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức chủ trì cùng sự tham gia của đại diện các sở, ngành Thành phố.
“Tận dụng thời gian giãn cách xã hội để siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm đạt kết quả cao nhất", ông Đức cho hay.
Vì sao ngưng việc mua, bán thức ăn mang về?
Tại cuộc họp, nhiều câu hỏi chi tiết đã được đặt ra về việc tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về có thể gây khó khăn cho người dân Thành phố. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, khi Thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 10 trong thời gian trước đã tạm ngưng việc ăn uống tại chỗ, nay Thành phố sẽ tiếp tục tạm ngưng việc mua, bán thức ăn mang về từ các cơ sở kinh doanh ăn uống theo chỉ thị mới.
Ông Đức lấy ví dụ thực tế các nơi bán thức ăn nấu sẵn và nước giải khát, khi nhiều người đặt hàng thì nhân viên giao hàng, tài xế công nghệ sẽ đến đứng đợi ở cửa hàng rất đông. Nếu vẫn cho những nơi này hoạt động thì khó bảo đảm giãn cách theo Chỉ thị 16.
Phó Chủ tịch Dương Anh Đức chia sẻ, thời gian qua, Thành phố đã cân nhắc từng bước nhưng đến lúc này, cần những biện pháp thực sự quyết liệt và rất mong có sự sẻ chia, đồng cảm, ủng hộ của người dân. Ông Dương Anh Đức cũng cho biết, các dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng môtô không phải chở người vẫn được duy trì.
Đối với những ý kiến về hoạt động phát cơm nghĩa tình, hỗ trợ người nghèo của các tổ chức thiện nguyện có bị ảnh hưởng trong đợt giãn cách lần này không, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết, về nguyên tắc, Thành phố vẫn cho phép hoạt động này được tiếp tục nhưng phải bảo đảm yêu cầu được tổ chức ngăn nắp, trật tự và quan trọng nhất là không tụ tập quá 2 người ngoài khu vực công cộng.
Hạn chế việc ách tắc giao thông và duy trì cung ứng hàng hóa
Về việc di chuyển ra, vào Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết, khi áp dụng Chỉ thị 16 thì người dân chỉ được ra đường khi có thể lý giải với lực lượng chức năng việc di chuyển là để giải quyết nhu cầu cấp thiết của bản thân hoặc gia đình như mua thực phẩm, khám chữa bệnh, cấp cứu…, nếu không thì chắc chắn sẽ không được phép. Ngoài ra, quy định cũng nói rõ người dân di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh sang tỉnh khác cũng phải bị cách ly 7 ngày. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực thống nhất với các tỉnh về quy trình để hạn chế việc ách tắc giao thông và duy trì hoạt động cung ứng hàng hóa thực phẩm cho Thành phố.
Ngoài ra, trong đợt thực hiện Chỉ thị 16 này, Thành phố vẫn cho phép xe chở hàng hóa hoạt động đúng quy định phòng, chống dịch theo điều kiện mới của Thành phố. Với xe liên tỉnh chở nhu yếu phẩm từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh và các tỉnh đi Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải cho biết sẽ chủ trì tiếp nhận danh sách phương tiện của xe chở nhu yếu phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống; xe đưa rước công nhân, chuyên gia; xe chở hàng hóa ra vào cảng…
Đối với nhóm xe chở hàng thiết yếu, sản xuất kinh doanh thuộc nhóm đối tượng ưu tiên, các tỉnh trong vùng đã thống nhất sẽ có sự kiểm tra giám sát của doanh nghiệp vận tải, đơn vị quản lý cảng biển và với thành phố, Sở Công Thương, hệ thống Co.op Mart và doanh nghiệp vận tải quản lý trực tiếp.
Thông tin về việc với 12 trạm chốt tại cửa ngõ Thành phố hoặc trong quá trình tham gia giao thông, người dân cần xuất trình giấy tờ gì nếu bị kiểm tra, Trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông (PC08, Công an Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, nhằm đảm bảo tối thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, theo nội dung công văn 2279, Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng cường xử phạt hành chính với người ra khỏi nhà không theo quy định.
Theo đó, văn bản 2279 giao Công an Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lại 12 chốt trạm tại địa bàn giáp ranh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai; cụ thể là các chốt trên Quốc lộ 50, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Quốc lộ 13 (cầu Vĩnh Bình), Quốc lộ 1 đoạn trước khu công nghệ Sóng Thần, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 1 đoạn giáp ranh Đồng Nai, đường dẫn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây... Tại đây, Công an Thành phố phối hợp với cảnh sát giao thông, công an phường, cảnh sát cơ động, an toàn thực phẩm, cảnh sát quân sự. Tại các chốt, lực lượng chức năng sẽ đảm bảo kiểm soát người, kiểm soát dịch và kiểm soát phương tiện ra, vào Thành phố.
Người dân bình tĩnh mua sắm, chắc chắn không bao giờ thiếu hàng
Về việc lưu thông thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, hiện tại 148/234 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối trên địa bàn đã phải tạm đóng cửa. Bên cạnh đó, một lực lượng lớn lao động phải tạm ngưng hoạt động do cách ly tập trung hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà. Mặc dù lượng hàng hóa dự trữ của Thành phố đã tăng gấp 2-3 lần để bảo đảm nguồn cung đầy đủ, nhưng với hệ thống phân phối đang bị giảm sút rất nhiều thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp hàng hóa cho người dân.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, khi có thông tin áp dụng Chỉ thị 16, người dân sẽ có tâm lý muốn dự trữ hàng hóa nên tập trung mua sắm rất nhiều trong khi hệ thống phân phối đang khó khăn, các địa phương áp dụng rất nhiều biện pháp kiểm soát như cách ly các thương lái đưa hàng hóa đi các tỉnh (7 ngày hoặc 14 ngày), có nơi yêu cầu xét nghiệm nhanh, có nơi yêu cầu xét nghiệm PCR, trong trường hợp xét nghiệm PCR thì buộc doanh nghiệp phải tìm tài xế thay thế.
Để giải quyết vấn đề này, các công ty Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh đã nâng công suất tối đa để cung ứng cho người dân. Hôm nay, doanh thu 2 đơn vị này tăng gấp 5 lần bình thường. Trong khi đó, rất nhiều hệ thống phân phối mà trụ sở chính hoặc cơ quan phải cách ly. Vì vậy, nếu người dân đồng cảm, chia sẻ, bình tĩnh mua sắm thì chắc chắn không bao giờ thiếu hàng.
Ông Dương Anh Đức chia sẻ: Thành phố Hồ Chí Minh đang ở một giai đoạn rất khó khăn, đòi hỏi sự chung tay từ phía người dân để cùng Thành phố chống dịch. Không có quyết định nào toàn vẹn, nếu mỗi người dân thay đổi thói quen, hy sinh một chút tiện ích của bản thân thì tình hình sẽ được cải thiện. Đây là mong muốn không chỉ của bất kỳ người dân nào, hay của riêng Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là mong muốn của đồng bào cả nước.
Kỳ thi THPT năm 2021 an toàn, nghiêm túc
Đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT năm 2021 trên địa bàn TPHCM, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thành phố Nguyễn Văn Hiếu cho biết kỳ thi diễn ra được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Trong kỳ thi này, có 89.257 thí sinh đăng ký tham dự, tuy nhiên, chỉ có 86.943 thí sinh đến làm thủ tục dự thi.
Thí sinh hầu hết thực hiện nghiêm nội quy thi, thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn an toàn của điểm thi và phối hợp tốt để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình dự thi. Chỉ có 3 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19, trước kỳ thi, vào ngày 3/7, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các đơn vị triển khai xét nghiệm cho thí sinh và cán bộ coi thi. Một số trường hợp dương tính với COVID-19 đã không tham gia kỳ thi.
Tuy nhiên, tại một số điểm thi cũng đã phát hiện một số thí sinh dương tính do có người nhà được phát hiện F0. Một số trường hợp báo với điểm thi và không đến điểm thi vào các ngày sau. Một số trường hợp phát hiện dương tính với COVID-19 khi đến tham dự thi, được thi riêng tại phòng thi dự phòng.
Về công tác chấm thi, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, để đảm bảo phòng dịch, sẽ triển khai xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ hơn 2.000 người gồm lãnh đạo, nhân sự tham gia đợt chấm thi vào ngày 9/7; ngoài ra, trong quá trình sẽ yêu cầu luôn thực hiện 5K; triển khai phương án vào ra theo cổng, giãn cách theo quy định. Theo kế hoạch, công tác chấm thi bắt đầu từ ngày 9 đến ngày 28/7.
Giám đốc Sở GD-ĐT cũng cho biết sẽ kiến nghị UBND Thành phố có những chỉ đạo cụ thể trong bối cảnh dịch bệnh và triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong những ngày tới, tạo điều kiện để công tác chấm thi đảm bảo an toàn.
Nhóm PV/Chinhphu