TNV - Chiều 26/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP trong 24 giờ qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.
Tham dự có Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Lâm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh và Truyền hình Lê Quang Tự Do, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Tô Đại Phong; Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP; Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam; Phó Giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng; Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP Lê Mạnh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Từ Lương; lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP cùng phóng viên, biên tập viên 32 cơ quan báo chí trú đóng tại TPHCM.
Tại họp báo, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 25/8 là 5.627.728, trong đó tổng số mũi 1 là 5.390.903, mũi 2 là 236.825, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 573.771.
Ông Hải cho biết thêm, TP phải cơ bản tiêm hết tất cả đối tượng được tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế trước ngày 15/9. Đồng thời nhấn mạnh “Vắc xin sớm nhất là vắc xin tốt nhất”.
Theo Bộ Y tế, công tác thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần đúng tối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng. Nghiêm cấm việc thu tiền từ các đơn vị, tổ chức cá nhân đến tiêm chủng với bất kì hình thức nào. Đơn vị nào không thực hiện đúng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Về kết quả xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 24/8 đến 18 giờ 25/8, TP đã lấy 479.742 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên và 514.974 mẫu PCR, trong đó có 8.452 mẫu đơn và 4.189 mẫu gộp.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam chia sẻ thêm về công tác lấy mẫu tại vùng đỏ và vùng cam, trong 3 ngày (từ 23/8 đến 25/8), TP đã tiến hành xét nghiệm nhanh gần 1 triệu mẫu.
Theo đánh giá, mặc dù chưa đạt mục tiêu 2 triệu mẫu như kế hoạch đề ra, tuy nhiên TP cũng đã nỗ lực hết sức. “Trong hôm nay và ngày mai sẽ quét tổng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam khẳng định.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, với chiến lược xét nghiệm tầm soát trên diện rộng như hiện nay, dự báo số ca F0 trong thời gian tới sẽ tăng lên, do đó nhu cầu điều trị F0 sẽ tăng.
Nhằm đảm bảo việc chăm sóc trường hợp F0 đang được theo dõi tại nhà và đảm bảo người dân mắc bệnh khác tại cộng đồng vẫn được chăm sóc điều trị tốt, Sở Y tế đã phối hợp các quận huyện để thành lập Trạm y tế lưu động.
Tính đến thời điểm hiện tại, TP có 401/413 trạm y tế lưu động đã chính thức hoạt động, riêng Nhà Bè và Củ Chi đang khẩn trương triển khai bổ sung cho đầy đủ số trạm.
Tính đến 8h ngày 25/8, Trạm y tế lưu động tại các quận, huyện và TP Thủ Đức đang phụ trách chăm sóc và điều trị cho 23.197 người F0 cách ly tại nhà, thực hiện 4 nhiệm vụ chính.
Đại diện Sở Y tế cho biết Sở đã cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” phiên bản 1.4, theo đó có bổ sung hoạt động của trạm y tế lưu động, điều kiện cách ly tại nhà và điều chỉnh về hướng dẫn sử dụng thuốc tại nhà cho người F0
Cụ thể, Trạm y tế lưu động phụ trách khám bệnh và theo dõi sức khỏe cho các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn được phân công phụ trách, quản lý danh sách động tổ chức thăm khám và theo dõi sức khỏe tại nhà cho người F0, kịp thời phát hiện các trường hợp F0 có triệu chứng, các trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn (người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần,…) để kịp thời đưa đến các cơ sở cách ly điều trị.
Bên cạnh đó, hướng dẫn người F0 khai báo tình hình sức khỏe mỗi ngày qua ứng dụng khai báo y tế điện tử, lập phiếu theo dõi sức khỏe, kịp thời phát hiện các trường hợp có triệu chứng nặng để phối hợp với Tổ phản ứng nhanh của phường, xã, quận, huyện vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện quận, huyện để điều trị. Hướng dẫn người F0 gọi tổng đài “1022” và bấm số “3” để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM hoặc bấm số “4” để được tư vấn từ “Thầy thuốc đồng hành”.
Cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe người F0 hàng ngày vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”.
Cùng đó, hướng dẫn F0 sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà; Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (test nhanh hoặc RT-PCR) cho người F0 vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly và làm xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người nhiễm khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19.
Ngoài ra, Trạm y tế lưu động phụ trách hướng dẫn người F0 khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% thì gọi ngay tổng đài “115” hoặc gọi số điện thoại của Trạm Y tế lưu động, Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời
Thông tin tại cuộc họp, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, để tiếp tục hỗ trợ thêm cho người lao động trong tình hình dịch kéo dài, UBND TPHCM có văn bản 2876/UBND-VX về việc giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức nhanh chóng thực hiện chi hỗ trợ cho các hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hoàn tất trước ngày 30/8, đồng thời rà soát, khẩn trương thẩm định, phê duyệt danh sách đối với các trườn hợp phát sinh.
Lũy kế từ ngày 11/7/2021 đến 26/8, TP tiếp nhận 452 đối tượng cơ nhỡ, lang thang sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội và 140 đối tượng cai nghiện ma túy vào Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2.
Về chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố theo công văn số 2209/UBND-KT ngày 01/7/2021 của UBND Thành phố và Nghị quyết số 68/NQ-CP cùng Quyết định số 23/QĐ-TTg, TP đã hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 66.981/68.434 lao động (đạt tỷ lệ 97,88%) với kinh phí hỗ trợ 140.114.800.000 đồng
Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là 193/193 lao động (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 396.400.000 đồng.
Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm với tổng cộng 2 đợt là 1.206.736.500.000 đồng.
Hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động là 5.861/5.861 hộ (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 11.722.000.000 đồng.
Tấn Tài