TPHCM số ca F0 đang giảm dần, tiến tới việc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

Thứ năm, 02/09/2021 - 09:15

TNV - Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ 00 ngày 31/8/2021, có 221.761 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 221.313 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 448 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 40.979 bệnh nhân, trong đó có 2.522 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.720 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 31/8, có 2.699 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 112.968), 303 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 9.507).

Về kết quả xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 30/8/2021 đến 18 giờ 31/8/2021, TP đã lấy 451.113 mẫu, trong đó có 8.338 mẫu đơn và 8.653 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 370.705 mẫu.

Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 31/8/2021 là 6.219.536 mũi, tăng 91.192 mũi vắc xin so với ngày 30/8/2021, trong đó tổng số mũi 1 là 5.876.039, mũi 2 là 343.497, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 683.077.

Trả lời phóng viên về chiến lược giảm F0 trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, thời gian vừa qua số ca F0 mới phát hiện tăng cao do việc xét nghiệm nhanh test nhanh toàn bộ vùng đỏ, cam. Qua đánh giá của việc xét nghiệm đợt 1 cho thấy, với gần 2 triệu mẫu test nhanh, số ca F0 mới chiếm 3,6%.

TP đang thực hiện lượt xét nghiệm đợt 2, hiện vẫn chưa có con số thống kê đầy đủ, tuy nhiên kết quả trong sáng nay cho thấy tỷ lệ ca nhiễm mới đã giảm còn dưới 2%. Điều đó cho thấy số ca F0 đang giảm dần, việc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng hoàn toàn có cơ sở.

Về việc thời gian qua bệnh nhân nặng còn nhiều, tuy nhiên TP có niềm tin trong thời gian tới sẽ giảm được bệnh nhân chuyển biến nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Lý giải về điều này, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, với phương pháp điều trị như hiện nay, sau khi test nhanh mà dương tính, với các trường hợp đủ điều kiện có thể cách ly tại nhà, Y tế sẽ cung cấp túi thuốc an sinh để F0 được chăm sóc.

Theo thống kê, tính đến chiều nay (1/9), đã có tổng số 70.049 F0 được cách ly tại nhà, Sở Y tế đã  phát về cho 22 quận, huyện, TP Thủ Đức 110.884 túi thuốc an sinh để điều trị cho F0.

Bên cạnh đó, TP đã được Bộ Y tế phân bổ tổng số 50.000 liều thuốc kháng vi rút (đợt 1 là 16.000 liều, đợt 2 là 34.000 liều). Riêng đối với việc điều trị bệnh nhân chuyển nặng ở tầng 2 thì TP đã nhận thêm 98.220 lọ thuốc kháng vi vút Remdesivir.

Qua đánh giá ban đầu khi tiêm thuốc kháng vi rút Remdesivir với những bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng cho thấy, hiệu quả điều trị khá thuận lợi. Từ đó có thể đánh giá trong thời gian tới, mức độ các ca bệnh chuyển nặng có thể sẽ giảm dần.

3. Tiến độ cập nhật thông tin tiêm vắc xin trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng:

Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Võ Thị Trung Trinh cho biết, tính đến ngày 31/8, với tổng số 6.219.536 lượt tiêm trên địa bàn Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng là 5.300.521 lượt tiêm, đạt tỷ lệ 85,22%.

Hiện nay, Sở Thông tin và truyền thông và Sở Y tế đã có văn bản đôn đốc các đơn vị đưa các dữ liệu về tiêm chủng về Sở Thông tin và truyền thông cũng như Sở Y tế để cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng. Dữ liệu này hiện đang được lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các đơn vị tổ chức tiêm.

“15% dữ liệu còn lại sẽ sớm được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, hạn chót thực hiện cập nhật là ngày 5/9”, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông Võ Thị Trung Trinh khẳng định.

Từ cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, Sở Thông tin và truyền thông Thành phố đang làm việc với Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Y tế để đưa cơ sở dữ liệu này về kho dữ liệu dùng chung của Thành phố. Như vậy, Thành phố sẽ chủ động trong việc sử dụng cơ sở dữ liệu tiêm chủng để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch của Thành phố cũng như việc mở rộng sản xuất kinh doanh trong thời gian sắp tới.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thị Trung Trinh cho biết thêm, TP đang có hai hướng mở rộng việc sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu này. Thứ nhất, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng các Hiệp hội Doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố sử dụng các cở sở dữ liệu này để lên phương án liên quan đến sản xuất an toàn, sản xuất xanh, nhằm đảm bảo các Doanh nghiệp khi thực hiện các phương án sản xuất “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến” đều có được những thông tin đầy đủ, đặc biệt là những người lao động tại doanh nghiệp đó đã thực hiện tiêm chủng.

Thứ hai, Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp dữ liệu tiêm chủng về kho dữ liệu dùng chung của Thành phố cùng với cơ sở dữ liệu khai báo y tế điện tử của Thành phố. Như vậy, một cá nhân sau khi thực hiện khai báo y tế điện tử của Thành phố tại bất kỳ điểm nào sẽ được bộ phận kiểm tra thông tin xác nhận được số mũi tiêm mà cá nhân đó đã thực hiện.

Tấn Tài