TP.HCM sở hữu nhiều lợi thế để đảm nhận vai trò trung tâm tài chính quốc tế

Thứ sáu, 28/03/2025 - 14:53

TP.HCM có nền kinh tế năng động, đóng góp 15,5% GDP, hơn 25,3% thu ngân sách và gần 11,3% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Đây cũng là trung tâm thương mại, tài chính lớn nhất Việt Nam, tập trung nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Chiều 28/3, tại TP.HCM Bộ Tài chính phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị “Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam”.

Động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, Trung ương chọn TP.HCM để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là niềm vinh dự lớn, đồng thời là trọng trách nặng nề mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố. Thành phố sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện thành công.

Trung tâm tài chính không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn lớn, mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập của quốc gia. Đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, phát triển hạ tầng, và khẳng định vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính - thương mại toàn cầu.

TP.HCM sở hữu nhiều lợi thế để đảm nhận vai trò trung tâm tài chính quốc tế- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Được phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Cổng TTĐT TP.HCM

Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng TP.HCM là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược này.

Cụ thể, thành phố sở hữu nền tảng kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng. Thành phố đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước, chiếm hơn 25,3% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 11,3% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đây là trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính lớn nhất Việt Nam, nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Thành phố có những thiết chế cơ bản cho thị trường tài chính hiện đại (bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán, hạ tầng ngân hàng số và các ứng dụng tài chính công nghệ) đã được vận hành một cách bài bản.

Bên cạnh đó, Thành phố có vị trí địa lý chiến lược đặc biệt quan trọng, đồng thời thị trường tài chính của Thành phố đã có những kết nối chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc), Tokyo... thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành (trong tương lai), cùng các cảng biển lớn xung quanh là điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái tài chính toàn cầu.

Trung tâm tài chính là một trong những mũi nhọn chiến lược

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, năm 2025 được coi là năm bản lề của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, năm cuối của Kế hoạch 2021 – 2025, đồng thời là bước đệm chiến lược cho giai đoạn tăng tốc 2026 – 2030, hướng tới mục tiêu trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Để đạt mục tiêu đó, Việt Nam xác định Trung tâm tài chính là một trong những mũi nhọn chiến lược, là đột phá thể chế mang tầm quốc gia, giúp Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, huy động, phân bổ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, qua đó tăng sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, xây dựng Xây dựng Trung tâm tài chính không phải của riêng TP.HCM hay Đà Nẵng, đó là “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, triển khai quyết liệt, đồng bộ và đổi mới mạnh mẽ để bứt phá” như chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 47-TB/TW về xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Việc xây dựng Trung tâm tài chính không phải là nội dung mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ. Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để lỡ mất thời cơ.

Do đó, ông kỳ vọng hội nghị lần này là cơ hội quý giá để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước, học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhằm xây dựng và phát triển trung tâm tài chính Việt Nam một cách hiệu quả.

Phương Vy