Trạm Tấu: Xã nông thôn mới duy nhất của huyện là điểm sáng về trồng cây màu vụ đông xuân

Thứ tư, 17/01/2024 - 08:48

TNV - Không chỉ là xã đầu tiên và duy nhất của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cho đến thời điểm hiện nay được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã Hát Lừu còn là điểm sáng của huyện về trồng cây vụ 3 từ mấy năm trở lại đây. Nhờ trồng rau màu vụ đông, bà con xã Hát Lừu vừa cải thiện sinh hoạt cho gia đình, có thu nhập tăng thêm hàng trăm triệu đồng mỗi năm vừa góp phần duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.

Bà Ủ cùng con gái thu tỉa khoai tây vụ đông

Hồi sinh vùng lũ trở thành vùng trồng rau màu vụ đông tươi tốt

Được dự bữa cơm tổng kết cuối năm của Huyện ủy Trạm Tấu, thấy chúng tôi tấm tắc khen món khoai tây, Chủ tịch UBND huyện khoe đây là sản phẩm do bà con nông dân của huyện làm ra đấy! Theo chủ tịch Vũ Lê Chung Anh, khoai tây hôm nay là sản phẩm vụ đông của bà con bản Thái xã Hát Lừu - một trong những điểm sáng về trồng cây vụ đông của huyện. Anh Nguyễn Thành Hưng (Phó Chủ tịch UBND huyện) tiếp lời, toàn bộ hàng trăm ha hoa màu nằm 2 bên con suối bị cơn lũ dữ năm 2017 phá tan hoang trước kia mà nhà báo đã về thăm nay hồi sinh trở thành những thửa ruộng màu mỡ cấy lúa 2 vụ và vùng trồng rau màu vụ đông tươi tốt.

Sáng hôm sau, được sự bố trí của phòng Nông nghiệp huyện, chúng tôi về với xã Hát Lừu. Quả nhiên, đúng như lời của lãnh đaọ UBND huyện, trải dọc theo con suối Thia bắt đầu từ cầu treo bản Hát 1 đến trụ sở xã dài chừng một cây số hàng trăm ha đất canh tác nằm dọc con suối toàn một màu xanh tươi tốt của các ruộng rau màu vụ đông, gồm bắp cải, su hào, khoai tây… và những ruộng ngô sinh khối xanh ngát được bà con trồng làm thức ăn cho trâu bò trong mùa đông khan hiếm cỏ tươi.

Cán bộ xã thăm ruộng ngô sinh khối của gia đình bà Ủ ở thôn Hát 1.

Đón chúng tôi, Phó chủ tịch UBND xã Lò Văn Tụ và cán bộ phụ trách nông nghiệp Lò Văn Luân liền đưa ngay vào một hộ dân nằm kế bên trụ sở của xã. Nghe tiếng gọi, chủ nhà cùng con gái đang dỡ khoai tây ở thửa ruộng phía sau vội lên tiếng. Không để mất thời gian của gia chủ, chúng tôi đi luôn ra ruộng khoai. Ngừng tay đang dỡ tỉa những củ khoai to để bán, bà Lò Thị Ủ cho biết đã dỡ bán 2 tạ thu về khoảng 3 triệu đồng, đưa mắt nhìn quanh ruộng, bà ước cả vụ thu được hơn 8 triệu đồng, chưa kể ăn uống và cho biếu.

“Năm ngoái, với diện tích trồng bằng già một nửa năm nay nhưng nhờ sai củ nên thu được gần 5 triệu sau khi trừ tiền giống”, bà Ủ kể. Năm nay theo tính toán của bà, sau khi trừ đi chi phí giống (phânthì của nhà) vụ khoai cho thubằng gần 1,5 lần một vụ lúa. Đấy là chưa kể giá trị của 200 m 2 trồng ngô lấy thức ăn cho mấy con bò mang lại.

Nhận thấy sản xuất rau màu vụ 3cao hơn hẳn so với trồng lúa, thời gian thu hoạch ngắn, vẫn kịp thời vụ sản xuất 2 vụ lúa, nên bà Ủ dự tính vụ đông sang năm sẽ mở rộng diện tích sang trồng rau và khoai tây nhiều hơn, để tăng thu nhập cho gia đình.

Bà Ủ cho biết trồng ngô vụ đông để phát triển chăn nuôi.

Anh Luân cho hay, gia đình bà Ủ là một trong 55 hộ gia đình đầu tiên của xã được chọn để trồng khoai tây vụ đông từ 4 năm trước. Năm đầu tiên cả xã có 5ha khoai tây vụ đông do được phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ toàn bộ giống, 2 năm nay diện tích giảm chỉ còn bằng 20 - 30% so với năm đầu, nguyên nhân là do giống đắt và bà con còn nặng tâm lý trông đợi vào hỗ trợ của Nhà nước.

Cải thiện đời sống nhờ sản xuất vụ đông

Được biết vụ 3 năm 2023 - 2024, xã Hát Lừu gieo trồng 16 ha rau các loại, gồm:khoai tây 01ha, rau các loại 10ha, ngô 5ha . Trong đó, thôn gieo trồng cây vụ đông nhiều nhất là thôn Hát 1: 10,05 ha, tiếp đến là thôn Hát 2: 4 ha, 2 thôn còn lại mỗi thôn 1ha. Với diện tích vụ đông này, ngoài việc cải thiện đời sống sinh hoạt cho gia đình, bà con còn có thêm nguồn thu hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Theo phó chủ xã Lò Văn Tụ, để duy trì được sản xuất vụ đông, hàng năm Ủy ban nhân dân xã  luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, tận dụng diện tích ruộng trong thời gian chưa trồng lúa để sản xuất vụ 3 trong năm vừa có thêm thu nhập cho kinh tế hộ gia đình vừa đảm bảo khung lịch thời vụ đối với việc sản xuất các loại cây trồng chính trong năm.

Đồng thời, cử cán bộ phụ trách nông nghiệp phối hợp với cán bộ khuyến nông viên cơ sở xuống trực tiếp hướng dẫn quy trình, kỹ thuật tại ruộng, như kỹ thuật rút nước cho chân ruộng khô trước khi gặt 1 tháng, làm đất, chăm sóc sử dụng các loại phân bón hữu cơ trong thâm canh an toàn thực phẩm đối với cây rau su hào, bắp cải, khoai tây...triển khai phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng cũng như trình độ thâm canh của người dân.

Toàn bộ diện tích canh tác được bà Toan chuyển sang trồng rau màu vụ đông và quanh năm.

Dẫn chúng tôi sang thửa ruộng trồng ngô, người phụ nữ ngoài 50 tuổi dân tộc Thái thủng thẳng nói, hơn chục năm nay năm nào nhà trồngngô để nuôi mấy con bò, vì mùa đông thiếu cỏ tươi. Đi tiếp về phía chuồng bò, thấy chú bê non đang chạy ở sân nhà, bà Ụ cho biết chú bê này mới sinh được hơn 20 ngày. Vừa cho 2 con bò nái trong chuồng ăn những cây ngô tươi mới cắt, bà Ụ vừa kể với giọng cảm kích: Nhờ có Nhà nước cấp cho nuôi bò rẽ từ hơn chục năm trước, nên gia đình mới có đàn bò như hiện nay, chưa kể 4 con đã bán để sửa nhà và tổ chức đám cưới cho con. Anh Luân giải thích thêm, đây là mô hình cấp bò cho các hộ nghèo nuôi để lấy bê con của phòng Lao động & Thương binh xã hội huyện; nhờ vậy, đến nay 13 hộ của xã được hưởng lợi từ mô hình này, đã có bò để nuôi phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Cũng theo anh Luân, bên cạnh hộ bà Lò Thị Ủ, còn có hộ bà Lò Thị Toan và hộ bà Lò Thị Mặc đều ở thôn Hát 1 là những hộ tiêu biểu trong sản xuất cây vụ đông với diện tích từ 1.200 m 2 - 2.500 m 2 . Đặc biệt, hộ bà Lò Thị Toan đã chuyển đổi hoàn toàn 2.500 m 2 trồng lúa sang trồng rau quanh năm, do nhận thấy hiệu quả kinh tế từ sản xuất cây rau cả nămcao hơn trồng lúa. Dự kiến, tổng thu nhập từ sản xuất rau của hộ bà Toan trong năm 2023 là trên 70 triệu đồng, trừ mọi chi phí đầu tư, lợi nhuận thu về trên 30 triệu đồng, cao gấp khoảng 4 lần so với cấy lúa 2 vụ.

Nhờ trồng rau màu vụ đông kết hợp với phát triển chăn nuôi mà cả 3 hộ gia đình trên đều khá giả, riêng hộ bà Ủ đã vươn lên thoát khỏi hộ nghèo năm 2018 và năm 2020 thoát khỏi hộ cận nghèo; ngoài ra còn nhiều hộ khác trong xã đã cải thiện đời sống nhờ sản xuất vụ đông - anh Luân khẳng định.

Hàng ngày bà Toan chở rau ra thị trấn huyện bán, nhờ vậy đời sống gia đình cải thiện rõ rệt.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Hưng phấn khởi nói: Xã Hát Lừu không chỉ là xã đầu tiên và duy nhất của huyện Trạm Tấu cho đến thời điểm hiện nay được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, mà còn là điểm sáng của huyện về trồng cây vụ đông từ mấy năm trở lại đây. Nhờ trồng rau màu vụ đông, bà con xã Hát Lừu vừa cải thiện sinh hoạt cho gia đình, có thu nhập tăng thêm hàng trăm triệu đồng mỗi năm, vừa góp phần duy trì và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Phạm Quỳnh