100% các xã, thị trấn trong huyện bị ảnh hưởng, thiệt hại
Theo đó, do ảnh hưởng của bão số 3, từ đêm ngày 06/9 đến sáng ngày 9/9/2024 trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã có mưa to, rất to lượng mưa phổ biến từ 30mm đến 90mm, gây ảnh hưởng và thiệt hại đến nhiều công trình công cộng, nhà dân và diện tích sản xuất nông nghiệp tại toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT - TKCN huyện Trạm Tấu, cho biết: Về nhà cửa: có 167 nhà bị sạt taluy; 09 nhà bị ngập lụt (do nước lũ lớn); 05 hộ bị tốc mái thiệt hại dưới 30%; 3 nhà sập đổ hoàn toàn. Trong đó xã Bản Mù thiệt hại nhiều nhất với 57 nhà bị sạt taluy, 9 nhà của 7 hộ dân tại khu vực Mảnh Tào bị nước lũ nhấn chìm, 3 nhà bị đổ sập,...
Về nông nghiệp: Diện tích lúa bị thiệt hại là 3,145 ha, tập trung chủ yếu ở xã Hát Lừu 2,0 ha, xã Túc Đán 1,45 ha, thị trấn Trạm Tấu: 0,1ha. Thiệt hại về gia súc, gia cầm: 2 con trâu, 5 con lợn, 140 con gia cầm; trong đó: xã Tà Xi Láng 70 con gia cầm, 2 con trâu; xã Xà Hồ 30 con gia cầm, xã Bản Mù 1 trâu, 5 con lợn, 40 con gia cầm. Về thủy sản: Vỡ bờ 6 ao cá, ước tính 375kg (xã Xà Hồ 1 ao cá 40kg, xã Hát Lừu 5 ao cá 335kg).
Về cơ sở hạ tầng: Tại Trung Tâm Y tế có 01 điểm sạt lở ước tính 2.000m3, làm toàn bộ lò đốt rác, phòng giặt, hấp sấy dụng cụ y tế bị lấp kín; vùi lấp không hoàn toàn 2 phòng đầu khu nhà Đại thể (Nhà xác); làm dãy nhà 3 tầng số 6 gẫy các cột trụ ở góc tầng 1 phía bên phải, khu vực nhà vệ sinh tại tầng 1. Đồng thời làm sạt lở kè taluy dương sau trung tâm y tế chiều dài khoảng 20m.
Tại các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn huyện: Đường tỉnh lộ 174 từ Văn Chấn đi Trạm Tấu có 4 điểm sạt lở lớn tại Km 29÷ 700, Km27, Km26, Km18, khối lượng đất đá sạt lở lớn. Hiện nay tạm thời xử lý được các điểm sạt phương tiện lưu thông được. Đường Trạm Tấu đi Bắc Yên có 7 điểm sạt lở, trong đó: Đoạn Trung tâm huyện đến thôn Tà Chử có 2 điểm khối lượng khoảng 500 m3; từ thôn Tà Chử đến Km17 có 5 điểm khối lượng khoảng 1.500 m3; riêng tại điểm sạt Km12 không đi lại được. Ðường QL32 nối tỉnh lộ 174: Nhiều điểm sạt lở đặc biệt tại vị trí từ trung tâm xã tới Giàng La Pán và vị trí qua Trung tâm xã Làng Nhì.
Đáng chú ý tại khu vực chòm Mảnh Tào, xã Bản Mù vẫn bị ngập lụt (do nước lũ lớn) ảnh hưởng 9 nhà của 7 hộ dân bị ảnh hưởng; đường từ xã Làng Nhì đi xã Phình Hồ và Bản Mù bị sạt lở đất đá gây cản trở giao thông của xã Làng Nhì kết nối với trung tâm huyện và các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ. Xã Hát Lừu đường giao thông sạt lở 3 điểm taluy dương với khối lượng khoảng 110m3.
Đặc biệt, tại xã Pá Hu cầu Gái Bản bị lũ cuốn trôi; đường từ Km21 đi thôn Cang Dông bị sạt lở ước tính 30m3; sạt lở 10 điểm đường tại Km16 lên UBND xã, ước tính khoảng 450m3.. Xã Túc Đán: Cầu treo Nậm Đông bị sói mòn 1 bên mố cầu, không thể lưu thông được; sạt lở 4 điểm ước tính khoảng 1330m3 đất đá tại đường đi thôn Pá Khoang và thôn Tà Chử. Xã Pá Lau: Sạt lở đường từ thôn Pá Lau đi thôn Háng Tây 4 điểm ước tính khoảng 2.000m3 đất đá; sạt lở đường liên xã thôn Giao Lâu ước tính khối lượng 1.000m3...
Huyện Trạm Tấu là một trong số các địa phương bị thiệt hại lớn của tỉnh
Ngoài ra, còn có 7 cơ sở trường học gồm: Trường MN Hoa Huệ, trường TH&THCS (Thị Trấn Trạm Tấu); điểm Háng Đay (Trường mầm non Bình Minh), điểm Chống Tàu (Trường PTDTBT TH&THCS Làng Nhì) xã Làng Nhì; điểm Giàng La Pán, điểm Khấu Ly (Trường mầm non Họa Mi) và trường PTDTBT TH Bản Mù thuộc xã Bản Mù đều bị sạt lở, hoặc sụt lún, có vết nứt.
Tiếp đến là 5 cột điện bị đổ, gẫy, trôi; các tuyến cáp viễn thông Vinaphone tại xã Bản Mù bị đứt do bị sạt lở; 35m ống tại công trình thủy lợi Nà Cỏng Hươn xã Hát Lừu bị lũ cuốn trôi; 15m kênh kiên cố của công trình thủy lợi Lò Có Dưới – Thôn Khấu Chu xã Bản Công, bị sạt lở làm gẫy. Ước tính tổng thiệt hại khoảng trên 20 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó trưởng ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Trạm Tấu - trước tình hình mưa lũ bất thường, từ 6 giờ sáng ngày 08/9/2024 các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã xuống trực tiếp chỉ đạo các xã có bị thiệt hại khẩn trương khắc phục hậu quả; kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở đất và lũ ống, lũ quét trên địa bàn các xã, thị trấn và chỉ đạo sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Trạm Tấu tổ chức huy động lực lượng công an huyện 30 đồng chí, quân đội và dân quân tự vệ 98 đồng chí, xuống các xã, thị trấn hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả. Mặt khác, yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn khẩn trương kiểm tra, xác minh, lập biên bản các thiệt hại ban đầu và chỉ đạo các lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai cho các hộ gia đình bị thiệt hại.
Đồng thời, duy trì công tác trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh. Sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra.
Do vậy, đến thời điểm này, tình hình khắc phục ảnh hưởng thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã cơ bản ổn định, còn các huyện Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên và TP Yên Bái vẫn ở mức độ cao – ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho hay.
Được biết, Yên Bái là một trong số các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất do mưa lũ sau khi cơn bão số 3 đi qua, trong đó huyện Trạm Tấu là một trong số các địa phương bị thiệt hại lớn của tỉnh.
Hình ảnh các lực lượng Công an, Quân đội, cán bộ công chức địa phương và Nhân dân cùng chung sức khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra:
Phạm Quỳnh
Ảnh do người ân địa phương cung cấp