Thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh sửa đổi chiều 28/10, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - cho rằng thời gian qua, điện ảnh nước nhà phát triển từng bước, theo kịp thị hiếu công chúng và xu hướng phát triển chung của thế giới. Song, tồn tại thực trạng nhiều khán giả trong nước hiện thích xem phim nước ngoài hơn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy ban Pháp luật - chung nhận định: "Có lãnh đạo Trung ương từng nói với tôi, sao dân ta xem phim nước ngoài nhiều quá, còn phim trong nước thì hạn chế. Phải chăng vì phim Việt Nam chất lượng không cao nên người dân không mặn mà?".
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Theo bà Trinh và nhiều đại biểu, xu hướng này đặt ra câu hỏi lớn cho nền điện ảnh. Bà cho rằng chính sách phát triển điện ảnh của một quốc gia có vai trò rất quan trọng. "Chúng ta cần nghiêm túc đánh giá thực trạng nền điện ảnh Việt Nam và thị hiếu của khán giả hiện nay", bà nói.
Theo đại biểu, hợp tác sản xuất phim là xu hướng tất yếu đem lại hiệu ứng tích cực, phản ánh sự giao lưu văn hóa của các quốc gia. Tuy nhiên, không nên để điện ảnh phát triển tự phát, mà cần có sự hỗ trợ, quản lý của nhà nước.
Nhà nước cần nắm rõ vấn đề này để có phản ứng chính sách phù hợp khi sửa đổi Luật Điện ảnh. "Đặc biệt cần quan tâm khâu thiết kế các quy định sao cho đảm bảo chặt chẽ, vừa tạo hành lang pháp lý thông thoáng khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia, hợp tác phát triển điện ảnh. Đây là vấn đề không đơn giản bởi điện ảnh không chỉ là một ngành kinh tế mà còn là ngành công nghiệp văn hóa", đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh phát biểu.
Ông Hòa đề nghị đánh giá lại việc xuất nhập khẩu phim. "Thời gian qua, Việt Nam xuất khẩu phim không được bao nhiêu nhưng lại nhập khẩu rất nhiều, trong đó có nhiều phim phản cảm, gây hiệu ứng xấu, dù đã qua kiểm duyệt", ông nói. Đại biểu cho rằng Việt Nam cần có chính sách đầu tư thích đáng cho điện ảnh, nâng cao chất lượng phim nội, nâng cao thu nhập của các nhà làm phim trong nước. Nhà nước cũng cần có chính sách hợp lý để khuyến khích tư nhân đầu tư vào điện ảnh như hợp tác công tư, liên doanh liên kết...
Chung trăn trở, đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc, nhấn mạnh hoạt động điện ảnh nhằm tạo ra giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, chính sách của nhà nước để phát triển điện ảnh phải ưu tiên nguồn lực đầu tư vào những lĩnh vực cần vai trò dẫn dắt. Đơn cử, đó là các phim làm nhiệm vụ chính trị, định hướng giá trị, định hướng công nghệ... "Tuy nhiên, các chính sách phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp điện ảnh phát triển phù hợp với quy luật thị trường", bà Lan nói.
Bà cũng đề nghị cần đánh giá kỹ tác động đến ngân sách của các đề xuất như nhà nước sẽ đầu tư trường quay hiện đại, ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh. Việt Nam cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh chất lượng cao, để phát huy giá trị đất nước qua điện ảnh.
Trong phiên thảo luận hôm nay, các đại biểu tập trung vào các vấn đề nổi cộm của điện ảnh nước nhà như các chính sách phát triển điện ảnh hợp lý, cân bằng việc xuất nhập khẩu phim, vấn để cấm phim và cơ chế kiểm duyệt tác phẩm điện ảnh... Sau các thảo luận hôm nay, dự thảo Luật Điện ảnh tiếp tục được cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp sau.
Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm tám chương, 50 điều dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ ba vào tháng 5/2022, với kỳ vọng giúp ngành điện ảnh có bước phát triển, hội nhập mới.
Theo vnexpress