Trấn Yên: Điểm sáng trong phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Yên Bái

Thứ năm, 15/10/2020 - 16:57

TNV - Tính đến đầu tháng 10/2020, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) có 04 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP lớn thứ 2 toàn tỉnh sau thành phố Yên Bái. Đó là các sản phẩm: Chè Bát Tiên (xã Bảo Hưng - 3 sao); Quế điếu thuốc (xã Đào Thịnh – 4 sao); Miến đao (xã Quy Mông – 3 sao) và Nước nguồn tinh khiết từ thiên nhiên Ban Na (xã Việt Hồng – 3 sao).

Chủ động rà soát các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm tiềm năng

Bà Triệu Thị Bích Liệu (Trưởng phòng Nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện) cho biết, đến trung tuần tháng 10/2020 huyện sẽ hoàn thành hồ sơ, chấm điểm và gửi lên tỉnh thẩm định công nhận tiếp 04 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP là: Măng Bát Độ (xã Hồng Ca); Chè Bát Tiên (xã Hưng Khánh); Chuối sấy dẻo (xã Việt Thành) và Rau cải mèo (xã Y Can).

Vùng nguyên liệu chè búp tươi Bát Tiên đạt tiêu chuẩn VietGAP của HTX sản xuất chè xanh
chất lượng cao Bảo Hưng. Ảnh: P. Quỳnh

Được biết, ngay từ đầu năm 2019, khi huyện chưa được giao kế hoạch đánh giá sản phẩm OCOP, nhưng huyện Trấn Yên đã xác định Chương trình mỗi xã một sản phẩm là một nội dung quan trọng trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, huyện đã chủ động rà soát các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn để định hướng, phát triển, nâng cao chất lượng, hoàn thiện các sản phẩm với mục tiêu gắn mỗi sản phẩm với từng vùng, từng xã theo nội dung Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Cho nên, khi bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn, huyện Trấn Yên đã đưa ngay 02 sản phẩm: Quế điếu thuốc xã Đào Thịnh và sản phẩm Trà Bát Tiên xã Bảo Hưng do 02 hợp tác xã trên địa bàn đang sản xuất đăng ký dự thi sản phẩm OCOP năm 2019. Đồng thời, giao cho phòng Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn 02 hợp tác xã hoàn thiện sản phẩm, bao bì, nhãn mác, thiết lập hồ sơ dự thi, đánh giá sản phẩm OCOP năm 2019.

Kết quả, cả 02 sản phẩm đều được công nhận trong đợt đầu là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, sản phẩm Quế điếu thuốc của Hợp tác xã quế hồi Việt Nam, là sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đã được chứng nhận vùng quế hữu cơ đạt tiêu chuẩn Quốc tế; còn sản phẩm Trà Bát Tiên Bảo Hưng của Hợp tác xã sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng là sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu chè búp tươi Bát Tiên đạt tiêu chuẩn VietGAP và đã được đầu tư cơ bản về vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến do dự án QSEAP hỗ trợ.

Sản phẩm OCOP đạt 4 sao - Quế điếu thuốc của Hợp tác xã quế hồi Việt Nam. Ảnh: H. Vui

Riêng sản phẩm Trà Bát Tiên Bảo Hưng đã được phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn thiết kế, hoàn thiện từ sản phẩm chè thô chưa có bao bì nay trở thành sản phẩm được đóng gói, hút chân không, thiết kế hộp đựng, nhãn mác để tham dự sản phẩm OCOP; cũng như hướng dẫn Hợp tác xã xây dựng ý tưởng, đăng ký sản phẩm, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh chi tiết cho sản phẩm trà Bát Tiên Bảo Hưng để tham gia đánh giá sản phẩm.

Ngay từ đầu năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện Trấn Yên đã xây dựng Kế hoạch thực hiện trong năm 2020; Hoàn thiện hồ sơ và đánh giá, phân xếp hạng 07 sản phẩm theo nhu cầu tại các xã. Gồm: Miến đao Trấn Yên (xã Quy Mông), Rượu tứ khoái (Việt Cường), Nước tinh khiết (Việt Hồng), Chè Bát Tiên (Hưng Khánh) Tinh dầu quế (Đào Thịnh), Măng Bát Độ (Hồng Ca), Cam Trấn Yên (Hưng Thịnh).

Mặt khác, phối hợp với UBND xã Đào Thịnh, Quy Mông, Việt Cường, Việt Hồng, Hưng Khánh, Hồng Ca, Hưng Thịnh hướng dẫn 07 chủ thể lựa chọn và xây dựng  ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm; Hướng dẫn các chủ thể lập phiếu đăng ký sản phẩm OCOP; xây dựng và hoàn thiện phương án sản xuất kinh doanh; Triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, lập hồ sơ để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Khắc phục khó khăn, đảm bảo hoàn thành kế hoạch

Cũng theo bà Liệu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc triển khai hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ và sản phẩm gặp nhiều khó khăn, trong 9 tháng năm 2020 huyện Trấn Yên mới có thêm 02 sản phẩm được công nhận. Đó là: Sản phẩm Miến đao của Hợp tác xã Việt Hải Đăng có trụ sở tại xã Quy Mông - đạt 3 sao; Sản phẩm Nước nguồn tinh khiết từ thiên nhiên Ban Na của Công ty TNHH sản xuất nước tinh khiết Hồng Yến có trụ sở tại xã Việt Hồng - đạt 3 sao.

Miến đao Quy Mông – sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Việt Hải Đăng. N. Chiển

“ Hồi tháng 5/2020, khi sản phẩm Rượu tứ khoái rút không tham gia sản phẩm OCOP, do chủ thể nhận thấy việc kinh doanh không có cơ hội phát triển bởi tác động của Nghị định 100 quy định người điều khiển ô tô, xe máy tham gia giao thông không được uống rượu bia, huyện kịp thời vận động chủ thể sản phẩm Chuối sấy dẻo (xã Việt Thành) đăng ký tham gia, đảm bảo đủ số lượng như kế hoạch. Các sản phẩm còn lại hiện đều xây dựng xong phương án sản xuất kinh doanh, đang hoàn thiện mẫu mã và lập phiếu đăng ký sản phẩm, thu thập các tài liệu minh chứng để đăng ký đánh giá, phân xếp hạng sản phẩm theo quy định. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của huyện đang phối hợp với UBND xã Việt Cường hướng dẫn Công ty TNHH sản xuất nước tinh khiết Thanh Huyền hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, chứng nhận sản phẩm OCOP Nước tinh khiết AQUA Việt Cường trong năm 2020”, bà Liệu nói tiếp.

Ngoài ra, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới huyện còn phối hợp với Hội Nông Dân, Đoàn thanh niên và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái hướng dẫn, triển khai xây dựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Như: Sản phẩm Rau cải Mèo của HTX rau an toàn Minh Tiến; Sản phẩm Măng xé sợi Hồng Ca của HTX dịch vụ tổng hợp Hồng Ca; Sản phẩm Chuối sấy dẻo của cơ sở sản xuất Quỳnh Mến - xã Việt Thành.

Chia sẻ về những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình (OCOP), bà Liệu cho biết: Một số chủ thể đã đăng ký tham gia, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện lại xin rút, gây khó khăn cho việc hoàn thành kế hoạch. Sản phẩm có khả năng để tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm tuy nhiều, nhưng việc chuẩn hóa sản phẩm còn chưa được quan tâm, chú trọng nên khi triển khai thực hiện hoàn thiện sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, các sản phẩm tham gia chương trình (OCOP) cơ bản hiện nay là các sản phẩm về nông nghiệp, một số sản phẩm do các chủ thể mới xây dựng, nên việc hoàn thiện kế hoạch bảo vệ môi trường, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm phải có thời gian để triển khai thực hiện, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai thực hiện.

Bà con xã Hồng Ca thu hái măng Bát Độ. Ảnh: Thanh Chương.

Tuy vậy, huyện Trấn Yên cũng đã có biện pháp để khắc phục khó khăn, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đưa 07 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP trong năm 2020; đồng thời luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tiềm năng chủ động hoàn thiện các tiêu chuẩn, sẵn sàng đăng ký tham gia sản phẩm OCOP năm 2021 và các năm tiếp theo – bà Liệu nhấn mạnh./.

Bài: Phạm Quỳnh