“Ăn một miếng trầu gặp đây ăn một miếng trầu
Không ăn cầm lấy không ăn cầm lấy
Cho nhau bằng lòng trầu này trầu tính trầu tình.
Trầu này trầu tính trầu tình
Ăn vào cho đỏ ăn vào cho đỏ
Môi mình môi ta miếng trầu là miếng trầu vàng.”
Chắc hẳn đâu đó trong ký ức, các bạn đã từng được nghe những giai điệu bắt tai của các liền anh, liền chị xứ Kinh Bắc giao lưu với nhau, mời nhau miếng trầu hay chén nước để thể hiện lòng hiếu khách của mình.
Cửa chính Nhà hát Quan họ Bắc Ninh.
Nhắc tới xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh, sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc tới di sản văn hóa phi vật thể “Dân ca quan họ Bắc Ninh”. Dân ca quan họ Bắc Ninh có lịch sử hình thành từ khá lâu đời, do cộng đồng người Việt (Kinh) ở các làng quan họ và một số làng lân cận sáng tạo ra.
Khác với những hình thức hát dân ca khác, thuở ban đầu những câu hát quan họ chỉ là những câu hát giao lưu dân dã trong đời sống sinh hoạt làng xóm của người dân xứ Kinh Bắc. Đó là những lời ca đối để giao tiếp cư xử khi ăn nói, lúc đứng ngồi, mời mọc, đưa tiễn, … dần dần những câu gieo duyên ấy trở thành một văn hóa đáng tự hào của người dân bản địa.
Dân ca quan họ Bắc Ninh là những câu hát đối đáp giữa các liền anh, liền chị. Họ thường hát quan họ vào đầu mùa xuân và mùa thu khi có lễ hội hoặc khi có bạn bè tới chơi để thể hiện lòng thân thiện của mình. Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bảy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người quan họ.
Buổi biểu diễn của các liền anh, liền chị tại Nhà hát Quan họ Bắc Ninh.
Giai điệu dân ca quan họ vô cùng đa dạng khi có tới hơn 500 bài ca và 213 làn điệu được thể hiện bằng nghệ thuật ca hát đặc sắc và độc đáo. Tiếng hát quan họ đặc sắc vì có sự kết hợp của âm nhạc, thơ ca và cả giọng hát của người nghệ sĩ quan họ. Lời một bài ca có hai phần: lời chính và lời phụ. Lời chính là phần cốt lõi, phản ánh nội dung của bài ca, lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi như i hi, ư hư, a ha, … Nghệ thuật hát quan họ đòi hỏi người nghệ sĩ phải sử dụng những tiếng phụ và lời phụ bên cạnh lời hát chính để khiến lời hát chính thêm mượt mà và tăng cường tính nhạc của bài ca, khiến giai điệu trở nên sinh động hơn.
Phần lời bài dân ca quan họ thường là những câu thơ, câu ca dao được trau chuốt và sử dụng những từ ngữ trong sáng, mẫu mực. Nội dung các bài ca thường thể hiện những trạng thái tình cảm của con người như nhớ nhung, buồn bã khi chia xa; sự vui mừng khi gặp lại của những cặp đôi yêu nhau; …
Liền anh, liền chị duyên dáng trao tiếng hát.
Đoàn Hà Nội có cơ hội tham gia trải nghiệm hát quan họ cùng với các nghệ nhân của CLB Dân ca quan họ đền Đô. Lời bài hát Khách đến chơi nhà, được các liền chị ca vang khiến đoàn Hà Nội cảm thấy rung động khi nghe giai điệu dân ca quan họ cổ.
Lời bài hát: Khách đến chơi nhà (Quan họ lời cổ)
“Khách đến í đến chơi hự nhà là chơi hự ư nhà i ì.
Đốt than ớ ơ dậu mà quạt nước mấy pha trà
mời người xơi là chén có a trà này.
Quý vậy ơ quý vậy đôi người ơi.
Mỗi người là người xơi mỗi chén ấy
cho em í ơ vui lòng là em í i muốn cho
Sông cạn í ơ sông cạn í ơ đất liền.
Để em ớ ơ dậu mà đi lại ấy mấy kẻo phiền là đò giang là em í vào chùa.
Thấy chứ í ơ thấy chữ Linh À Nhang.
Gần chùa là chùa chả bén mấy duyên hương í ơ chút nào là sáng có à giăng xuông, sáng í cả ơ sáng í cả ơ vườn đào.
Ba bốn người là người ngồi đấy mấy người
nào là còn không là có ới à nên chăng
Xe sợi í ơ xe sợi í ơ chỉ hồng?”
Đoàn Hà Nội trải nghiệm hát quan họ cùng với các liền chị của CLB Dân ca quan họ Đền Đô.
Theo lời chia sẻ của các liền chị, “Người quan họ khi đến chơi nhà thì không thể bỏ qua được tục mời nước mời trầu”; “Về mời nước thì người xưa có câu nói: đôi tay nâng lấy cơi trầu - trà thơm thơm lừng cả mười ngón tay”; “Về mời trầu thì có câu: trầu xanh cau trắng chay hồng - vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên”. Có thể thấy được cái nét “duyên” trong từng câu hát của làn điệu dân ca quan họ, rất bình dị nhưng cũng không kém phần thắm thiết. Họ đặt vào trong những câu hát cái tình, cái tâm với mong muốn thể hiện sự thương mến lẫn nhau.
Trao đổi với bà Nguyễn Thị Xuân Lan - Trưởng CLB Dân ca quan họ đền Đô, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, người truyền lửa cho các thế hệ trẻ có niềm đam mê với làn điệu dân ca quan họ, đoàn Hà Nội đã được tận tai nghe bà Lan hát quan họ vô cùng thắm thiết. Bà chia sẻ:
“Dân gian thì không biết thế nào là chuẩn. Chơi văn hóa quan họ, cái ứng xử mới là khó, hát phải có lao động. Trẻ là phải vui, bà rất thích việc giới trẻ duy trì bản sắc. Làng quan họ nói một nửa ăn một nửa, khi ăn với bạn có thể ăn một lần, cũng có thể ăn nửa lần để cùng nhau nói chuyện, uống nước.
Đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa dưa xin mời cả nhà nâng bát, dựng đũa để cho quan họ được thừa tiếp. Trong lề lối giọng quan họ có giọng lề lối, khi gặp gỡ nhau thì hát giọng lề lối (mấy bài hát giọng lề lối thì cực khó) sau đó là bắt đầu giọng văn, rồi đến giọng giã bạn (giọng cuối cùng).
Có nhiều cách dẫn vào bài hát quan họ, nhưng mình muốn gửi vào đó những lời dẫn để người nghe chú ý lắng nghe, để được nghe cái bài đó thì: Dẫn bài Còn Duyên - Sự có mặt của quý vị khách quý đông vui như thế này, về với Bắc Ninh - Kinh Bắc chúng em mến khách vui mừng mà hát rằng có yêu nhau thì mới sang chơi cửa chơi nhà, trong dân ca quan họ Bắc Ninh ở bài hát Còn duyên thì có câu “Đừng thấy em lắm bạn mà ngờ, lắm bạn thì lắm em vẫn cứ chờ người ngoan” xin thưa quý vị, người xinh thì ai cũng thích vì người xinh thì tiếng nói cũng xinh, mà người giòn thì cái tỉnh tình tinh cũng giòn, tại sao trai gái Bắc Ninh chỉ hát về người ngoan? vì người Bắc Ninh quan niệm người xinh mới chỉ là vẻ đẹp về hình thức bên ngoài, như bông hoa dễ tàn phai theo năm tháng, còn người ngoan là vẻ đẹp về phẩm chất đạo đức, về trí tuệ ở bên trong sẽ sống trọn vẹn với những kiếp người, lan tỏa trường tồn. Các cụ vẫn nói “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người” nếu một con người vừa có vẻ đẹp về hình thức, lại vừa có vẻ đẹp về phẩm chất đạo đức, trí tuệ thì đáng trân trọng đến nhường nào. Đó chính là nội dung của bài hát nổi tiếng trong lề lối giao duyên đối đáp của dân ca quan họ Bắc Ninh - bài hát Còn Duyên."
Đoàn đã tiếp thu thêm được nhiều kiến thức không chỉ về những làn điệu dân ca quan họ mà còn được biết thêm về văn hóa giao lưu của người dân xứ Kinh Bắc. Bà Lan hoạt động văn nghệ từ năm 1986, cho tới nay cũng đã được 28 năm kinh nghiệm, bà không giữ những làn điệu ấy cho riêng mình, mà muốn truyền đạt lại cho những thế hệ sau, để tiếng hát quan họ sẽ được lưu truyền mãi, theo bà chia sẻ.
Hiện nay, nhiều làng ở Bắc Ninh vẫn duy trì được lối văn hóa gieo duyên quan họ với hàng trăm bài hát lời cổ đằm thắm, dân dã và mộc mạc khi mang trong mình nét đẹp thiêng liêng xứ Kinh Bắc.
Nét đẹp trong quan họ Bắc Ninh chính là sự hòa quyện giữa những giai điệu ngọt ngào của các liền anh, liền chị; giữa trang phục truyền thống độc đáo với cách ứng xử văn hóa khi gieo duyên. Những hình ảnh ấy đã dần trở nên quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế, những hình ảnh gợi lại một ngôi làng yên ả vùng Bắc Bộ, những cô gái duyên dáng mặc mớ ba mớ bảy đội nón quai thao và những chàng trai áo the khăn xếp.
Là một nét văn hóa độc đáo của người dân Kinh Bắc, Quan họ Bắc Ninh được truyền từ đời này qua đời khác nhưng vẫn mang trong mình giá trị tinh thần nguyên vẹn không chỉ của tỉnh Bắc Ninh mà còn vang danh quốc tế. Năm 2009, dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể bởi những giá trị tinh thần mà loại hình nghệ thuật này đem lại.
Mặc dù cuộc sống ngày càng hiện đại hóa, nhưng những lời dân ca quan họ vẫn luôn tồn tại trong tiềm thức của người dân Bắc Ninh nói riêng và của người Việt nói chung. Sức sống bền bỉ của loại hình nghệ thuật này trong suốt khoảng thời gian dài tồn tại vẫn thu hút và tạo được ấn tượng tốt với du khách từ khắp mọi miền.
Nghệ sĩ hát quan họ cùng nhân vật trải nghiệm
Hà My - Danh Dương - Văn Toàn - Khoa: Quan hệ Quốc tế, chuyên ngành thông tin đối ngoại Học viện Báo chí và Tuyên truyền