Vấn đề này đã được nêu rõ trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 11) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 29). Cùng với đó những thiết chế quyền tự chủ được thể hiện trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các Nghị định, Điều lệ trường học. Điều này đã tạo ra bước đột phá, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục trên khắp cả nước.
Trao quyền tự chủ - Bước đột phá trong giáo dục
Là một trong 23 trường đại học thực hiện thí điểm tự chủ từ năm 2015 trên cơ sở Nghị quyết số 77 của Chính phủ, Trường Đại học Thương mại đã tận dụng được các cơ chế, chính sách để tạo bước chuyển toàn diện trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Cụ thể, nhà trường đã vận dụng quyền tự chủ trong sử dụng, bổ nhiệm nguồn nhân lực trình độ cao, tiếp tục bổ nhiệm một số cán bộ, giảng viên đến tuổi nghỉ hưu được kéo dài thời gian công tác, quản lý. Trong lĩnh vực chuyên môn, Trường Đại học Thương mại đã chủ động trong mở ngành, liên kết đào tạo, cân đối chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành theo nhu cầu xã hội, chuẩn hoá, toàn bộ các khâu của quá trình đào tạo…
Đến nay, nhiều chương trình đào tạo của trường đạt chuẩn kiểm định khu vực và quốc tế. Đặc biệt, với chế độ đãi ngộ thỏa đáng, trường đã thu hút được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế không chỉ phục vụ giảng dạy mà còn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Bà Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho biết, nhiều giáo viên trong trường đã có những công trình nghiên cứu khoa học, đề tài cấp Nhà nước, đề tài cấp Bộ, đề tài cấp trường và đặc biệt những bài báo ISI/SCOPUS đã tăng lên rất đáng kể. Trường cũng hỗ trợ về mặt tài chính kịp thời và mức cũng đủ lớn để tạo ra động lực cho các giáo viên.
Có thể thấy, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã mở đường cho sự đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục- đào tạo theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.
Từ các chính sách đổi mới này, các trường đại học đã triển khai nhiều đổi mới trong quản lý, đào tạo để bắt kịp với xu thế chung của thế giới. Năm 2019, lần đầu tiên cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam lọt Top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 8 trường vào danh sách các đại học hàng đầu châu Á; nhiều ngành, lĩnh vực đại học thuộc Top 500 thế giới. Số lượng các công trình quốc tế tăng liên tục.
Năm 2019, tổng số bài báo đăng trên tạp chí uy tín quốc tế là hơn 12 nghìn bài đứng thứ 49 thế giới tăng 2,7 lần và 9 bậc so với năm 2015, trong đó các trường đại học đóng góp trên 90%. Nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao công nghệ, ứng dụng vào thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định: “Thành tích nghiên cứu tăng rất nhanh, rồi trong các hoạt động khác như kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo thì cũng rất nổi bật. Đặc biệt là có 4 trường cũng lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng của QS”.
Cùng với đại học thì tự chủ ở bậc phổ thông cũng dần được đẩy mạnh. Tín hiệu mừng khi mới đây, trường trung học phổ thông công lập đầu tiên trong cả nước là Phan Huy Chú (Hà Nội) đã được trao quyết định tự chủ toàn phần (gồm tự chủ tài chính, tự chủ trong việc tổ chức bộ máy, biên chế). Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra cơ chế để giúp cho trường tháo bỏ được những rào cản về tài chính, tuyển dụng và học thuật.
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cho biết: “Đấy vừa là quyền, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm đòi hỏi nhà trường thì phải làm việc một cách chuyên nghiệp hơn, chúng ta sử dụng các quyền tự chủ ấy như thế nào cho nó có hiệu quả”.
Đây cũng chính là điều được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 mới đây.
“Kết quả rất nổi bật của đổi mới vừa qua mà cả thế giới và nhân dân, các đồng chí ở đây đều đánh giá đấy là về giáo dục đại học, chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học. Dù rằng con đường này còn tiếp tục, nhưng bước đầu đã rất tốt, đã chứng minh được tính đúng đắn của nó và đã được luật hóa trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Với phổ thông, chúng ta đã có bước tiến rất tốt. Chúng ta nhìn nhận những thành tựu đó thì khẳng định Nghị quyết 29 là rất đúng hướng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Từ những kết quả bước đầu cho thấy chủ trương tự chủ trong giáo dục là đúng và phù hợp với xu thế thế giới. Điều này vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các trường phải năng động, sáng tạo hơn trong quá trình chuyển đổi này. Cùng với đó là những bất cập trong cơ chế chính sách cần sự tháo gỡ từ các cơ quan quản lý nhà nước để cơ chế tự chủ giáo dục thực sự đạt hiệu quả./.
Minh Hường/VOV