Điều đáng quan tâm, đến thời điểm này, bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm, số bệnh nhi nhập viện tăng gấp 2 đến 3 lần so với trước đây.
Tại phòng bệnh nặng, Khoa Nội hô hấp của bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, chị Trần Thị Thanh Trúc, ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, đang chăm sóc con trai 4 tuổi bị viêm phổi nặng cho biết, con trai chị nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao liên tục, đến nay đã được 14 ngày. Chị Trúc nhớ lại, mỗi khi bé nhà chị bệnh đều lên cơn sốt cao và đưa vào bệnh viện phải nằm điều trị nhiều ngày. Gia đình vốn khó khăn nay trông chờ vào đồng tiền ít ỏi của việc bán rau của vợ chồng chị nay con bệnh, càng khó khăn hơn.
Bác sĩ Lê Trần Thiên Thư, đang khám cho bệnh nhi 7 tháng tuổi bị viêm phổi tại phòng bệnh nặng của Khoa Nội hô hấp.
Trường hợp con trai của chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, chỉ mới được hơn 1 tháng tuổi mà phải nhập viện vì bị viêm phổi nặng. Chị Thắm cho biết, lúc ở nhà thấy bé có biểu hiện ho, ít bú, nên chị đưa bé đến phòng khám tư ở địa phương.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, kể từ đầu tháng 9 đến nay, số lượng bệnh nhi khám bệnh và nhập viện do bệnh đường hô hấp tăng cao so với cùng kỳ của năm trước. Đáng chú ý, từ đầu tháng 10 đến nay, tại Khoa Nội hô hấp ghi nhận hơn 1.700 trường hợp trẻ nhập viện do liên quan đến bệnh đường hô hấp; trong đó bệnh nhi ở tại thành phố Cần Thơ là gần 893 ca, còn lại ở các tỉnh thành lân cận chuyển đến.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Khoa nội hô hấp tiếp nhận từ 30 đến 50 trường hợp bệnh nhi đến nhập viện mà phổ biến là viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm phế quản phổi và hen. Do số lượng bệnh nhân tăng cao như hiện nay đã gây nên tình trạng quá tải tại Khoa, nhiều bệnh nhi phải nằm ghép đôi. Các bác sĩ của bệnh viện cho biết, số ca mắc bệnh hô hấp tăng cao từ cuối tháng 9 đến nay, hiện chưa có dấu hiệu giảm và sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng cuối năm nay.
Bác sĩ Lê Trần Thiên Thư – Khoa Nội hô hấp, bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết, nguyên nhân bệnh hô hấp ở trẻ tăng cao, là có nhiều yếu tố kết hợp; trong đó điều kiện thời tiết mưa bão kéo dài, ẩm ướt, tiết trời se lạnh khi chuyển mùa càng khiến các dịch bệnh dễ bùng phát hơn, trong khi đó trẻ em có miễn dịch kém, thì càng dễ mắc bệnh hơn. Do đó, thời điểm này, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần hết sức lưu ý việc chăm sóc trẻ, nhất là đến giai đoạn chuyển mùa.
“Để phòng bệnh tốt hơn, các bậc phụ huynh phải tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và nên cho trẻ chủng ngừa đầy đủ theo lịch. Khi phát hiện trẻ bệnh nên kịp thời đưa đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng. Trong các bệnh về đường hô hấp, thì bệnh nguy hiểm nhất là viêm phổi, vì nếu như trẻ không được quan tâm chăm sóc kỹ, theo dõi sát thì trẻ dễ dẫn đến suy hô hấp. Thậm chí nặng hơn nữa, dẫn đến tử vong", bác sĩ Lê Trần Thiên Thư cho biết.
Trong điều kiện trẻ phải đến trường học, tiếp xúc nhiều trẻ khác trong môi trường tập thể như hiện nay, các bậc cha mẹ phải chú ý cách phòng bệnh cho trẻ hiệu quả hơn. Nhất là, trong điều kiện mưa bão kéo dài, thời điểm giao mùa, không chỉ riêng về bệnh lý đường hô hấp mà trẻ em còn có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác khó điều trị hơn./.
Thanh Tú/VOV