Ít ai nghĩ trên vùng đất Trường Xuân năm xưa hoang vu, không đường, không điện, không nhà lại mọc lên một ngôi làng xinh xắn, giữa bốn bề xanh mướt những đồi cao su, chè, hồ tiêu... Ngôi làng ấy có một cái tên mang đầy sức trẻ - Làng Thanh niên lập nghiệp Trường Xuân - nơi "an cư lạc nghiệp" của 58 hộ gia đình thanh niên. Cách đây gần 10 năm, họ đã quần tụ về đây miệt mài ngày đêm mở đất.
Biến đất khó thành đất hứaChúng tôi đến Làng Thanh niên lập nghiệp Trường Xuân vào một ngày tháng sáu đầy nắng. Màu xanh ngăn ngắt của những trảng rừng cao su, chè, hồ tiêu… trải dài ngút mắt làm dịu đi cái nắng oi ả miền biên giới.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng, anh Trương Tiến Thành - Đội trưởng Đội TNXP Trường Xuân - đơn vị của Tổng đội TNXP Xây dựng Kinh tế tỉnh Quảng Bình đang đóng quân tại làng kể rằng, vùng đất này thuộc địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh, diện tích tự nhiên rộng, mật độ dân số thưa, kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn. Nơi đặt làng trước đây là vùng rừng núi hoang vu, là vùng rốn của những trận lũ lịch sử. Vì vậy, đồi núi mênh mông nhưng không một ai đặt chân đến.
Thế rồi, những thanh niên đầu tiên đã cùng với Tổng đội quyết tâm chinh phục vùng đất khó. Anh Thành cho biết: “Trong đợt di dân đầu tiên có đến 13 hộ gia đình thanh niên ở Trường Xuân và rải rác người ở Lệ Thủy, Đồng Hới. Tiền làm nhà, tiền khai hoang, tiền di dân buổi ban đầu mỗi hộ được cấp từ 10 đến 12 triệu đồng, nghĩ là nhiều nhưng chẳng khác gì "gió vào nhà trống". Bởi bắt tay vào sản xuất đụng đến cái gì cũng thiếu”.
Cuộc sống sinh hoạt cũng vô cùng cơ cực bởi muốn mua sắm thứ gì anh em đều phải ra đến vùng trung tâm cách làng gần 10 cây số đường rừng. Con đường duy nhất của làng mỗi lần mưa to, đất đỏ vỡ ra nhão nhoét không tài nào đi được. Rồi còn muỗi, còn vắt và những cơn lũ rừng đột ngột giữa đêm.
Anh đã cùng các cán bộ của Tổng Đội đến từng hộ gia đình trẻ chuyện trò tìm hiểu thêm hoàn cảnh của họ, cùng sống, chịu đựng gian khổ với anh em để cùng tháo gỡ dần những khó khăn.Tổng Đội trưởng Đoàn Thanh Sơn nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ cố tìm ra những giải pháp giúp đỡ, động viên anh em đoàn kết trong buổi đầu khó khăn chồng chất.
Hỗ trợ hết nguồn quỹ đầu tư của cấp trên, các cán bộ Tổng Đội tích cực làm việc với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và các tổ chức khác để huy động vốn, tạo điều kiện vay vốn sản xuất cho các hộ gia đình.
Đội TNXP Trường Xuân với những cán bộ trẻ đầy nhiệt huyết, bám đất, bám dân tích cực cùng với các gia đình thanh niên khai hoang mở đường, mở đất sản xuất, xây dựng nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi.
Tổng Đội cũng làm đầu mối, triển khai nhiều mô hình nuôi trồng để chuyển giao cho các hộ dân như: mô hình vườn ươm cây huỷnh, cây phật thủ, nuôi dúi thương phẩm, tạo điều kiện thuận lợi về cây giống, con giống cho các hộ thanh niên phát triển kinh tế. Đường mở ra, điện lưới kéo về. Từng khu nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống sân bãi được quy hoạch. Khó khăn được tháo gỡ dần dần.
Biến không thành có, biến khó thành dễ. Thanh niên viết đơn xin lên lập nghiệp tại làng ngày một nhiều hơn. Thanh niên di dân ổn định thì quyết tâm phát triển sản xuất. Vùng đất cằn cỗi, hoang vu thay da đổi thịt từng ngày. Một ngôi làng mang đầy sức trẻ thanh niên định hình giữa đại ngàn Trường Sơn.
Sỏi đá nay đã thành cơmVới sự cần mẫn và khát khao của tuổi trẻ, đất đã không phụ công người. Làng thanh niên Trường Xuân hôm nay đã có 58 hộ gia đình thanh niên sum vầy an cư lạc nghiệp. Gần 10 năm trở thành công dân của làng, mỗi hộ gia đình hiện nay đã ổn định sản xuất, cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 120 đến 180 triệu đồng với những hecta cây cao su, hồ tiêu, cây sả thương phẩm và chăn nuôi ngắn ngày.
Tháng 8 năm 2008, anh Nguyễn Anh Tuấn, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh lập gia đình với cô gái ở Trường Xuân và từ đó ở lại luôn quê vợ. Nghe tin Dự án thành lập làng, anh liền làm đơn xin gia nhập ngay. Hai vợ chồng vừa làm xong nhà thì vợ anh "khai hoa nở nhụy" cô con gái đầu lòng.
Nhớ lại những ngày đầu không quản nắng mưa cùng nhau xây dựng cuộc sống, anh không khỏi bùi ngùi: "Đất lành chim đậu. Hồi trước không dám mong có của ăn của để như giờ, chỉ trông có một mái nhà, có đất cày cuốc nuôi con ăn học. Cần cù rứa rồi khó khăn qua hết, cũng may, mấy anh em ở đây cùng nhau sống thuận hòa, đầm ấm nên sau mười năm làng đã trở thành quê hương thứ hai của mình rồi”.
Anh Trần Đại Hùng thì khác. Là thanh niên chưa vợ, tốt nghiệp ra trường, anh xin lên với làng bởi ước mơ có một trang trại của riêng mình. Được giao 400 m2 đất ở và 3 ha đất sản xuất, anh bắt tay chinh phục cây sả thương phẩm, hồ tiêu, rồi mạnh dạn đầu tư trồng cây cao su. Đến nay, ngoài diện tích cây công nghiệp, anh còn có trong tay đàn lợn rừng gần 30 con, cho thu nhập đều đặn mỗi năm hơn 70 triệu đồng.
Đôi vợ chồng người dân tộc Vân Kiều Hồ Sửu và Hồ Thị Lệ chia sẻ với chúng tôi trong nụ cười mãn nguyện: “Những ngày khó khăn đã qua rồi, cán bộ thấy đó, chúng tôi có nhà, có đất để làm ăn. Tuy vất vả nhưng ở đây chỉ cần chăm chỉ là cuộc sống sẽ ngày một đi lên thôi”. Theo anh Sửu, trong 3 ha đất canh tác của gia đình anh, giờ hơn 1 ha đã phủ xanh cao su, hồ tiêu. Rồi còn gà, còn dê, vợ chồng anh phải luôn tay luôn chân cả ngày.
Bận rộn là thế, nhưng trong gian nhà gỗ tràn đầy tiếng cười của vợ chồng anh dán đầy giấy khen thành tích của con cái, của vợ chồng những lần tham gia giải văn hóa văn nghệ của huyện, của tỉnh. Chị Hồ Thị Lệ, công dân của làng, là đại biểu Hội đồng nhân dân xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, là niềm tự hào của bà con dân tộc Vân Kiều nơi biên giới này.
Trong câu chuyện về kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Tổng đội, anh Đoàn Thanh Sơn - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Xây dựng kinh tế Quảng Bình không giấu được niềm phấn khởi khi kể về Làng TNLN Trường Xuân - đứa con tinh thần của Tổng Đội. Anh cho biết, 10 năm lập làng là 10 năm trưởng thành của Tổng Đội.
Từ buổi đầu gian khó, đến nay, nhiều gia đình đã có của ăn của để, đứng vững trên vùng đất khó ngày nào. Có được ngày hôm nay là nhờ vào sức trẻ của thanh niên dám chịu khó, chịu khổ và luôn cùng một ý chí quyết tâm bạt núi làm đường, xây nhà.
Từ thành công của Làng Thanh niên lập nghiệp Trường Xuân, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh Đoàn Quảng Bình, năm 2015, Tổng đội đã khởi công xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp Quảng Châu với mong muốn biến miền biên giới phía Tây Quảng Trạch trở thành một vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao do thanh niên làm chủ.
Dẫu rằng phía trước vẫn còn nhiều gian khổ, thử thách, song với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, chúng tôi tin rằng, những làng thanh niên lập nghiệp như Trường Xuân, Quảng Châu đang và sẽ làm nên một vùng biên cương trù phú, đẹp đẽ, góp phần khẳng định chủ quyền, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia.
Và rồi những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên, trưởng thành từ chính mảnh đất năm xưa ba mẹ các em đã đổ mồ hôi khai phá sẽ là thế hệ tiếp nối từ làng đi chinh phục những miền đất xa hơn, nhiều khát vọng hơn. Sự tiếp nối ấy mãnh liệt như chính sức trẻ bật lên từ cái tên của làng - Trẻ mãi với Trường Xuân!
Làng Thanh niên lập nghiệp Trường Xuân được đặt tại bản Hang Chuồn, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Binh, cách đường Hồ Chí Minh 12km về phía Tây. Làng được khởi công xây dựng từ tháng 3 năm 2009 với tổng diện tích đất tự nhiên là 1.363 ha. Hiện nay, 58 hộ gia đình thanh niên lập nghiệp tại làng tích cực phát triển sản xuất nông lâm nghiệp với thu nhập bình quân mỗi hộ từ 120-180 triệu đồng/năm.
Theo Lê Tâm/Báo Quảng Bình