TNV - Tết Nguyên Đán là thời khắc quan trọng nhất trong năm, là khi những người con xa xứ trở về quê hương quay quần bên gia đình và tưng bưng du xuân trảy hội. Ban quản lý Phố cổ Hà Nội lấy ý tưởng từ những chú Lợn – linh vật biểu tượng của năm Kỷ Hợi, tượng trưng cho cuộc sống no đủ, sung túc và tràn đầy để tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng Tết Nguyên Đán 2019.
Tiếp nối chuỗi những hoạt động văn hóa mừng Đảng – mừng xuân Kỷ Hợi 2019 đó là triển lãm “Sắc Dó và Gốm Hương Canh”. Sự kiện diễn ra với mục đích tôn vinh các sản phẩm truyền thống từ hai làng nghề Gốm Sành (Hương Canh) và giấy Dó làng Dương Ô ( Bắc Ninh). Chương trình sẽ kéo dài từ ngày 26/1-24/2 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ, Hà Nội).
Không gian triển lãm “Sắc Dó và Gốm Hương Canh”
Triển lãm có khoảng 100 tác phẩm (gồm tranh giấy dó, bình gốm, điêu khắc gốm) của các nghệ sỹ tiêu biểu trong giới mỹ thuật Việt Nam được giới thiệu tới công chúng.
Điểm nhấn của triển lãm là việc trưng bày tác phẩm của danh họa Lưu Công Nhân. Ngoài ra, “Sắc dó và gốm Hương Canh” giới thiệu tới công chúng những tác phẩm của các nghệ sỹ nhóm G39 Hà Nội: Lê Thiết Cương, Ngô Bình Nhi, Nguyễn Hồng Phương, Phạm Trần Quân, Tào Linh…
Sản phẩm gốm Hương Canh với hình mẫu là những “Chú Lợn”- linh vật của Tết Nguyên Đán 2019
Bức tranh “MẪU TỬ” của tác giả Nguyễn Phương Ly
Những tác phẩm nghệ thuật bằng giấy Dó đều được lấy cảm hứng từ con giáp cuối cùng
Bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ hình tượng con lợn - linh vật năm 2019, triển lãm còn trưng bày những bức họa về phố phường HN trên chất liệu giấy dó.
Hình tượng Chú Lợn được chạm khắc trên gốm Hương Canh của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang
Triển lãm ‘Sắc dó và gốm Hương Canh’ là sự kết hợp trưng bày hai dòng sản phẩm (một dòng ‘thử nước’ - giấy dó và một dòng ‘thử lửa’ - gốm từ đất sét nung) nhằm tôn vinh hai nghề thủ công truyền thống, những sáng tạo của các nghệ sỹ đương đại và truyền đi thông điệp về cách ứng xử với những giá trị văn hóa truyền thống.
Hà Phương Trang