Có thể nói, chị là một nghệ sĩ sống trong cái đẹp, tạo ra cái đẹp và lan tỏa cái đẹp, và chị luôn ý thức để hành xử thật đẹp đẽ, trách nhiệm và văn minh. Đó cũng chính là hào quang đẹp nhất của một người nghệ sĩ.
Nhưng nói vậy có lẽ chưa đủ, đằng sau lịch diễn với tần suất chóng mặt, Trịnh Minh Hiền còn canh cánh với suy nghĩ "bản chất của nghệ thuật, của người nghệ sĩ là phải đi tìm những cái mới, phải tìm ra con đường đi cho riêng mình”.
Trước khi chấp bút, tôi có nhắn cho Trịnh Minh Hiền.
Với dự án âm nhạc của chị vừa ra mắt thành công, tôi sẽ xin phép chị không đưa TCBC nhé. Bởi như vậy nó bị trùng lặp và giống như một thông báo.
Tôi muốn cần thêm thời gian để cảm nhận đứa con “tinh thần” này của chị để lắng nghe sự phản hồi của khán giả, và chấp bút theo sự cảm nhận của tôi. Chị có đồng ý không?
“Chúng ta đến với nhau, có duyên được gặp nhau, lại được làm việc cùng nhau như thế này là tình cảm lắm. Họp báo, với Trịnh Minh Hiền không phải là rải tin. Đúng nghĩa là để bạn bè đồng nghiệp biết tới sản phẩm của mình.
Bạn hãy viết tôi bằng sự cảm nhận của mình nhé. Tôi rất mong chờ những bài báo có tâm”.
Dường như năm 2023 với Trịnh Minh Hiền là năm thăng hoa cảm xúc của chị thì phải.
Cảm xúc của 20 năm qua cống hiến nỗ lực và say nghề.
Trước khi nghe chị tâm sự về sản phẩm âm nhạc của mình, tôi muốn được ghi lại cảm xúc của Trịnh Minh Hiền khi chị vừa đặt chân đến với Trường Sa.
Trịnh Minh Hiền rất thần thái với hành trình gần 2000 hải lý.
“Mùa này ngoài Trường Sa bắt đầu vào mùa mưa, với hành trình gần 2000 hải lý, không biết bằng khả năng gì, tôi đã không say sóng.
Cũng giống như bao chuyến tàu ra thăm đảo, chúng tôi có một cung đường tương tự. Nhưng tôi còn có một mục đích cống hiến cần hoàn thành, có lẽ vì thế mà tôi đã trở thành một người lính. Tôi cứ ngỡ rằng, mình rất khó có thể vượt qua được nỗi sợ độ cao, sợ ốm vì dầm mưa, sợ mình sẽ rơi tõm xuống biển khi chiếc xuồng vào đảo gặp biển động, với lịch làm việc dày đặc, và con tàu luôn báo thức vào lúc 5h sáng.. Những đêm giữa đại dương một màu thăm thẳm không trăng sao.. để lại có đêm mình tôi dưới cả rừng sao như những đốm lửa nhỏ, tưởng như chỉ với tay là chạm tới.
Ở giữa trùng dương sóng vỗ, mọi thứ lo toan bỗng bình thường quá, cả những nỗi niềm tưởng như khó nguôi ngoai. Mỗi người một trạng thái suy tư, tôi lại tìm được sự hồn nhiên, lên những kế hoạch mới, và mỉm cười bởi cái bóng nhỏ xíu của tôi, đã từng in lại nơi đây, Trường Sa. .
Cám ơn những con người tôi đã gặp trên hành trình, họ đều mang nguồn năng lượng vô cùng tích cực, đều yêu quý tôi, một nghệ sĩ chơi volin.
Tôi trân trọng họ, trân trọng những lời chúc tốt đẹp nhất của họ dành cho tôi khi về đất liền.
Với những người nghệ sĩ được đến với Trường Sa là một điều may mắn và tự hào. Bởi nghệ sĩ cũng là một chiến sĩ. Đi để thấy, và và trở về để lớn hơn. Với tôi, cảm xúc về Trường Sa luôn là cảm xúc đặc biệt nhất và thiêng liêng nhất. Nếu ai đã một lần được tới nơi đây, tôi tin chắc rằng, người đó sẽ yêu hơn rất nhiều những người chiến sĩ, họ rắn rỏi, hiên ngang với nắng gió hải đảo nhưng lại có tâm hồn thơ mộng. Dĩ nhiên, sau hải trình đến Trường Sa, tôi cũng như nhiều thành viên trong đoàn, sẽ yêu hơn rất nhiều quê hương, Tổ quốc mình. Đến với Trường Sa tôi được nhìn Tổ quốc từ biển, đem lại nhiều cung bậc cảm xúc, trải nghiệm và ấn tượng sâu sắc, xen lẫn niềm tự hào là sự cảm phục, trân quý những hy sinh cống hiến thầm lặng của người lính biển đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” chia sẻ của Trịnh Minh Hiền.
Với Trịnh Minh Hiền điều quan trọng nhất là truyền tải được tinh thần yêu nước và lòng tự hào đến mọi người, bằng chính cây đàn Vĩ Cầm của mình, cây đàn mà trong chiến tranh khói lửa, vẫn đâu đó được vang lên trên chiến trường, và réo rắt trong những buổi văn nghệ dành cho lớp lớp chiến sĩ ra trận.
Điều đó minh chứng khi cô cho ra mắt cùng lúc 2 dự án âm nhạc lớn của đời mình: MV "Đất nước trọn niềm vui", và anbum chuyển soạn và sáng tác “Phượng linh” vào đúng dịp kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023). Dự án âm nhạc này ghi dấu 20 năm Trịnh Minh Hiền gắn bó và sáng tạo với cây đàn violin.
Nhiều người nói Trịnh Minh Hiền may mắn khi theo đuổi violin, tuy nhiên, tôi nghĩ chẳng may mắn nào có thể đồng hành 5, 10 hay 20 năm. Chặng đường này chẳng hề bằng phẳng nếu chị không quyết tâm và dành nhiều sự hi sinh, tâm huyết. Vâng 20 năm, chị vẫn đi con đường độc đạo, mải miết “lội ngược dòng” để đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả qua những thử nghiệm dám nghĩ dám làm.
Dinh Độc Lập- Nơi Trịnh Minh Hiền chọn bối cảnh để thực hiện MV “Đất nước trọn niềm vui”.
Chia sẻ về MV “Đất nước trọn niềm vui” vừa ra mắt Trịnh Minh Hiền nói:
Tôi muốn đặt âm nhạc dân tộc Việt Nam vào vị trí đẹp nhất, trang trọng nhất chứ không biến nó thành món đồ trang sức cho một ca khúc.
Tôi chọn chuyển soạn ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Hà như một lời đồng vọng, hướng về cột mốc lịch sử hào hùng của dân tộc. Phim ngắn âm nhạc (MV) “Đất nước trọn niềm vui” được Trịnh Minh Hiền trực tiếp trình diễn, ghệ sĩ Gianmarco Maccabruni Giometti (Italia) quay phim và đạo diễn, nhà thơ Vi Thùy Linh viết kịch bản, biên tập với sự tham gia diễn xuất của NSND Quốc Trị. Đây MV đặc biệt chào mừng ngày Giải phóng - Thống nhất Đất nước được chuyển soạn từ ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác 26/4/1975. MV này là biểu thị sinh động - chứng thực của lòng yêu nước, tôn vinh lịch sử hào hùng của Việt Nam kịp chào mừng kỉ niệm 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất non sông liền một dải.
MV kể mạch chuyện của hai nhân vật, là một cựu chiến binh ((NSND Quốc Trị đóng) đã từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 lên tàu hỏa xuyên Việt, hành trình từ Bắc vào Nam trên chuyến tàu Thống Nhất, nghĩ về lịch sử đời mình và đất nước năm 1975 bằng hồi tưởng.
Nhân vật thứ 2 là chính nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền, đứng kéo đàn tại sân cỏ trước Dinh Độc Lập, một người trẻ đang được sống trong những ngày hòa bình, thống nhất chơi bản nhạc bằng cây đàn violin hân hoan vui mừng chiến thắng.
Hai nhân vật một già, một trẻ minh chứng cho thế hệ tiếp nối. Thế hệ cha anh đã kiên cường chiến đấu hy sinh để đưa đến độc lập, thống nhất đất nước; Thế hệ trẻ tiếp nối, nhớ ơn và không quên các bậc tiền bối đã mang đến chiến thắng lịch sử.
Tôi ước muốn lan toả cảm hứng tự hào tuyệt đẹp ấy tới toàn thể khán giả, Nhân dân Việt Nam, người Việt Nam khắp hành tinh, khí thế sống - cống hiến cho quốc gia cường thịnh sẽ kinh tế và văn hoá khi đang đứng trước vận hội, cơ đồ chưa từng có.
Vì sao chị lại chọn cái tên Phượng Linh để đặt cho album?
Tác phẩm chủ đề của album sáng tác theo phong cách world music sử dụng thang âm Tây Tạng kết hợp Flamenco. Phượng linh kể câu chuyện về chim phượng hoàng linh thiêng sống trên đỉnh núi cao nhất ở Tây Tạng vượt qua mọi chông gai, bão táp để cất cao đôi cánh…
Trong album gồm 12 tác phẩm, tôi chuyển soạn lại một số ca khúc của “bộ tứ” nhạc sĩ gạo cội gồm Dương Thụ, Trần Tiến, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường.
Đây là album được Trịnh Minh Hiền ấp ủ trong thời gian dài, đánh dấu một hành trình làm nghề nghiêm túc, say mê với tinh thần tôn vinh âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Album Phượng linh còn có Cô gái Digan do Lê Minh Sơn viết tặng Trịnh Minh Hiền từ 20 năm trước, cùng các bản chuyển soạn ca khúc: Tiếng trống Paranưng (Trần Tiến), Ơi M'drak (Nguyễn Cường), Trên đỉnh phù vân (Phó Đức Phương), Chiếc khăn piêu (Doãn Nho), Họa mi hót trong mưa (Dương Thụ), Một cõi đi về - Đêm thấy ta là thác đổ - Như cánh vạc bay (Trịnh Công Sơn).
Mỗi tác phẩm trong album được nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền thể hiện với những phong cách khác nhau như Latin kết hợp điện tử Epic, Worldmusic pha điện tử, thính phòng, jazz và pop, Flamenco, violon độc tấu...
Album còn ghi dấu sự hợp tác giữa nhạc sĩ Hà Lan Ad van Dongen với nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng trong tác phẩm chuyển soạn Tiếng trống Paranung (Trần Tiến), tạo ra phiên bản 2023 với nhiều chất liệu âm nhạc độc đáo. Ad van Dongen gọi tên cho bản chuyển soạn này là Paranung uy lực.
-Nói qua thì có vẻ thuận lợi và dễ dàng nhưng ngồi xuống nghe chị kể chuyện thì mới hiểu chị đã phải đánh đổi rất nhiều để đạt được mục tiêu lớn này. Nói về việc ra mắt một album chị sẽ nói gì?
Việc làm album giống như việc trồng một cây xanh. Để có một cái cây, người ta phải chọn giống, gieo hạt, chăm bón, và bắt sâu cho đến khi nó đơm hoa, kết trái. Tương tự, một album cần được lên kế hoạch, sáng tác và chọn lựa những bài hát phù hợp, sản xuất, hòa âm phối khí, làm hình ảnh, chỉnh sửa,... để cuối cùng có thể cho mọi người thưởng thức.
-Chơi violin với chị là hơi thở của cuộc sống, là nơi cứu rỗi tâm hồn? Chị có cho rằng số phận danh cầm cũng phức tạp như chính tính cách của người nghệ sĩ không?
Người chơi đàn nôn nóng thì nhạc cụ ngân lên thanh âm giận dữ. Nếu ta chơi nhạc với trái tim nhân hậu thì âm sắc sẽ dịu dàng đến vô biên. Người ta nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhưng âm thanh cũng là cửa sổ tâm hồn đấy. Trái tim ngạo mạn, trái tim tham lam, hay trái tim đố kị, tất cả đều có thể bộc lộ qua các thanh âm. Còn tôi thường xuyên nhìn nhận lại trái tim mình bằng âm sắc. Không ảo tưởng về con đường của mình chọn.
Violin cần sự đào tạo bài bản và khổ luyện, điều mà tôi đã có. Đó là lý do tôi chơi nhạc cổ điển - thứ âm nhạc bác học tuyệt đẹp tôi vẫn luôn yêu thích. Trong âm nhạc, mỗi người sẽ yêu thích một dòng nhạc. Còn tôi lại rất mê nhạc cụ vĩ cầm (violin) vì dáng vẻ và âm thanh đặc biệt. Và tôi chỉ muốn sáng tạo nên những thứ mới mẻ chứ không mưu cầu sự nổi tiếng.
-Nhìn vào những dự án âm nhạc của chị có lẽ chị là một người nghệ sĩ đang mạo hiểm khi chọn hướng đi này?
Tôi luôn tâm niệm rằng: Mình cần có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc nói riêng và các giá trị di sản của đất nước nói chung. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải “đánh thức” được tình yêu âm nhạc truyền thống ở các bạn trẻ bằng cách ươm mầm cảm thụ, dần dà tạo được sự yêu quý, trân trọng và ý thức gìn giữ.
Như bạn có thể thấy đấy: Nối tiếp MV "Tiến quân ca" vào ngày 2/9/2022, gần đây nhất là MV "Đất nước trọn niềm vui" vào dịp 30/4/2023.
Chắc những ai quan tâm tới Trịnh Minh Hiền sẽ hiểu được những thông điệp mà tôi gửi gắm.
Tuy nhiên không phải bước đi nào cũng có được sự đón nhận của khán giả. Và tôi cũng phải thực sự mạnh dạn đột phá, chọn bước đi khác biệt để khẳng định bản thân hay đó còn là sự thể nghiệm xu hướng của dòng chảy nhạc Việt.
-Tại sao một người làm nghệ thuật như chị lại chọn cho mình một cách sống lặng lẽ?
Tôi không chọn cách sống mai danh ẩn tích như mọi người vẫn nghĩ. Tôi vẫn biểu diễn, và vẫn đến với công chúng theo cách của tôi.
Con người bình thường của tôi sống theo quy luật tự nhiên. Lúc trẻ thì tha thiết lạc quan. Lúc hoàng hôn thì quên đi muộn phiền, biết ơn cuộc đời để thấy lòng bình yên.
Âm nhạc đối với tôi như người bạn đời. Tôi đam mê nó là một chuyện, nhưng khi tìm hiểu và thấy được rằng mình là một nửa của nó thì mình thấy rằng phải khai thác bản thân mình nhiều hơn...
-Theo chị, người nghệ sĩ phải làm gì để tiếp tục giữ lửa?
Đó là sự hy sinh không xuất hiện liên tục, phải kìm nén cái mình muốn để được cái dài hơn.
Cái gì cũng vậy - kể cả yêu nhau mà gặp nhau nhiều quá cũng chán. Phải biết giữ lửa, phải có khoảng cách đủ để mong chờ và thèm khát. Điều đó cũng có nghĩa là ta sẽ phải hy sinh.
Xin cảm ơn nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền đã trò chuyện!
Lê Thuý Hằng (thực hiện)