Trồng dưa bằng công nghệ cao ở xã thuần nông truyền thống

Thứ năm, 27/06/2019 - 09:48

TNV - Nhìn hệ thống nhà màng hiện đại được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ Israel, đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng tốt nhất, hạn chế tối đa sâu bệnh, cho chất lượng quả sạch, an toàn vệ sinh khi tiêu dùng. Có lẽ ai cũng phải thốt lên khâm phục tư duy táo bạo, làm ăn lớn và cả đức tính cần mẫn, chịu đựng gian khổ, dám hy sinh của đôi bạn trẻ.

Thuê đất, đầu tư nhà màng trồng dưa bằng công nghệ cao

Xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc về đích nông thôn mới cách đây 5 năm, đời sống thu nhập của hơn 6.700 khẩu sinh sống ở 4/4 thôn trong xã thuộc diện khá với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2018 là 38,1 triệu đồng. Tuy vậy, Văn Tiến vẫn là xã thuần nông với cơ cấu kinh tế nông nghiệp canh tác theo kiểu cấy lúa truyền thống là chủ đạo, không có ngành nghề phụ, không có nhà máy, công xưởng, chỉ có một số hộ cá thể làm thương mại dịch vụ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ.

Lô 1, trồng dưa lê kim vương, cây leo phủ xanh kín giàn, đã cho đậu quả gần
bằng ấm pha trà. Ảnh: P. Quỳnh.

Chủ tịch xã Văn Tiến Trần Xuân Dưỡng thông tin thêm: Nguồn thu chính để nâng cao mức sống của bà con trong xã là nhờ lực lượng trên 1.760 lao động làm ăn xa và làm ở các khu công nghiệp ngoài địa bàn xã, còn đồng ruộng bà con chỉ duy trì để đảm bảo lương thực, do hiệu quả kinh tế không cao, đầu tư tốn kém, lại bếp bênh phụ thuộc nhiều vào thời tiết và biến động thị trường.

Biết khó khăn là thế, song Tạ Văn Hiệp (SN 1989), sau khi tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin (Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên) với 5 năm bươn chải cuộc sống; trong đó có già nửa năm bán hàng điện thoại di động ở Hà Nội, 4 năm làm khảo sát trắc địa cho một đơn vị sự nghiệp ở Vĩnh Phúc thấy không có tương lai, nên đã quyết chí về quê rủ người bạn thân nối khố với mình mới đi lao động nước ngoài về cùng nhau thuê đất, đầu tư nhà màng (khung sắt mạ kẽm, lợp phủ màng ni lon, xung quanh rào kín bằng lưới chắn côn trùng) trồng các loại dưa bằng công nghệ hiện đại.

Tạ Văn Hiệp kiểm tra hệ thống tưới nước nhỏ giọt ở lô 2 trồng dưa như ngọc. Ảnh: P. Quỳnh.

Trước đó gần một năm, Nguyễn Thái Phi - bạn của Tạ Văn Hiệp - đã một mình đầu tư nuôi 20 con bò thịt và đang dự kiến triển khai đầu tư nuôi giun quế. Gặp người có cùng chí hướng làm nông nghiệp với mình, quý 2 năm 2017, hai chàng thanh niên đã tận dụng nguồn phân bò sẵn có và mua đất màu ở bãi sông về nhanh chóng bắt tay vào cải tạo 1.000 m 2 đất mới thuê của thôn ở khu lò gạch cằn cỗi và hùn vốn mỗi người 100 triệu đồng để xây dựng nhà màng trồng dưa sạch theo hướng công nghệ cao.

Ngay trong năm đầu, sau chừng 04 tháng canh tác, hai trai làng giàu khát vọng vươn lên và cần cù lao động đã thu được 99 triệu đồng từ 01 vụ dưa lê kim vương và 01 vụ dưa chuột, trừ chi phí thu về 79 triệu đồng (tính cả công tự bỏ ra). Theo Tạ Văn Hiệp, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao (đạt 65%) do kỹ thuật canh tác còn chắp vá, thụ phấn chưa đúng qui trình và thời tiết quá nóng, nên tỷ lệ dưa đậu quả thấp, chất lượng quả chưa cao..

Mô hình mới, hiệu quả kinh tế cao, mang tính đột phá ở địa phương

Không dừng lại ở đó, trong năm 2018, đôi bạn thân lại táo bạo thuê tiếp 7.600 m 2 khu đất 5% của xã nằm ở xa cụm dân cư để mở rộng diện tích trồng các loại dưa. Lần này, mỗi bạn bỏ ra khoảng 270 triệu đồng để tiếp tục đầu tư sản xuất ra nông sản chất lượng cao.

Nhà màng 3.000 m 2 được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ Ixaen, đảm bảo cho cây trồng
sinh trưởng tốt nhất, hạn chế tối đa sâu bệnh, cho chất lượng quả sạch, an toàn
vệ sinh khi tiêu dùng. Ảnh: P. Quỳnh.

Do ở khá xa khu dân cư, nên chi phí kéo điện cũng tốn hơn (trên 7 triệu đồng), ngoài ra đôi bạn cũng phải đầu tư thêm 01 nhà cấp bốn lợp tôn 20 m 2 để trông nom, 01 nhà kho 15 m 2 để dụng cụ sản xuất và phân bón các loại, 01 bể chứa 8 khối nước, 01 giếng khoan và 01 nhà màng nhỏ chừng 15 m 2 để ươm giống.

Bởi nguồn vốn có hạn, nên ở khu đất mới thuê, Hiệp và Phi tập trung vào đầu tư nhà màng để trồng dưa trên diện tích 3.000 m 2 , phần còn lại cấy lúa và trồng một số cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài.

Khu nhà màng rộng 3.000 m 2 , được chia làm 3 lô rõ rệt, mỗi lô 1.000 m 2 : Lô 1, trồng dưa lê kim vương, cây leo phủ xanh kín giàn, đã cho đậu quả gần bằng ấm pha trà; lô 2, trồng dưa lê như ngọc, đang chuẩn bị vào giai đoạn thụ phấn; lô 3, đang làm đất khoảng nửa tháng nữa thì trồng cũng dưa lê kim vương.

Nhà màng trồng dưa theo công nghệ hiện đại của hai chàng trai trẻ nằm giữa cánh đồng
lúa của xã thuần nông. Ảnh: P. Quỳnh.

Tôi thắc mắc: Vì sao không trồng dưa đồng loạt, đại trà? Tạ Văn Hiệp phân tích: Một phần để rải vụ tránh mất mùa, mất giá và kịp thu hoạch tiêu thụ sản phẩm kẻo bị hỏng; nhưng cơ bản là để tiết kiệm chí phí nhân công, chỉ thuê nhân công khi thật cần thiết như lúc thụ phấn, hay vào mùa thu hoạch rộ, còn lại phải bỏ sức mình là chính. Tỷ lệ đậu quả của vụ dưa này cao hơn các vụ trước, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, cứ đà này đến năm 2021 chúng em sẽ đầu tư tiếp nhà màng bằng nguồn lợi do dưa mang lại, chuyển khoảng 2.000 m 2 trồng lúa sang trồng dưa – ánh mắt cương nghị, Hiệp quả quyết nói.

Được biết, ngày nào các bạn cũng miệt mài lao động trên những luống dưa từ rất sớm, đến tối khuya mới nghỉ. Hy vọng, ông trời sẽ không phụ công sớm hôm khuya tối vất vả lao động của các bạn.

Nhìn hệ thống nhà màng với khung sắt vững chãi, mái lợp màng ni lon ngăn được tia cực tím, tia UV nhưng vẫn đảm bảo truyền ánh sáng đạt trên 90%, bốn xung quanh cũng được che chắn bằng lưới ngăn côn trùng vô cùng kín đáo, những đường ống cao su hiện đại dẫn nước tưới nhỏ giọt đến từng luống, từng gốc cây, áp mái nhà màng là hệ thống béc phun sương… Tất cả được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ Israel, đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng tốt nhất, hạn chế tối đa sâu bệnh, cho chất lượng quả sạch, an toàn vệ sinh khi tiêu dùng. Có lẽ ai cũng phải thốt lên khâm phục tư duy táo bạo, làm ăn lớn và cả đức tính cần mẫn, chịu đựng gian khổ, dám hy sinh của đôi bạn trẻ.

Mùa quả ngọt. Ảnh: V.H.

Nhận xét về mô hình đầu tư nhà màng trồng dưa của Hiệp và Phi, Chủ tịch Trần Xuân Dưỡng tự hào nói: Đây là mô hình mới, cho hiệu quả kinh tế cao, mang tính đột phá và đi tiên phong trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

***

Nâng cao chất lượng và cung cấp sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng cũng là nguyên tắc mà đôi bạn trẻ ở đây hướng tới, dẫu cho con đường khởi nghiệp từ sản xuất nông nghiệp còn lắm chông gai, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, bấp bênh về thị trường tiêu thụ… nhưng cũng hứa hẹn nhiều thành công sẽ đến với hai chàng trai dám dấn thân đi trước mở đường ở vùng quê sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Phạm Quỳnh