Trả lời phỏng vấn của PV Hoàng Yến/VOV.VN tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thạch - Ủy viên Thường vụ Quận ủy Long Biên - Bí thư Đảng ủy phường Ngọc Lâm cho biết: "Do đã có sự chuẩn bị nên từ chiều qua chúng tôi đã huy động tối đa các lực lượng dân quân, bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, công an đi hiện trường để giải tỏa và khắc phục cây đổ. Theo báo cáo nhanh thì trên địa bàn phường Ngọc Lâm không thiệt hại về người, về tài sản thì chủ yếu là cây gã đổ, ước tính hơn 100 cây xanh".
PV Trọng Phú/VOV.VN cho biết, phố Lê Thái Tổ đoạn nhìn ra hồ Gươm nhiều cây to gãy đổ. Một mảng tường lớn của báo Nhân dân bị cây đổ làm hư hại nặng. Nhiều người dân tranh thủ ra chụp ảnh check in. Chị Bùi Lan Hương (53 tuổi, trú phố Chả Cá) cho biết, hơn 30 năm chị sống tại Hà Nội chưa thấy cơn bão nào to như lần này.
PV Duy Thái- VOV Đông Bắc thông tin, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ đêm qua đến sáng nay 8/9, khu vực thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn bị ngập lụt sâu. Nước sông Thương dâng cao, tràn vào nhà nhiều hộ dân trên địa bàn, gây thiệt hại về tài sản. Nhiều nhà dân ở khu vực trũng, thấp nước dâng cao đến đầu gối.
Tại khu vực nước ngập sâu, chảy xiết, chính quyền và lực lượng chức năng đã căng dây, cảnh báo và cắt cử người trực gác không cho người và phương tiện đi qua. Hiện toàn bộ khu vực thị trấn Đồng Mỏ vẫn đang ngập trong lũ và dự báo vẫn có khả năng ngập sâu thêm.
Cũng trong đêm, Công an huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện để kịp thời hỗ trợ đưa người dân, tài sản đến nơi an toàn. (Trong ảnh, clip Công an huyện Chi Lăng trắng đêm giúp người dân chạy lũ.
PV Đ. Hưng/VOV.VN tại Hà Nội cho biết, sau bão phố phường Hà Nội tan hoang cây cối đổ rạp. Dọc hai bên đường các tuyến phố Kim Ngưu, Thanh Nhàn cây cối bật gốc. Tường rào công viên Tuổi Trẻ Thủ đô đổ nghiêng. Phố Võ Thị Sáu phương tiện không thể lưu thông vì bị cây xanh, cột đèn đổ ngã chắn ngang toàn bộ đường. Lực lượng chức năng đang khẩn trương xử lý để giải toả sớm nhất.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua (7/9), sau khi đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 1 giờ ngày 8/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 9, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/h.
Ở Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; đảo Cồn Cỏ có gió giật cấp 7; đảo Hòn Dấu có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11-12; đảo Phú Quý có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; đảo Phú Quốc có gió giật cấp 7-8.
Dự báo, ngày và đêm 08/9, vịnh Bắc Bộ; vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, khu vực Nam Biển Đông, vùng từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn thành phố Hà Nội vừa có báo cáo nhanh về công tác triển khai ứng phó với bão số 3, theo đó tính từ 7h đến 19h ngày 7/9, trên địa bàn Thành phố có 1 người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy; 3 người bị thương ở quận Ba Đình, đã được đưa đi cấp cứu.
Về tình hình ngập úng, tại khu vực nội thành, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội: Đến thời điểm 19h ngày 7/9, trên địa bàn Thành phố không có điểm úng ngập.
Khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến thời điểm 19h ngày 7/9, mưa lớn làm cho 47 ha diện tích lúa, 26,5 ha rau màu bị ngập; 6.144,5 ha lúa, 15,93 ha rau màu bị đổ; 2,2 ha cây ăn quả bị thiệt hại.
Về tình hình cây đổ, cành gãy: theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến 19h có 2.455 cây đổ và 273 cành gãy. Có 5 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn, đổ 60m tường bao (thị xã Sơn Tây); 3 nhà bị tốc mái (quận Ba Đình); 20m tường nhà dân bị đổ (quận Bắc Từ Liêm); sập mái nhà cấp 4 (Quận Hai Bà Trưng); đổ 35m tường bao, sập đổ 1 bếp nhà dân, 1 nhà dân tốc mái tôn (huyện Ba Vì); 20m tường bao nhà dân bị đổ (huyện Chương Mỹ); khoảng 240 m tường bao bị đổ, 3 nhà tôn sập (huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Hoài Đức); thiệt hại 170 con gia cầm (huyện Ba Vì).
PV Hoàng Yến/VOV.VN tại Hà Nội cho biết, ngã tư phố Gia Quất với Ngọc Lâm, có một cây lớn bật gốc chắn hết đường đi. Dọc đường Ngọc Lâm lối vào và ra bến xe Gia Lâm cây đổ chắn ngang đường (chủ yếu là phượng) khiến taxi, xe buýt không thể lưu thông, xe máy phải leo lên vỉa hè để di chuyển.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu lực lượng chức năng sớm giải tỏa cây cối, vật cản gây ùn tắc tại các tuyến đường giao thông; đề nghị thành phố nói riêng, các địa phương trong tỉnh nói chung khẩn trương thống kê, rà soát thiệt hại do bão gây ra và khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại; hỗ trợ người dân lương thực, thực phẩm, bảo đảm đời sống trong thời gian tránh trú do mưa bão.
Các lực lượng chức năng, lực lượng vũ trang phối hợp các lực lượng tại chỗ của địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão gây ra, tổ chức cắt cây, di dời khỏi vị trí để bảo đảm giao thông thông suốt, ưu tiên các tuyến giao thông chính của tỉnh.
Tuy nhiên, ông Thận nhấn mạnh, việc khắc phục hậu quả do bão gây ra là hết sức cần thiết và khẩn trương, kịp thời nhưng quá trình triển khai thực hiện phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người cho lực lượng tham gia khắc phục hậu quả của bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Công ty Điện lực Thái Bình huy động tối đa nhân lực, phương tiện, thiết bị vật tư, nhân lực để nhanh chóng khôi phục cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất, phục vụ đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão.
PV Nguyên Nhung/VOV1 thông tin, đêm qua (7/9), trao đổi với báo chí về tình hình ứng phó với cơn bão số 3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo 30/30 Bí thư quận, huyện, thị ủy tiếp tục theo sát tình hình để bảo đảm an toàn cho dân.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội các quận, huyện, thị ủy, các cấp ủy tổ chức Đảng đã chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, về cơ bản thành phố vẫn bảo đảm tốt các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là giữ an toàn cho người dân. Đánh giá cao cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân đội, công an cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương chủ động triển khai từ sớm, từ xa các phương án phòng, chống bão số 3.
Về các nhiệm vụ trong những ngày tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, bão có thể suy yếu nhưng tình hình thời tiết do ảnh hưởng trong những ngày tới vẫn rất đáng lo ngại. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn sức khoẻ tính mạng của nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và nhà nước. Tập trung bảo vệ những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, những địa bàn xung yếu, những nơi có nguy cơ mất an toàn đối với người dân. Huy động sự vào cuộc của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, đoàn thể, nhất là đoàn viên thanh niên, phụ nữ quan tâm chăm sóc, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và các vận dụng thiết yếu khác khi cần thiết; quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, không để ai bị bỏ lại phía sau. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan duy trì nguồn cung hàng hóa không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến...
Các lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục các sự cố, hậu quả do bão gây ra để bảo đảm duy trì hoạt động thông suốt của hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc...; duy trì lực lượng ứng trực 24/24h hỗ trợ kịp thời đối với người dân và xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn thành phố.
Thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa, tại QL15, QL15C và QL16 đoạn qua địa bàn huyện Mường Lát và Quan Hóa xảy ra tình trạng sạt lở, nứt taluy âm, taluy dương. Cụ thể, do ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa lớn trên địa bản tỉnh Thanh Hóa, tại Km 20+850, QL16 phía trái tuyến qua xã Phú Thanh (huyện Quan Hóa) xuất hiện vết nứt taluy dương, có nguy cơ sạt lở. Chiều dài đoạn nứt khoảng 200m, cao khoảng 15-30m; bề rộng vết nứt khoảng 0,5m đến 1m.
Trong đó, tại Km 64+980 QL15C qua xã Trung Lý (huyện Mường Lát) xuất hiện vết nứt cung trượt chiều dài khoảng 30m. Tại Km 34+600 và Km 35+400 trên tuyến QL16 qua xã Mường Lý (huyện Mường Lát) xuất hiện vết nứt dài khoảng 35m.
Trước nguy cơ xảy ra thảm họa, đơn vị quản lý tuyến đường đã phối hợp với UBND xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa tuyên truyền, cảnh báo, có phương án đối với 12 hộ dân phía ta luy âm của vị trí trên ra khỏi nơi nguy hiểm.
Sở GTVT Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo đơn vị quản lý lắp đặt biển cảnh báo ở 2 đầu vị trí, căng dây an toàn, cử người trực gác 24/24h để theo dõi, hướng dẫn cho người và phương tiện giao thông khi đi qua.
Bão số 3 (bão Yagi) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 4h ngày 8/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 7, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/h.
Dự báo đến rạng sáng 9/9, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển trên đất liền đến khu vực Thượng Lào, cường độ còn dưới cấp 6.
Tuy nhiên, tác động của áp thấp nhiệt đới vẫn khiến cho trong ngày 8/9, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) còn có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh.
Trên đất liền, khu vực sâu trong đất liền Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Dự báo, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2,0m - 3,0m. Từ chiều 8/9 sóng giảm dần.
Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn. Khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa: từ sáng ngày 8/9 đến sáng ngày 9/9, có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Phía Tây Bắc Bộ: từ sáng ngày 8/9 đến sáng 9/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 350mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến 17h ngày 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3 đã có 4 người chết (Quảng Ninh ghi nhận 3 người, Hải Dương có 1 người) và 78 người khác bị thương (Quảng Ninh có 58 người, Hải Phòng ghi nhận 20 người).
Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, tính từ 7h đến 19h ngày 7/9, bão số 3 khiến 1 người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. Nạn nhân tên là Cáp Minh Công (sinh năm 2002, quê tại tỉnh Hưng Yên). 3 người bị thương ở quận Ba Đình, đã được đưa đi cấp cứu. 6 xe máy và 13 ô tô bị hư hỏng do bão.
Cục Hàng không Việt Nam vừa quyết định kéo dài thời gian ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tại Cảng HKQT Vân Đồn, Cát Bi và Nội Bài. Theo đó, thời gian ngừng tiếp thu tàu bay tại Cảng HKQT Vân Đồn, Cát Bi sẽ được kéo dài đến 20h ngày 7/9, tại Cảng HKQT Nội Bài đến 24h ngày 7/9.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã tiếp tục ra Công điện yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão, cũng như chủ động ứng phó cơn bão số 3 và khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão.
Thời gian ngừng tiếp thu tàu bay tại Cảng HKQT Vân Đồn, Cát Bi là đến 20h ngày 7/9, tại Cảng HKQT Nội Bài đến 24h ngày 7/9.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung, chỉ đạo của của Cục tại các công điện về việc triển khai phương án phòng chống, ứng phó cơn bão số 3 (bão Yagi).
Theo VOV