Trump nỗ lực xây dựng hàng rào “pháp lý”
Tổng thống Trump và các đồng minh đang thực hiện những bước đi ngày càng quyết liệt để đảo ngược kết quả bầu cử 2020, trong đó có việc triệu tập các nhà lập pháp tiểu bang đến Nhà Trắng, như một phần của nỗ lực dài hơi nhằm ngăn chặn chiến thắng của ông Biden trước cuộc bỏ phiếu đại cử tri ngày 14/12.
Ông Biden trong cuộc họp báo tại Delaware hôm 19/11. Ảnh: AFP.
Chiến thuật của ông Trump bao gồm liên hệ riêng với các quan chức bầu cử địa phương nhằm ngăn chặn việc xác nhận kết quả kiểm phiếu tại bang Michigan, tìm cách đệ trình lại những cáo buộc mà họ đã rút lại và yêu cầu tòa án ở Pennsylvania tuyên bố ông là người chiến thắng ở bang này, gây sức ép buộc các quan chức tại Arizona trì hoãn xác nhận kết quả bỏ phiếu.
Các chuyên gia về luật bầu cử coi đây là nỗ lực cuối cùng đầy tuyệt vọng của đội ngũ ông Trump nhằm thách thức kết quả bầu cử. Một số ý kiến lo ngại nỗ lực này có thể gây suy yếu niềm tin của công chúng vào tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử tại Mỹ.
Ông Joshua Douglas – giáo sư luật tại Đại học Kentucky nhận xét: “Điều đáng lo ngại là một số thành viên đảng Cộng hòa không chấp nhận việc họ đã thua trong cuộc bầu cử này một cách hợp pháp. Chúng tôi luôn dựa vào những chuẩn mực dân chủ để định hướng cho hành động của mình, trong đó có cả việc người thua cuộc sẽ chấp nhận thất bại với thái độ hợp tác. Nhưng lần này, điều đó đang bị phá vỡ”.
Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng của Bộ An ninh Nội địa Mỹ tuyên bố rằng cuộc bầu cử năm nay là cuộc bầu cử an toàn nhất trong lịch sử. Chỉ vài ngày sau khi tuyên bố được ban hành, ông Trump sa thải lãnh đạo của cơ quan này.
Theo giới phân tích, những bước đi nói trên khó giúp ông Trump có được cơ hội thay đổi kết quả cuộc bầu cử 2020 khi mà ông Biden nhận được số phiếu phổ thông cao hơn bất cứ ứng viên tổng thống nào trong lịch sử và giành được hơn mức tối thiểu 270 phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống. Nhưng việc ông Trump liên tiếp đưa ra các cáo buộc gian lận bầu cử, tuyên bố theo đuổi đến cùng các vụ kiện, không chấp nhận thất bại và từ chối chuyển giao quyền lực có thể gây ra những tác động tiêu cực. Justin Levitt – một học giả tại Trường Luật Loyola cho biết: “Nỗ lực của tổng thống Trump là nhằm thiết lập các điều kiện để một nửa đất nước tin rằng chỉ có hai khả năng xảy ra, hoặc họ chiến thắng hoặc cuộc bầu cử đã bị đánh cắp”.
Sau khi một loạt đơn kiện tại nhiều bang bị bác bỏ, đội ngũ của ông Trump đã thay đổi chiến lược thách thức kết quả bầu cử, tập trung thuyết phục giới lập pháp Đảng Cộng hòa ở một số bang chiến địa can thiệp thay ông. Một số đồng minh của Tổng thống Trump khuyên ông nên thuyết phục cơ quan lập pháp do phe Cộng hòa kiểm soát ở bang Michigan bác bỏ kết quả kiểm phiếu phố thông tại bang này. Theo AP, ông Trump đã mời Lãnh đạo Đa số Thượng viện của bang Michigan, ông Mike Shirkey và Chủ tịch Hạ viện bang ông Lee Chatfield đến Nhà Trắng và cả hai nhân vật này đều đồng ý.
Trước đó hôm 19/11 luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani và một số nhân vật khác đã tổ chức một cuộc họp báo, cáo buộc đảng Dân chủ đang thực hiện âm mưu “đánh cắp” cuộc bầu cử, đồng thời tỏ ra nghi ngờ về hoạt động của các máy kiểm phiếu bất chấp việc các quan chức bầu cử trên khắp nước Mỹ đã nhiều khẳng định không có gian lận trên diện rộng.
Chiến lược phản đòn của Biden
Trong một cuộc họp báo tại Wilmington, Delaware hôm qua (19/11), ông Biden cho biết, người Mỹ đang “chứng kiến sự vô trách nhiệm một cách đáng kinh ngạc và những thông điệp vô cùng nguy hại đang được gửi đến phần còn lại của thế giới”.
“Thật khó để hiểu ông ấy đang nghĩ gì. Tôi tin rằng ông ấy biết rõ mình đã không thắng sẽ không thể chiến thắng. Chúng tôi sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021”.
Joe Biden nhấn mạnh, ông không có kế hoạch thực thi bất cứ động thái pháp lý nào để đáp trả những bước đi mới nhất của ông Trump, nhưng cũng không loại trừ việc có hành động chống lại Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) một ngày không xa để buộc cơ quan này phải phê chuẩn quá trình chuyển giao quyền lực. Theo yêu cầu của ông Trump, GSA đã từ chối thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép chính quyền tiền nhiệm chuyển giao quyền lực chính quyền kế nhiệm, thậm chí ngăn ông Biden tham gia các cuộc họp giao ban về thông tin tình báo và đại dịch Covid-19 hàng ngày.
Các chiến lược gia và các quan chức bầu cử của đảng Dân chủ phần lớn đều ủng hộ chiến lược của ông Biden tránh đối đầu trực tiếp với các nỗ lực của ông Trump nhằm đẩy mạnh các vụ kiện về hành vi gian lận bầu cử. Thay vì đó, ông Biden đã khắc họa những thách thức mà ông Trump tạo ra giống như động thái nhằm khơi mào cho cuộc khủng hoảng quốc gia, tương tự cách thức đội ngũ của ông đối phó với chiến thuật gây bất lợi của ông Trump trong chiến dịch tranh cử.
Đội ngũ của ông Biden cũng tích cực tiếp cận và ủng hộ các nhân vật thân thiết với đảng Cộng hòa từng lên tiếng kêu gọi ông Trump chấp nhận kết quả bầu cử. Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ, ông Tom Donohue – một đồng minh thân cận của đảng Cộng hòa hôm 19/11 đã gọi ông Biden là “tổng thống đắc cử” và cho rằng ông Trump “không nền trì hoãn quá trình chuyển giao quyền lực”. Còn Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia đã kêu gọi chính quyền ông Trump “hợp tác với Tổng thống đắc cử Biden và đội ngũ của ông”.
Theo Washington Post, vị thế của Joe Biden hiện giờ đã gia tăng khi ông được dự đoán sẽ nắm trong tay 306 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử. Các cố vấn của ông Biden tin tưởng, kết quả bầu cử sẽ ổn định và bất cứ nỗ lực nào của ông Trump nhằm trì hoãn việc xác nhận kết quả kiểm phiếu cũng sẽ bị các tòa án liên bang bác bỏ vì vi phạm các thủ tục tố tụng và quyền bỏ phiếu. Với niềm tin tưởng mạnh mẽ như vậy, họ kết luận rằng việc thực thi hành động để đối phó trực tiếp với những lời cáo buộc “vô căn cứ” của ông Trump về gian lận bầu cử sẽ không mang lại lợi ích gì và họ cần phải dồn sức cho những công việc khác quan trọng hơn.
Ben LaBolt, người từng là thư ký báo chí cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Barack Obama năm 2012 đánh giá: “Ông Biden đang tập trung vào đúng những công việc ông ấy cần làm, đó là sắp xếp nhân sự cho chính quyền và vạch ra kế hoạch điều hành chính phủ mới”.
Bên trong đội ngũ ông Joe Biden, nỗ lực đối phó với Tổng thống Trump hiện giờ đã giảm bớt và công việc này được giao phó cho một số nhân viên từng phụ trách chiến dịch tranh cử. Mike Gwin – người phát ngôn của đội ngũ tranh cử của ông Joe Biden hôm 19/11 lên án cuộc họp báo do đội ngũ pháp lý của ông Trump tổ chức tại trụ sở của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, trong đó có cả sự tham gia của cựu thị trưởng thành phố New York Rudolph W. Giuliani.
“Cuộc họp báo cũng như sự xuất hiện của ông W. Giuliani đã phơi bày sự vô lý trong các cáo buộc gian lận bầu cử thiếu căn cứ của ông Trump. Nhiều tòa án, các quan chức bầu cử của hai đảng phái, thậm chí là các quan chức trong chính quyền ông Trump đều khẳng định rằng những cáo buộc gian lận bầu cử là điều hoàn toàn sai sự thật. Trên thực tế, nhiều luật sư của ông Trump cũng thừa nhận điều này trong các tài liệu giao nộp cho tòa án”.
Mặc dù nhiều đơn kiện của ông Trump bị bác bỏ nhưng đội ngũ của ông Biden vẫn yêu cầu các nhóm pháp lý theo dõi tất cả những thách thức đang diễn ra, trong đó có việc kiểm phiếu lại tại bang Wisconsin khi Ủy ban bầu cử của ban này ngày 19/11 ra lệnh xem xét lại hơn 800.000 phiếu bầu ở hai hạt mà ông Biden đã giành chiến thắng áp đảo. Chiến dịch của ông Biden tin rằng việc kiểm phiếu lại sẽ không làm thay đổi kết quả bởi ông Biden hơn ông Trump gần 21.000 phiếu bầu.
Hồi đầu tháng này, chỉ 3 ngày sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông Biden cho biết việc Tổng thống Trump có thừa nhận thất bại hay không sẽ không phải là vấn đề đối với ông. Ông Biden nhấn mạnh: “Sự thật là họ sẽ không chịu thừa nhận chúng tôi đã chiến thắng. Nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch của chúng tôi và những gì chúng tôi có thể làm từ nay cho đến ngày 20/1/2021”.
Thay vì tập trung đối phó với cuộc chiến pháp lý của ông Trump, ông Biden đang thúc đẩy các cuộc thảo luận về nỗ lực của lưỡng đảng nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế. Ông cho rằng, điều tốt nhất cho đất nước và nhiệm kỳ tổng thống của ông là cố gắng hợp tác chặt chẽ với các thành viên của đảng Cộng hòa tại Thượng viện. Trong khi đề cập khả năng có hành động pháp lý để buộc chính quyền ông Trump chấp nhận chuyển giao quyền lực, ông Biden nhấn mạnh, sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng sự đồng thuận trong nước và thuyết phục các nghị sỹ Cộng hòa rằng ông nên được công nhận là tổng thống đắc cử./.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo Washington Post, AP