TNV - Thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2020), 75 năm ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) (05/9/1945 - 05/9/2020), 75 năm ngày Bình dân học vụ (08/9/1945 - 08/9/2020), dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày: “Chắp cánh ước mơ”.
Trưng bày gồm 3 phần: Ký ức mùa khai trường, Biến Nhà tù thành trường học cách mạng và Xây đắp những ước mơ.
Phần 1: “KÝ ỨC MÙA KHAI TRƯỜNG”
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng tháng Tám đã tạo dựng một nền giáo dục mới, khác hẳn về bản chất nền giáo dục nô dịch của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Nền giáo dục mới, thấm đậm chủ nghĩa nhân văn cao cả, tôn trọng con người, vì con người và cho con người, nhằm phát triển con người một cách toàn diện” . Ngày 05/9/1945, Người gửi thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên. Để diệt “giặc dốt”, ngày 08/9/1945, Người ban hành các sắc lệnh về phát triển Bình dân học vụ.
Toàn cảnh Nhà tù Hỏa Lò
Phong trào học tập diễn ra sôi nổi với phương châm: con không biết thì học cha, ông không biết thì học cháu; người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người không biết. Sau 1 năm (1946) đã tổ chức 74.957 lớp học với 95.665 giáo viên, xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người.
Hưởng niềm vui độc lập chưa được bao lâu, dân tộc Việt Nam lại bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ: vượt qua gian khó, nhiều trường, lớp vẫn được mở ở Chiến khu Việt Bắc; vượt qua mưa bom hủy diệt, các thầy cô giáo vẫn say sưa giảng dạy cho học sinh ở nơi sơ tán.
Phần 2: BIẾN NHÀ TÙ THÀNH TRƯỜNG HỌC CÁCH MẠNG
Từ buổi đầu xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã thi hành những chính sách văn hóa lạc hậu để phục vụ cho việc khai thác thuộc địa. Nhà tù được xây dựng nhiều hơn trường học, thẳng tay đàn áp các phong trào cách mạng trên cả nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng nghìn thanh niên đã “xếp bút nghiên lên đường ra trận”.
Trên chặng đường đấu tranh ấy, nhiều chiến sĩ đã bị địch bắt, giam tại nhiều nhà tù. Trong chốn địa ngục trần gian, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, các lớp học đã được mở ra: “Trường học sau song sắt” tại Nhà tù Hỏa Lò, “Trường học giữa núi rừng” ở Nhà tù Sơn La, “Trường học giữa biển khơi” ở Nhà tù Côn Đảo, “Trường học trên cát” tại Trại giam tù binh Phú Quốc... đã góp phần cổ vũ tinh thần, biến nhà tù thành trường học, nơi tôi luyện lý tưởng cho các chiến sĩ cách mạng.
Những người tù đã chuẩn bị cho mình hành trang tri thức để sau khi được tự do tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Thành công của cách mạng tháng Tám năm 1945 có sự đóng góp không nhỏ của các chiến sĩ cách mạng từng học tập tại các lớp học trong lao tù.
Phần 3: XÂY ĐẮP NHỮNG ƯỚC MƠ
Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phẩn lớn ở công học tập của các em”.
Cặp của Đồng chí Đặng Việt Châu, Cố vấn cấp cao của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng
sử dụng khi tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V
Chiến tranh qua đi, đất nước chuyển mình, tiến bước trên con đường đổi mới. Nhưng ở một số vùng miền, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo, ước mơ được đến trường còn dang dở.
Qua những câu chuyện được thể hiện trong trưng bày, xin dành một khoảng lặng để nhớ đến sự hy sinh của bao thế hệ cha anh, những người luôn khát khao học tập, kiên cường chiến đấu để bảo vệ và dựng xây đất nước; xin dành sự trân trọng, biết ơn công lao của các thầy cô giáo - những người mài ngọc cho đời và tiếp thêm động lực, niềm tin về tương lai cho biết bao thế hệ học sinh. Thông qua những câu chuyện ấy, sẽ tiếp thêm niềm khát khao học tập và học tập suốt đời, góp phần lan tỏa hơn nữa đến cộng đồng những tấm lòng biết sẻ chia và giàu lòng nhân ái.
Đài bán dẫn của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười sử dụng nghe tin tức, năm 1991 - 1997.
Dành thời gian đến với “Chắp cánh ước mơ”, du khách sẽ ngạc nhiên trước hình ảnh của các lớp học đặc biệt với tường cao, song sắt lạnh lẽo; những lớp học với nhà tranh, mái lá đơn sơ; hay những lớp học trong không gian bệnh viện. Đặc biệt, từ những bức tranh của các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổ hợp thiết kế tạo hình những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc, mang ý nghĩa thắp lên niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng, thể hiện tinh thần lạc quan, ước muốn chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo.
Những tài liệu, hiện vật của các chiến sĩ cách mạng từng học tập trong tù và trong quá trình đấu tranh cách mạng sau khi được trả tự do cũng được giới thiệu đến đông đảo công chúng, như: Sách - Đồng chí Trần Hữu Thỏa (Nguyễn Tiến Hà) sử dụng để dạy học trong thời gian bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1951 - 1952; Bi đông - Đồng chí Nguyễn Văn Chiển, thầy giáo lớp học trên cát tại Trại giam Phú Quốc được cấp sau khi trao trả ở bãi Nhan Biều bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, ngày 26/3/1973; Thẻ số tù - Nhà tù Trung ương Hà Nội (Nhà tù Hỏa Lò) cấp cho đồng chí Dương Tự Minh, học sinh kháng chiến bị thực dân Pháp bắt, giam trong Nhà tù Hỏa Lò, năm 1952 - 1953…
Trưng bày khai mạc sẽ diễn ra ngày 28/8/2020 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hải Hà