Tham dự lễ khai mạc trưng bày có các bác lão thành cách mạng, các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, Trại giam tù binh Phú Quốc, các cựu học sinh kháng chiến Hà Nội giai đoạn 1947 - 1954, cựu đội viên Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt và đại diện gia đình các liệt sỹ, các nhân chứng lịch sử...
Trưng bày được thể hiện qua 3 nội dung: Tuổi xanh nơi ngục lửa, Ngọn lửa Thành đồng, Ký ức không phai .
Tuổi xanh nơi ngục lửa
Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946), tại Hà Nội, hàng nghìn học sinh, sinh viên đã hợp sức tạo nên phong trào đấu tranh sôi nổi. Nhiều thanh thiếu niên tham gia Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt thuộc Trạm giao thông Công an quận 6 và âm thầm lập nên những chiến công xuất sắc. Những đóng góp của lớp lớp thanh thiếu niên và học sinh, sinh viên kháng chiến đã góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.
Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt được thành lập và hoạt động từ ngày 19/12/1946 đến giữa năm 1948. Đội có khoảng 40 thành viên trong độ tuổi từ 12 - 17. Các đội viên đã dũng cảm, mưu trí tham gia: mở đường bí mật cho lực lượng của ta trở lại Hà Nội, chuyển thư và tài liệu, rải truyền đơn, dẫn đường cho Công an quận 6 trừng trị những tên tay sai đắc lực của địch… Trong quá trình hoạt động, nhiều đội viên bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, các “chiến sỹ” trẻ tuổi vẫn can trường đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc, tham gia vượt ngục để trở về với cách mạng.
Sống trong ách kìm kẹp của thực dân Pháp, những học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội vẫn chung sức, đồng lòng, làm dấy lên một phong trào đấu tranh sôi nổi với nhiều hình thức như: bãi khóa, tổ chức lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn bị địch sát hại, biểu diễn văn nghệ cổ vũ lòng yêu nước… Thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, nhiều cán bộ, học sinh, sinh viên kháng chiến đã anh dũng hy sinh như: đồng chí Phạm Hướng, Nguyễn Sỹ Vân, Nguyễn Trọng Quang, Nguyễn Văn Khâm, Trịnh Khắc Dụng… Nhiều học sinh bị địch bắt, tra tấn và giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Ở nơi “địa ngục trần gian”, noi gương cha anh, các tù nhân trẻ tuổi vẫn hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh và tổ chức các lớp học văn hóa trong trại giam.
Ngọn lửa Thành đồng
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuổi trẻ miền Nam - nơi Thành đồng Tổ quốc hăng hái dấn thân vào cuộc đấu tranh ác liệt, chống địch khủng bố, đòi hòa bình với nhiều hình thức như: bãi khóa, biểu tình, “Hát cho đồng bào tôi nghe”... Những hoạt động đó không những lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia mà còn tăng cường sức mạnh cho cách mạng miền Nam. Khi bị địch bắt, giam trong các nhà tù, nhiều học sinh, sinh viên vẫn bất khuất đấu tranh, giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết thanh xuân.
Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt do chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập đầu năm 1971 nhằm cách ly, đàn áp các thiếu niên, nhi đồng có cảm tình với cách mạng và công cuộc giải phóng miền Nam. Từ năm 1971 cho đến khi giải thể (1973), Nhà lao giam hơn 600 tù nhân từ 12 - 17 tuổi được tập trung từ khắp miền Nam.
Tại nhà lao, địch dùng nhiều thủ đoạn để dụ dỗ, mua chuộc các tù nhân nhỏ tuổi nhưng khi kế hoạch thất bại, các thiếu niên đã phải chịu nhiều cực hình khắc nghiệt như: nhốt vào hầm đá để phơi sương, phơi nắng, nhốt vào xà lim biệt giam, cứ đêm đến, địch lại dội nước lạnh vào người… Vượt lên đòn thù tàn khốc, các tù nhân nhỏ tuổi vẫn đấu tranh dũng cảm, quyết liệt.
Nhiều thiếu niên sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang như đồng chí Mai Thanh Minh (Mai Bốn). Đồng chí tham gia cách mạng năm 12 tuổi; năm 14 tuổi bị địch bắt, kết án 10 năm tù khổ sai. Tại phiên tòa, khi kẻ địch đưa luật sư đến bào chữa, đồng chí đã phản đối mạnh mẽ: “ Tôi đề nghị luật sư hãy biện hộ cho những người xét xử, còn tôi thì không cần ” . Sau đó, đồng chí bị giam ở nhiều nhà lao như: Kho Đạn, Côn Đảo, Chí Hòa và Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, đồng chí là một trong những người đi đầu trong các phong trào đấu tranh chống chào cờ địch, diệt ác...
Khát khao trở về với cách mạng, các thiếu niên tổ chức vượt ngục nhiều lần nhưng thành công nhất là cuộc vượt ngục đầy táo bạo của 13 tù nhân vào đêm mùng 7 rạng sáng ngày 8/5/1973. Trên trần nhà, để ngăn chặn tù nhân trốn thoát, địch cho chăng dây kẽm gai nối với hệ thống điện cao thế. Để vượt ngục, theo phân công, một tù nhân đã đục trần và trèo lên nóc nhà trước, những người còn lại thì xé áo quần để buộc vào chân, tay nhằm cách điện, rồi dỡ ngói và công kênh nhau trèo lên nóc nhà. Tại đây, áo quần lại được tháo ra, kết thành dây để từng người bám vào, thay nhau leo xuống... Mười ba đợt di chuyển của 13 tù nhân kết thúc vào rạng sáng ngày hôm sau. Sau khi vượt ngục, 2 tù nhân lạc đường bị địch bắt lại, 11 người được cơ sở nuôi giấu và tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.
Ký ức không phai
Sau khi thoát khỏi ngục tù, các thanh thiếu niên lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, đóng góp công sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Chiến tranh đã lùi xa, một thời kỳ đấu tranh kiên cường và những năm tháng bị địch bắt, tù đày đã trở thành ký ức không thể lãng quên. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ trẻ tuổi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc, là tấm gương cho thế hệ trẻ ngày nay tiến bước đi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với những chiến công, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, năm 2009, Tập thể cựu tù yêu nước Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; tháng 12/2012, Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Để ôn lại truyền thống, tri ân những học sinh, sinh viên đã anh dũng hy sinh, Ban liên lạc học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội (1947 - 1954) đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động: tưởng niệm liệt sỹ Phạm Hướng; phối hợp tìm kiếm, đưa hài cốt liệt sỹ Nguyễn Sỹ Vân về quê hương; thăm viếng mộ liệt sỹ Trịnh Khắc Dụng; tổ chức họp mặt truyền thống, giao lưu với nhân chứng lịch sử, thăm lại Di tích Nhà tù Hỏa Lò...
Trưng bày chuyên đề “Mầm xanh trên đá” là khúc ca tuổi trẻ, là lời tri ân sâu sắc những thanh thiếu niên đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Trưng bày góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, để thế hệ trẻ hôm nay càng thêm “giữ lửa truyền thống - tiếp bước tương lai”, góp phần dựng xây Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Một số hình ảnh tại Trưng bày:
Hải Hà