Trưng bày, trao tặng hiện vật và giao lưu với chủ đề “Tình yêu qua chiến tranh”

Thứ sáu, 22/07/2022 - 14:29

TNV - Nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022), sáng ngày 22/7 tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB “Trái tim người lính” , Hội Nữ Chiến sĩ Trường Sơn và Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức sự kiện trưng bày, trao tặng hiện vật và giao lưu nhân chứng lịch sử mang chủ đề “Tình yêu qua chiến tranh”.

Sự kiện là lời tri ân tới những người lính đã cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu và cả hạnh phúc cá nhân cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh”

“Chiến tranh”- hai từ khi nhắc đến gợi cho chúng ta bao hình dung về sự tàn khốc, ác liệt và chia ly. Với thế hệ đã tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam, đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc thì sức mạnh để vượt qua những năm tháng đau thương, mất mát đó chính là lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu Tổ quốc và tình yêu lứa đôi trong sáng, thiêng liêng. Họ đã viết nên những mối tình đi cùng năm tháng để mỗi khi nhắc lại, chúng ta lại càng trân trọng, thêm tin vào tình yêu và những điều đẹp đẽ trong cuộc sống.

Tại sự kiện, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ giới thiệu tới công chúng Triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh” gồm 12 câu chuyện thông qua những lá thư, hình ảnh và nhật ký - đây chính là kỷ vật của những mối tình trong bom đạn, xa cách và chia ly. Đó là câu chuyện tình của nữ cảm tử quân Nguyễn Thị Bích Thảo và người đồng chí Đỗ Đình Sửu.Đám cưới đặc biệt trên tháp pháo xe tăng của GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Toản và Trung tướng Cao Văn Khánh; tình yêu kết tinh thành những ca khúc đi cùng năm tháng của vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn; câu chuyện nghĩa vợ tình chồng của nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hương và nhà văn Vũ Tú Nam hay câu chuyện tình yêu của cô y tá Trần Thị Kính và chiến sỹ Nguyễn Văn Đạo với lá thư đến muộn sau 31 năm vẫn còn nhiều day dứt… Đây chỉ là một số trong hàng ngàn, hàng vạn những câu chuyện tình yêu thời chiến mà khi nhắc đến trái tim ta vẫn nghẹn ngào, thổn thức xen lẫn niềm tự hào, khâm phục và cả những tiếc nuối khôn nguôi.

Trao tặng hiện vật và giao lưu chủ đề “Tình yêu qua chiến tranh”

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, khách mời sẽ được giao lưu trực tiếp vớinhân vật trong triển lãm và đại diện đến từ Đội nữ chiến sĩ Trường Sơn và một số nhân chứng lịch sử là Thương binh, thân nhân Liệt sĩ tiêu biểu đến từ nhiều vùng miền trên cả nước, là thành viên của CLB “Trái tim Người lính”. Đây là cơ hội để công chúng gặp gỡ những nhân chứng sống, để lắng nghe những câu chuyện của một thời “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”.

Kéo dài thêm thời gian Cuộc vận động Viết và Sưu tầm kỷ vật mang tên “Tình yêu đi qua chiến tranh”

Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, CLB“Trái tim người lính” sẽ tặng một số cuốn sách mới xuất bản cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam: “ Trái tim Người lính Miền Trung – Tây Nguyên ” (Tập ký và tư liệu của nhiều tác giả, NXB Thanh niên, năm 2022) và “ Những lá thư tình đi qua chiến tranh ” (Tập thư thời chiến của liệt sĩ Trần Minh Tiến, 1945 – 1968; NXB Thông tin và Truyền thông, 2021). Đây là kết quả bước đầu của Cuộc vận động Viết và Sưu tầm kỷ vật mang tên “Tình yêu đi qua chiến tranh” CLB “Trái tim Người lính” phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức.

Theo dự kiến ban đầu, Cuộc vận động Viết và Sưu tầm kỷ vật mang tên “Tình yêu đi qua chiến tranh” sẽ được tổng kết vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua đã hạn chế rất nhiều các hoạt động cộng đồng, nên Ban Tổ chức đã quyết định kéo dài thêm thời gian 3 năm, cuộc vận động sẽ được tổng kết và trao thưởng vào năm 2025.Cụ thể nội dung Cuộc vận động Viết và Sưu tầm kỷ vật mang tên “Tình yêu đi qua chiến tranh” bao gồm:

Các kỷ vật, thư, nhật ký, hình ảnh… sưu tầm, hoặc hiến tặng phải đáp ứng được yêu cầu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; sẽ được tiếp nhận, lưu giữ, bảo quản lâu dài, khai thác phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền và phát huy giá trị.

Cuộc thi viết và kể chuyện “Tình yêu đi qua chiến tranh” chỉ chấp nhận các thể loại: Bút ký, ký sự; ghi chép; kỉ niệm sâu sắc;… nhưng phải là người thật, việc thật (không hư cấu). Dung lượng mỗi bài viết không quá 3.000 chữ, kèm ảnh nhân vật, sự kiện hoặc clip kể chuyện (dài không quá 30 phút).

Địa chỉ nhận và đăng tải bài, clip: Nhóm facebook TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH. Tác giả cần ghi rõ (Tác phẩm dự thi “Tình yêu đi qua chiến tranh”) dướt tít bài.Những bài dự thi có chất lượng tốt cũng sẽ được Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam và Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển giới thiệu cùng bạn đọc.

Những bài viết hay nhất về “Tình yêu đi qua chiến tranh” sẽ được biên soạn vào tủ sách nhiều tập, mang tên "Trái tim người lính". Những lá thư và nhật ký được viết trong kháng chiến, bảo vệ chủ quyền biên giới và biển đảo của Tổ quốc, sẽ được tuyển chọn, bổ sung vào những tập tiếp theo của bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam” do nhà văn Đặng Vương Hưng chủ biên.

Ban Tổ chức sẽ trao 01 Giải Nhất 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) và nhiều phần thưởng có giá trị khi tổng kết cuộc vận động.

Triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh” được giới thiệu tới công chúng từ ngày 22/7/2022 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Dưới đây là một số câu chuyện từ Triển lãm và các khách mời giao lưu, Tạp chí Thanh niên xin chia sẻ cùng độc giả:

Bên tình, bên hiếu - Câu chuyện tình yêu của nữ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn Nguyễn Thị Hồng Nhãn và chiến sĩ lái xe Nguyễn Mạnh Cường

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn và ông Nguyễn Mạnh Cường còn trẻ

Năm 1972 trong một lần đi công tác bị sức ép của bom hắt xuống ngầm bất tỉnh, bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn được một đồng chí lái xe đưa đến bệnh viện cấp cứu. 10 ngày sau tỉnh lại bà biết mình đã thoát chết, muốn gặp đồng chí lái xe để cảm ơn nhưng không biết đồng chí đó tên gì, ở đơn vị nào. Năm 1973 khi chuyển sang đơn vị xe bà bất ngờ gặp lại đồng chí lái xe đã cứu sống mình một năm về trước đó là ông Bùi Mạnh Cường, quê Thái Bình.

Cùng làm việc trong một đơn vị, thấy bà Nhãn là một người cán bộ luôn nhiệt tình, hết lòng với công việc nhưng lúc nào cũng có tâm trạng buồn nên ông Cường đã để ý tìm hiểu. Chính vì dành sự quan tâm nhiều đến bà Nhãn mà ông đã đem lòng yêu bà. Bà Nhãn đã từ chối tình cảm đó một phần vì hoàn cảnh gia đình ở quê hương đang gặp chuyện éo le, một phần vì bà Nhãn vẫn nặng lòng với mối tình đầu. Bà Nhãn coi ông Cường như một người đồng chí mặc dù ông dành sự quan tâm đặc biệt tới bà. Mãi đến năm 1974, sau một trận ốm, cảm động trước tấm chân tình của ông Cường bà đã nhận lời yêu ông.

Năm 1975 sau khi đất nước thống nhất, bà Nhãn giải ngũ về quê. Ông Cường đã tặng bà tấm ảnh chân dung nhỏ của mình để làm kỷ niệm và cũng ngầm khẳng định ông sẽ tìm về quê hương bà Nhãn và ông bà sẽ đi đến hôn nhân. Chuyện tình cảm của bà đã bị mẹ bà ngăn cản bởi bà không muốn con gái lấy chồng xa, bà sợ rằng “Con gái mà lấy chồng xa. Một là mất giỗ, hai là mất con”. Vậy là giữa bên tình và bên hiếu, bà Nhãn đã lựa chọn làm tròn chữ hiếu. Tuy hai người không đến được với nhau nhưng họ mãi giữ những kỷ niệm tốt đẹp về nhau.

Mối tình không tuổi - Câu chuyện tình yêu của bà Vũ Thị Lui và Liệt sĩ Trần Minh Tiến

Bà Vũ Thị Lui và ông Trần Minh Tiến thời trẻ

Bà Vũ Thị Lui và ông Trần Minh Tiến có một tình yêu phát triển từ tình bạn học cùng trường phổ thông. Bị gia đình ngăn cản vì “không môn đăng hậu đối” nhưng họ vẫn vượt qua và chính thức yêu nhau từ năm 1963, khi Minh Tiến lên đường nhập ngũ.

Gần 5 năm, từ lúc nhận lời yêu đến khi ông Minh Tiến hy sinh ngày 01/6/1968, họ chỉ gặp nhau không quá 20 lần. Mối tình đó có nhiều cung bậc cảm xúc, có cả lý tưởng, triết lý sống của thế hệ thanh niên trong cuộc chiến tranh giữ nước, họ sẵn sàng gạt tình riêng vì sự nghiệp lớn của dân tộc. Có tinh thần thi đua giữa hậu phương và tiền tuyến, có sự ý thức, trách nhiệm làm tròn bổn phận của người hậu phương để an lòng người ra trận…Có những ước mơ về tình yêu, hạnh phúc bình dị, lời hẹn ước và cả những vật đính ước họ tặng cho nhau: ông tặng bà chiếc nhẫn do chính tay mình làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ, còn bà tặng ông chiếc khăn tay trắng có thêu bông hoa hồng màu tím. Họ đã mật ước với nhau rằng nếu bà nhận được chiếc khăn tay do đồng đội trao lại, nghĩa là ông đã hy sinh và bà đi lấy chồng.

Bức ảnh chân dung của bà Vũ Thị Lui

Ông Tiến hy sinh, thời gian trôi, bà Lui cũng đã có một gia đình yên ấm hạnh phúc với người chồng là một cựu chiến binh đã yêu thương bà và vô cùng trân trọng mối tình đầu của bà với người liệt sĩ. Tình yêu ấy càng trọn vẹn hơn khi ròng rã suốt 8 năm từ năm 2000, khi con cái đã khôn lớn, sau 51 chuyến đi từ Hà Nội vào Quảng Trị, bà Lui đã tìm thấy nơi liệt sỹ Tiến ngã xuống và đưa hài cốt của ông về an táng tại nghĩa trang Đường 9, thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Cho đến nay, ông Tiến đã như một thành viên đang sống và không thể thiếu trong gia đình bà.

Nguồn cảm hứng của bài hát “Lời người ra đi” - Câu chuyện tình yêu của nhạc sĩ Trần Hoàn và bà Thanh Hồng

Trần Hoàn là một nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam những năm chống Mỹ cứu nước, Thanh Hồng là người con gái xinh đẹp và giỏi giang đất Nghệ An, từ nhỏ đã tham gia cách mạng và hoạt động trong Hội phụ nữ, sau này bà chuyển sang ngành giáo dục. Họ gặp nhau và trở thành vợ chồng vào năm 1950. Cũng như bao cặp vợ chồng trí thức thời chiến tranh họ luôn luôn trong hoàn cảnh xa cách. Cưới nhau năm 1950 nhưng phải đến sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước gia đình mới chính thức được đoàn tụ. Vì vậy những cánh thư và những trang nhật ký là phương tiện duy nhất lúc đó để họ gửi gắm tình cảm và liên lạc với người bạn đời của mình. Tình yêu đã giúp nhạc sĩ Trần Hoàn có nhiều động lực trong công tác và là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác nhiều bản nhạc nổi tiếng trong đó đặc biệt là bài “Lời người ra đi”.

Nhạc sĩ Trần Hoàn và bà Thanh Hồng

Chuyện tình vợ chồng nhà văn, nhà báo Câu chuyện tình yêu của vợ chồng nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hương và nhà văn Vũ Tú Nam.

Thanh Hương và Vũ Tú Nam biết mặt nhau từ năm 1948 khi đó bà Hương là một cán bộ phụ nữ trẻ của Liên khu IV tới Tiểu đoàn ông Nam để diễn thuyết, động viên bộ đội đi giết giặc, thi đua với hậu phương. Với gương mặt tròn, nước da trắng, đôi mắt sáng và tóc xõa ngang vai, cái đầu nghiêng nghiêng khi nói, cách nói nhanh và hấp dẫn nên đã thu hút được sự chú ý của tất cả các chàng trai trong đơn vị trong đó có chàng trai tên Tú Nam quê Nam Định. Khi Tiểu đoàn của ông Nam rời Thanh Hóa ra đến khu 3, đơn vị nhận được thư của một cô gái ký tên là Phương Thùy gửi theo động viên, nhắc nhở chuyện thi đua. Ông Nam được anh em giao cho nhiệm vụ thay mặt đơn vị viết thư trả lời. Bắt đầu từ đó có những lá thư đi thư lại giữa người con gái ký tên Phương Thùy và ông Nam (ký tên Then). Năm 1949 khi đơn vị của ông Nam xong nhiệm vụ ở khu 3 trở về Thanh Hóa cũng là lúc ông biết và gặp được Phương Thùy, đó chính là Thanh Hương, người con gái đăng đàn diễn thuyết hôm nào. Từ đó Thanh Hương và Tú Nam quen và thân nhau.

Năm 1950 bà Hương được điều ra Việt Bắc công tác, tháng 6 năm 1950 ông Nam cũng ra Việt Bắc làm báo Quân đội nhân dân. Thời gian này ông bà có cơ hội gặp nhau ở một số chiến dịch. Từ 1950 những lá thư hai người viết cho nhau cũng nhiều lên và từ tình bạn họ đã chuyển dần sang tình yêu. Ngày 1/6/1952 bà Thanh Hương và ông Tú Nam đính ước. Tuy đã đính ước nhưng thời gian ông bà ở bên nhau không nhiều vì Tú Nam đi các chiến dịch liên miên, Thanh Hương cũng đi chiến dịch phục vụ bộ đội, khi thì làm công tác hậu cần, khi thì là chính trị viên quân y. Từ lúc yêu cho đến lúc đã là vợ chồng, do thường xuyên phải đi công tác, hai người luôn trong hoàn cảnh cách xa nên họ thường xuyên viết thư cho nhau.

Những lá thư không chỉ thể hiện tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng mà nó còn thể hiện lý tưởng sống, hoài bão và khát khao cống hiến cho Tổ quốc. Đọc những lá thư như sống lại những năm tháng kháng chiến, những tấm gương dũng cảm của đồng bào, đồng đội, những kỷ niệm về các đồng nghiệp, đất trời Hà Nội và những vùng quê thân thiết của chúng ta.

Hoàng Hà