Trung Quốc xây trung tâm AI ở độ cao 3.600m trên “nóc nhà thế giới”

Thứ tư, 02/07/2025 - 08:49

Ở độ cao hơn 3.600m so với mực nước biển, trên vùng đất khắc nghiệt của cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc đang triển khai một trong những dự án tham vọng nhất trong lĩnh vực công nghệ, đó là xây dựng trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) quy mô lớn.

Trung Quốc xây trung tâm AI ở độ cao 3.600m trên “nóc nhà thế giới”- Ảnh 1.

Trung tâm máy tính Yajiang-1 ở Sơn Nam, Tây Tạng

Theo South China Morning Post và Bloomberg, Yajiang-1, trung tâm máy tính tiên tiến nằm ở Sơn Nam, Tây Tạng dọc theo sông Nhã Lỗ Tạng Bố, đi vào hoạt động như một phần kế hoạch của Trung Quốc nhằm biến "nóc nhà thế giới" thành nơi chiến lược cho siêu máy tính bền vững.

Trung tâm dữ liệu mới này thuộc một phần trong mạng lưới hàng trăm cơ sở xử lý dữ liệu mà Trung Quốc đang thiết lập nhằm phục vụ cho quá trình phát triển các mô hình AI cỡ lớn. Tuy nhiên, điều khiến dự án trở nên đặc biệt chính là vị trí địa lý: vùng Tây Tạng lạnh giá, khí hậu khắc nghiệt, không khí loãng và xa trung tâm đô thị.

Vậy tại sao Trung Quốc lại chọn một nơi "không tưởng" như vậy để đặt một trung tâm AI?

Thứ nhất, chính khí hậu lạnh quanh năm của Tây Tạng lại trở thành lợi thế vàng. Trung tâm dữ liệu là nơi tiêu tốn lượng điện khổng lồ để làm mát các máy chủ hoạt động liên tục. Việc đặt cơ sở này ở vùng có nền nhiệt thấp tự nhiên giúp giảm đáng kể chi phí vận hành, đồng thời gia tăng hiệu quả năng lượng. Theo tính toán, chi phí làm mát có thể giảm từ 30-50% so với các trung tâm đặt ở vùng khí hậu nóng ẩm như phía Đông Trung Quốc.

Thứ hai, khu vực Tây Tạng đang được đầu tư mạnh mẽ để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là thủy điện, điện mặt trời và điện gió. Điều này phù hợp với chiến lược “AI xanh”, vừa thúc đẩy công nghệ, vừa hướng tới phát triển bền vững. Thay vì phụ thuộc vào nhiệt điện than như trước đây, trung tâm AI ở Tây Tạng có thể hoạt động phần lớn bằng điện sạch.

Thứ ba, vị trí biệt lập của khu vực này cũng mang lại lợi thế về an ninh dữ liệu. Trong bối cảnh chiến tranh mạng và bảo mật thông tin ngày càng được đặt lên hàng đầu, việc triển khai trung tâm dữ liệu tại khu vực xa dân cư, khó tiếp cận sẽ hạn chế tối đa rủi ro từ tấn công vật lý hoặc gián điệp mạng. Một số nguồn tin cho rằng, trung tâm này có thể liên quan đến các ứng dụng AI nhạy cảm trong lĩnh vực quốc phòng, phân tích dữ liệu vệ tinh và giám sát.

Trung Quốc hiện là quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo, với hơn 250 trung tâm dữ liệu AI đã được triển khai hoặc lên kế hoạch xây dựng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, phần lớn các trung tâm này đều đặt tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, nơi chi phí đất đai và năng lượng cao, không còn phù hợp với chiến lược mở rộng lâu dài. Do đó, việc “leo núi” để đưa AI lên cao nguyên là bước đi thể hiện tầm nhìn xa hơn về mặt địa chính trị lẫn kỹ thuật.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đang thử nghiệm mô hình kết hợp giữa trung tâm dữ liệu mặt đất và mạng lưới vệ tinh AI trên quỹ đạo Trái Đất. Các vệ tinh này có thể xử lý một phần dữ liệu từ không gian và truyền tải về mặt đất theo thời gian thực, giảm tải cho hạ tầng truyền dẫn trong nước. Với sự hỗ trợ của hệ thống định vị Beidou, mạng 5G phủ rộng và cơ sở AI ngày càng hoàn thiện, quốc gia này đang tạo ra một “hệ sinh thái AI đa tầng” từ cao nguyên đến vũ trụ.

 

Bảo Minh