TNV - Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từng bước hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Theo báo cáo từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng, quý I/2023, toàn tỉnh có 274 người lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả gần 4 tỷ đồng. Cùng với công tác giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cũng được Trung tâm chú trọng thực hiện xuyên suốt quá trình lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có tư vấn ban đầu trước khi lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; tư vấn khi lao động đến nhận kết quả hưởng trợ cấp thất nghiệp; tư vấn mỗi lần lao động đến thông báo tình trạng việc làm mỗi tháng.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Cao Bằng tư vấn chính sách lao động, việc làm tại Thành phố (ảnh internet)
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng đã tư vấn chính sách lao động, việc làm cho 4.048 người lao động; giới thiệu việc làm thông qua Trung tâm được 285 người, trong đó giới thiệu việc làm trong nước 250 người, giới thiệu việc làm ngoài nước 35 người; số người tìm được việc làm qua các kênh thông tin của Trung tâm là 500 người.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng còn phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, các tổ chức đoàn thể tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức hướng nghiệp, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và kết nối đầu ra cho người lao động sau đào tạo; phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động địa phương; giúp người lao động nắm bắt thông tin thị trường lao động, mục đích, ý nghĩa của các phiên giao dịch việc làm, các thông tin về cung cầu lao động, tạo điều kiện cho người lao động lựa chọn, tìm được việc làm phù hợp, người sử dụng lao động có cơ hội gặp gỡ phỏng vấn trực tiếp và ký kết hợp đồng tuyển dụng lao động.
Trong những tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện Thạch An, Bảo Lạc, Hòa An tổ chức 16 phiên giao dịch việc làm. Tham gia 3 phiên giao dịch việc làm online với Trung tâm 7 tỉnh phía Bắc để kết nối người lao động với doanh nghiệp do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội tổ chức. Chủ trì tổ chức 4 hội nghị tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại các xã: Mai Long, Phan Thanh, Ca Thành, Vũ Nông (Nguyên Bình); phối hợp với Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 852, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, UBND huyện Hòa An, Nguyên Bình tổ chức 13 Hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm; tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho 1.755 học sinh khối 12 các trường THPT tại các huyện: Bảo Lâm, Nguyên Bình, Hà Quảng, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang, Hòa An.
Bên cạnh đó, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cho các phòng chuyên môn thực hiện; chú trọng nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động làm việc tại các doanh nghiệp và nguồn cung lao động để đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu thị trường. Ngoài ra, thường xuyên tra cứu, tìm kiếm thông tin thị trường lao động tại sàn giao dịch việc làm; tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách lao động việc làm, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến nhân dân và người lao động bằng nhiều hình thức: duy trì thông báo trên các phương tiện truyền thông, hội nghị, tổ chức phiên giao dịch việc làm, cấp phát tờ rơi, áp phích; thường xuyên đăng tải thông tin tuyên truyền trên website việc làm của Trung tâm và cung cấp thông tin thị trường lao động cho các điểm giao dịch việc làm, niêm yết các chỉ tiêu tuyển dụng tại các điểm sinh hoạt công cộng của các khu, cụm dân cư.
Nhằm giúp người lao động tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, Trung tâm áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hoạt động tư vấn giới thiệu việc qua điện thoại, gửi thông tin qua email, đăng tải thông tin trên website, các ứng dụng phổ biến như zalo, facebook của Trung tâm, đề tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp khi có nhu cầu tuyển dụng. Được biết, đã có 170.842 lượt người truy cập thông tin thị trường lao động thông qua trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội của Trung tâm. Đồng thời, các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm đều được triển khai tạo thuận lợi cho người lao động đăng ký thông tin tuyển dụng, ứng tuyển ở mọi nơi, mọi lúc qua hệ thống internet, qua điện thoại.
Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Cao Bằng sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về việc làm, chế độ bảo hiệm thất nghiệp đến với người lao động và người sử dụng lao động nhằm cung cấp cho người lao động đầy đủ thông tin về chế độ chính sách khi tham gia vào thị trường lao động; Tổ chức tư vấn cụ thể cho người lao động về việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động với nhiều hình thức./.
N.H