Trung tâm Dịch vụ việc làm được giao nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết chế độ BHTN cho NLĐ theo quy định của pháp luật, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho NLĐ thất nghiệp, giúp họ tìm được việc làm phù hợp và sớm tái hòa nhập thị trường lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo để tuyên truyền về chính sách BHTN. Qua đó đã giúp cho các đơn vị và doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách BHTN; NLĐ thất nghiệp hiểu và thực hiện đúng quy trình đăng ký hưởng BHTN, từ đó giảm bớt khó khăn và tiết kiệm thời gian đi lại cho NLĐ.
Ảnh minh họa
Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề cho 10.584 người lao động tương ứng số tiền 212,790,514,223 đồng, trong đó, hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 1,9 tỷ đồng.
Để thực hiện hiệu quả chính sách BHTN, Trung tâm đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp thông qua các hội nghị tư vấn, hoạt động của sàn giao dịch việc làm định kỳ và các phiên lưu động tại xã, phường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, truyền thông qua mạng xã hội facebook, zalo…
Việc kết hợp lồng ghép giữa hoạt động tuyên truyền về BHTN với các hoạt động tuyên truyền về chính sách sách pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về chính sách BHTN.
Công tác tuyên truyền thời gian qua đã có hiệu quả nhất định, số doanh nghiệp, người lao động tham gia BHTN ngày càng tăng; tình trạng người lao động có việc làm đến thông báo, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tăng, số lượng phải thu hồi tiền TCTN cũng được giảm thiểu đáng kể.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền vẫn cần phải được thực hiện thường xuyên và có chiều sâu để cộng đồng, người sử dụng lao động, người lao động nhận thức sâu sắc hơn về chính sách BHTN, để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ chủ yếu quản trị thị trường lao động.
Để chính sách BHTN đóng vai trò trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất, trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến những thay đổi trong chính sách BHTN đến người sử dụng lao động và người lao động. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên cập nhật các văn bản mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ làm công tác giải quyết chính sách BHTN.
Đồng thời, hỗ trợ người lao động trong việc hướng dẫn và nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Trung tâm cần được trang bị thêm hệ thống máy tính cấu hình cao, máy scan... để đáp ứng được yêu cầu sổ hóa theo Đề án 06 của Chính phủ. Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm quản lý BHTN cần được nâng cấp đồng bộ trong toàn hệ thống nhằm hỗ trợ tiếp nhận, quản lý, theo dõi cập nhật dữ liệu và tổng hợp số liệu báo cáo về công tác thực hiện chính sách BHTN được nhanh chóng, kịp thời và chính xác.
Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, ký kết hợp đồng cung ứng lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn trên địa bàn tỉnh cũng sẽ được đẩy mạnh; đổi mới hoạt động các hình thức thông tin thị trường lao động nhằm phục vụ người lao động và các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia.
Ngay từ đầu tháng 1/2023, Trung tâm đã phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thành phố: Phúc Yên, Vĩnh Yên, Sông Lô, Yên Lạc tổ chức đón và tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Năm nay, thay vì tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp tại Trung tâm đã đẩy mạnh hoạt động này trên sàn giao dịch online và tổ chức lưu động tại các địa phương, trường học, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Dự báo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục tăng trong tháng 2/2023, để tiếp tục thực hiện tốt vai trò cầu nối hỗ trợ giữa doanh nghiệp và người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục duy trì tốt các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm; phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, các cơ sở dạy nghề tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động.
Theo báo cáo của Trung tâm DVVL tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến 31/12/2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 233.723 người thuộc đối tượng tham gia BHXH. Trong đó, 225.640 người có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã tham gia BHTN. Tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN 11.042 người. Trong đó, 10.584 người đã có quyết định hưởng TCTN, 87 người không đủ điều kiện hưởng TCTN, 169 người bị hủy quyết định hưởng TCTN, 24 người chuyển nơi hưởng TCTN đi địa phương khác. Số người tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp: 366 người, 127 người tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, 8.453 người chấm dứt hưởng TCTN, 398 người có quyết định hỗ trợ học nghề, 28.184 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.
T. Hòa