Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC) – Một năm nhìn lại

Thứ hai, 27/05/2019 - 09:33

TNV - Là Trung tâm hòa giải đầu tiên của Việt Nam. VMC có 51 Hòa giải viên trong đó 38 Hòa giải viên Việt Nam và 13 Hòa giải viên nước ngoài; đã giài quyết 05 vụ tranh chấp với tổng giá trị lên đến 934,5 tỷ đồng.

Vừa qua,Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức tọa đàm “VMC – Một năm nhìn lại và một số vấn đề của tương lai” tại Trụ sở VMC tại Hà Nội. Tọa đàm đã thu hút được sự tham dự từ các Hòa giải viên, các Hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan truyền thông trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC và ông Nguyễn Sĩ Dũng, Giám đốc VMC, đã thể hiện sự vui mừng với những thành công bước đầu mà VMC đã đạt được cũng như tin tưởng rằng cùng với giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại VIAC, hòa giải thương mại tại VMC sẽ được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận.


Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Buổi Tọa đàm được chia thành hai nội dung chính là VMC – Một năm nhìn lại và VMC – hướng đi cho tương lai.

Trong phần đầu của Tọa đàm, Ông Phan Trọng Đạt, Phó Giám đốc thường trực VMC đã có bài trình bày để cung cấp cho người tham dự bức tranh về hoạt động của VMC trong một năm qua.

Ông cho biết: Hiện nay VMC đã nhận được 05 yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại và đáng chú ý cả 05 vụ đều trong lĩnh vực xây dựng với tổng trị giá tranh chấp lên đến 934,5 tỷ đồng. Tuy các tranh chấp có yếu tố phức tạp nhưng VMC là các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực pháp luật và kinh tế cũng như được đào tạo chuyên sâu về giải quyết tranh chấp nói chung cũng như hòa giải thương mại nói riêng luôn đã giúp doanh nghiệp tìm được phương án giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giám đốc VMC, ông Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ: Trung tâm Hòa giải Việt Nam được thành lập với mục đích cung cấp thêm một kênh để giải quyết các tranh chấp thương mại với hy vọng góp một phần nhỏ bé của mình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

“Ngoài con đường giải quyết tranh chấp bằng tòa án, trọng tài thì hòa giải chính là phương án giải quyết có lợi cho cả hai bên. Sau khi tranh chấp được giải quyết thì hai bên vẫn là bạn của nhau, cơ hội còn làm ăn không bị chấm dứt như các phương thức khác, ông Nguyễn Sĩ Dũng nói thêm.

Phần thứ hai của Tọa đàm, Ban Giám đốc VMC đã đưa đến cho người tham dự những thông tin về xu hướng hòa giải thương mại trên thế giới và Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, Ban giám đốc cũng đưa ra một số dự kiến về hoạt động của VMC trong thời gian tới. Một phần quan trọng của Tọa đàm là việc xin ý kiến góp ý của các Hòa giải viên và khách mời về hướng đi để VMC đến gần với cộng đồng doanh nghiệp hơn nữa.

Kết thúc buổi Tọa đàm, Ông Nguyễn Sĩ Dũng - Giám đốcVMC đã thể hiện quyết tâm của VMC trong việc sẽ hoàn thiện hơn nữa hoạt động để phục vụ tốt hơn doanh nghiệp trong tương lai.

A. N