Ông Nguyễn Công Long, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, Trung tâm kiểm soát không lưu TP.HCM – công trình trọng điểm của Bộ GTVT đã làm lễ cất nóc. Liên danh nhà thầu đang thực hiện đổ bê tông sàn mái tầng 6 tòa nhà điều hành.
Công trình Trung tâm kiểm soát không lưu mới có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 2/2024 theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp của Bộ GTVT. Đến nay, nhà thầu đã vượt tiến độ 58 ngày so với mốc thời gian dự kiến khi ký hợp đồng.
Ghi nhận tại công trường, liên danh nhà thầu AP huy động hơn 100 công nhân và nhiều thiết bị xe máy thi công tất bật dù là ngày nghỉ. Bênh cạnh tòa nhà chính, nhà trạm kỹ thuật cho điện nguồn, bơm cấp nước sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy cũng đã cơ bản xong phần thô.
Vượt tiến độ 53 ngày
Dự kiến, toàn bộ phần xây dựng công trình và thiết bị kết cấu sẽ hoàn thành ngày 18/4/2025. Các hạng mục lắp đặt thiết bị chuyên ngành quản lý bay sẽ hoàn thành trong tháng 12/2025.
Ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Phục Hưng Holdings, đại diện liên danh nhà thầu cho biết, với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa" Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, liên danh nhà thầu đã tổ chức thi công ngày đêm, kể cả thứ 7 và chủ nhật. Phục Hưng Holdings cũng là thành viên thuộc liên danh Vietur trúng gói thầu 5.10 "Nhà ga hành khách Cảng HKQT Long Thành" với giá trị hơn 35.800 tỷ đồng.
Công trình triển khai theo lệnh khẩn cấp
Dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ ngày 15/2/2024, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2025. Công trình có tổng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Quy mô của Công trình bao gồm: Tòa nhà điều hành chính với diện tích 2.360 m2 tại Công ty Quản lý bay miền Nam, trạm kỹ thuật điện, hai tháp ăng-ten cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị chuyên ngành, công trình phụ trợ khác.
Công trình được triển khai theo lệnh khẩn cấp để thay thế Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh hiện hữu. Theo thiết kế Công trình sau hoàn thành sẽ đáp ứng các dịch vụ như: kiểm soát không lưu; giám sát hoạt động bay dân dụng và quân sự; thông tin, liên lạc hàng không... ở toàn bộ vùng thông báo bay Hồ Chí Minh và cung cấp dịch vụ kiểm soát tiếp cận cho sân bay Long Thành khi khai thác giai đoạn một vào cuối năm 2025.
Công trình ATCC Hồ Chí Minh mới có hệ thống thiết bị tiên tiến, hiện đại, phù hợp với tiến trình đổi mới công nghệ. Công trình khi hoàn thành giúp nâng cao năng lực điều hành bay, đảm bảo an toàn, chất lượng dịch vụ cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động bay trong nước và khu vực. Ngoài lợi ích kinh tế, Công trình còn có vai trò quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng.
Phan Trang/Chinhphu