TNV - Chiều 25/6, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2018 – 2023.
Dự lễ ký kết có Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực BCH Trung ương Đoàn và đồng chí Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam.
Ký kết phối hợp nhằm giáo dục tinh thần tương thân, tương ái, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân cho đoàn viên, thanh niên và hội viên
Nhằm giáo dục tinh thần tương thân, tương ái, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân cho đoàn viên, thanh niên và hội viên, những năm qua Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp có hiệu quả trong đó có các hoạt động như công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, góp phần xoa dịu nỗi đau với những gia đình có nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Để nâng cao chất lượng phối hợp công tác giữa hai bên trong thời gian tới, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2018 – 2023 tập trung vào các nội dung: Phối hợp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về thảm họa da cam ở Việt Nam, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; vận động thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong đoàn viên, thanh niên về giải quyết hậu quả chất độc hóa học; về các chế độ chính sách đối với người bị nhiễm chất độc hóa học và phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Hai bên phối hợp tổ chức các sự kiện vào các dịp lễ, tết, ngày thành lập Đoàn 26/3 và ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam” 10/8 hàng năm; phối hợp chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam đang được điều dưỡng tại các Trung tâm điều dưỡng người có công và các Trung tâm bảo trợ xã hội; phối hợp và trao đổi kinh nghiệm trong nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam; tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ tạo việc làm đối với nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ để góp phần tạo thu nhập dần từng bước ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng; vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ cho các hoạt động dạy nghề cho con, cháu nạn nhân chất độc da cam; phối hợp mở rộng các hoạt động đối ngoại để thanh niên quốc tế hiểu hơn về hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; vận động nguồn lực và sự đồng thuận trong trợ giúp, khắc phục hậu quả chất độc hóa học tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hai bên sẽ phối hợp hình thành các phong trào thanh niên quốc tế giúp đỡ nạn nhân về vật chất, tinh thần và tham gia đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân; chỉ đạo Đoàn thanh niên và Hội các cấp trong tổ chức các hoạt động thanh niên tình nguyện hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam; phối hợp đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách và tổ chức thực hiện chính sách của Nhà nước đối với người bị nhiễm chất độc hóa học.
Hai bên sẽ phối hợp hình thành các phong trào thanh niên quốc tế giúp đỡ nạn nhân về vật chất, tinh thần và tham gia đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Để triển khai Chương trình phối hợp, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin về tình hình nạn nhân chất độc da cam và các chương trình công tác thông qua các báo cáo định kỳ và báo cáo chuyên đề liên quan; trao đổi các ấn phẩm, các tài liệu, tư liệu, số liệu, văn hóa phẩm liên quan đến cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam và hậu quả, tình hình khắc phục hậu quả chất độc hóa học và các tài liệu liên quan khác. Đồng thời, sẽ giao cho cơ quan chuyên trách 2 bên xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hàng năm.
Theo thống kê, từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học xuống gần ¼ diện tích miền Nam Việt Nam. Chất độc hóa học đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Hiện có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chiến tranh hóa học. Trong đó, nhiều gia đình có 7 đến 8 nạn nhân, nhiều gia đình cả 3 thế hệ đều là nạn nhân của chất độc màu da cam. Chất độc màu da cam hiện nay đã truyền sang thế hệ thứ ba, hàng vạn nạn nhân chất độc màu da cam đã chết trong đau khổ, hàng trăm ngàn trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật; những người còn sống phải vật lộn với căn bệnh quái ác bởi dioxin.
Hà An