GS Trương Nguyện Thành cho rằng, nếu không muốn sinh viên thất nghiệp, các trường phải có tầm nhìn trong việc dự đoán nhu cầu của thị trường lao động.
Mỗi năm, Việt Nam có hơn 200.000 sinh viên ra trường bị thất nghiệp. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ cũng ngày càng trầm trọng dẫn đến sự mất cân đối trong thị trường lao động.
Thực trạng này khiến nhiều chuyên gia cho rằng việc quy hoạch mạng lưới đào tạo của Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD&ĐT) đang có vấn đề, nếu không khắc phục sẽ dẫn đến sự tổn thất không hề nhỏ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, mức phân bố tỷ lệ các bậc học trên tổng nhu cầu nhân lực hiện nay là 17% cho bậc đại học, 18% cho bậc cao đẳng, bậc trung cấp là 35%, còn lại là sơ cấp nghề.
Tuy nhiên, cũng theo khảo sát của trung tâm này, hơn 80% học sinh phổ thông có nguyện vọng vào đại học thay vì nghiên cứu các bậc học phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân.
Số lượng sinh viên đang theo học tại 235 trường đại học trên cả nước là rất lớn. Và con số cử nhân thất nghiệp hàng năm cũng không hề nhỏ - hơn 200.000 người khiến nhiều người cảm thấy lo lắng: Đến bao giờ chúng ta mới cân bằng được nhu cầu thị trường lao động để tránh tốn kém cho người học và tổn thất cho xã hội như hiện nay.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TP HCM cho rằng, con số 200.000 cử nhân thất nghiệp mỗi năm nói lên nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là chất lượng đào tạo.
Nếu các trường không siết được chất lượng sinh viên đầu vào, quản lý chặt quá trình đào tạo để đảm bảo đầu ra thì nhiều sinh viên thất nghiệp là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các trường mà bản thân người học phải nhìn lại mình từ thực trạng này.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ phân tích: “Vấn đề sinh viên ra trường thất nghiệp không phải chỉ phụ thuộc vào một ngành nào đó hay một trường nào đó. Ngay với những ngành hot nhất vẫn có sinh viên ra trường thất nghiệp. Vậy nguyên nhân của sự thất nghiệp này là do đâu?
Theo cá nhân tôi, không ít trường hợp chính sinh viên là người khiến mình thất nghiệp. Khi vào đại học, có những sinh viên ý thức rất rõ ràng về chuyện học của mình. Họ phấn đấu và nỗ lực rất nhiều để đạt được nguyện vọng của bản thân sau 4 năm. Thế nhưng có những sinh viên sau khi ra trường thất nghiệp, tự họ khiến mình thất nghiệp vì thái độ của họ trên giảng đường chưa nghiêm túc, họ chỉ học để đối phó”.
Bàn về giải pháp hạn chế tổn thất nguồn nhân lực, Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn cho rằng, điều cần nhất ngay lúc này là các trường phải thay đổi toàn diện, cả cách suy nghĩ về ngành nghề trong tương lai.
Thời đại ngày nay nếu nhà trường, giảng viên không chịu khó tiếp cận, cập nhật cái mới để linh động trong chương trình đào tạo thì khi ra trường sinh viên dễ rơi vào tình trạng “lỗi mốt ngành nghề”, tăng nguy cơ thất nghiệp. Do vậy các trường phải tạo cho bằng được không gian đào tạo kích thích sự đam mê, giúp sinh viên tự tin khi ra trường thay vì tìm đủ mọi cách tuyển cho đủ chỉ tiêu.
Thạc sĩ Phan Bửu Toàn nói: “Vấn đề cốt lõi mà các trường cần quan tâm là sản phẩm đào tạo của chúng ta phải được xã hội chấp nhận. Thứ hai, các trường phải quan tâm đến sự chuyển biến của nghề nghiệp. Hiện nay, một số nghề còn giữ được truyền thống, nhiều nghề khác đã đòi hỏi người làm phải có thêm nhiều kỹ năng, nhiều kiến thức. Do vậy việc làm sao tạo được một đơn vị năng lực cho người học đòi hỏi rất nhiều ở sự thay đổi trang thiết bị, phương pháp giảng dạy. Các trường phải nỗ lực rất nhiều để cải thiện vấn đề này”.
Tán thành quan điểm này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng vai trò của các trường đại học rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thế nhưng, chỉ một mình nhà trường làm thì không hiệu quả mà phải có sự chung sức từ phía sinh viên.
Cả người dạy lẫn người học phải thay đổi phương pháp giáo dục từ truyền thống sang hiện đại, từ hình thức tiếp cận nội dung sang hình thức dạy học theo dự án, làm ra các sản phẩm cụ thể để tránh bỡ ngỡ khi tiếp cận môi trường làm việc thực tế.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói: “Đặc thù của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 yêu cầu các trường phải đào tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng mới. Đó là kỹ năng sáng tạo. Nhân lực của công ty nào sáng tạo thì công ty đó sẽ thắng trong cuộc đua này. Cho nên yếu tố sáng tạo là yếu tố sống còn. Và kỹ năng sáng tạo đó cần phải diễn ra trong môi trường đa ngành”.
Trong khi đó, Giáo sư Trương Nguyện Thành, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen khẳng định: Nếu không muốn sinh viên thất nghiệp, các trường phải có tầm nhìn trong việc dự đoán nhu cầu của thị trường lao động.
Hiện các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới đang thay đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo dựa trên các nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế được thực hiện nghiêm túc từ các tổ chức độc lập uy tín.
Khi nắm được nhu cầu của thị trường, các trường đại học sẽ xây dựng được chiến lược phát triển đào tạo riêng và người học cũng có sự lựa chọn phù hợp nhất.
Giáo sư Trương Nguyện Thành thông tin thêm: “Cần có những nghiên cứu thực tế về sự thay đổi của thị trường lao động để phỏng đoán xem thị trường này sẽ biến đổi như thế nào trong tương lai. Những nghiên cứu như vậy rất quan trọng và cần phải làm trước khi chúng ta đưa ra các số liệu chi tiết. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi chúng ta vẫn nên để cho thị trường lao động điều tiết nhu cầu đào tạo”.
Khi thị trường lao động điều tiết nhu cầu của đào tạo thì các trường phải chủ động thay đổi phương án định hướng ngành nghề để bám sát thực tế. Người học cũng phải nhạy bén hơn trong việc lựa chọn ngành nghề và tự rèn thêm nhiều kỹ năng để tạo thêm cơ hội cho chính mình./.
Theo VOV