
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Chương trình, về phía Ban tổ chức Hội thảo có: TS. Đặng Thành Chung - Trưởng khoa LLCT& Pháp luật, Trường Đại học Điện lực cùng các cán bộ, giảng viên trong Khoa.
Về phía khách mời có: GS. TS Phạm Hồng Thái - Nguyên Chủ nhiệm khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật học; PGS. TS Nguyễn Đức Phúc -Trưởng khoa Luật, Học viện cảnh sát nhân dân; PGS. TS Vũ Quang - Trưởng nhóm chuyên môn Luật, Trường Kinh tế, ĐH Bách khoa Hà Nội; TS. Trần Văn Long - Vụ phó Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ; TS. Ngô Văn Thìn - Hiệu phó Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc cùng các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các doanh nghiệp và đại diện lãnh đạo các khoa, phòng, cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Điện lực.

TS. Đặng Thành Chung - Trưởng khoa LLCT& Pháp luật, Trường Đại học Điện lực trình bày về kết quả khảo sát các bên liên quan về nhu cầu đào tạo, mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình đào tạo ngành Luật kinh tế.
Tại Chương trình, BTC Hội thảo đã báo cáo đối sánh chương trình đào tạo ngành luật kinh tế của một số trường trong nước cũng như quốc tế và đưa ra nhận xét, đánh giá về chương trình đào tạo ngành Luật kinh tế của Trường Đại học Điện lực với một số trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, BTC cũng trình bày kết quả khảo sát các bên liên quan về nhu cầu đào tạo, mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình đào tạo ngành Luật kinh tế. Từ đó cho thấy, nhu cầu tuyển dụng và học tập ngành Luật kinh tế hiện nay khá cao, do đó việc mở ngành Luật kinh tế trình độ đại học ở Trường Đại học Điện lực là có tính khả thi. Đồng thời, mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo ngành Luật kinh tế do Trường Đại học Điện lực xây dựng cũng được đánh giá tốt, vì vậy, tổ soạn thảo chương trình đào tạo cần hoàn thiện xây dựng ma trận, cấu trúc và khung chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật kinh tế cho phù hợp.
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, GS. TS Phạm Hồng Thái - Nguyên Chủ nhiệm khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật học đánh giá cao công tác chuẩn bị kỳ công, kỹ lưỡng của tổ soạn thảo chương trình cũng như tính thiết thực, hợp lí. Bên cạnh đó, GS. TS Phạm Hồng Thái lưu ý tổ soạn thảo có thể cân nhắc bổ sung thêm tín chỉ cho một số học phần quan trọng và rà soát thêm về sơ đồ, mối liên hệ trong các học phần đào tạo.
PGS. TS Vũ Quang - Trưởng nhóm chuyên môn Luật, Trường Kinh tế, ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định chương trình đào tạo đã được thực hiện bài bản, từ căn cứ pháp lý cho đến nhu cầu thực tiễn, quá trình khảo sát. Ngoài yêu cầu về chuẩn đầu ra của chương trình, cần chú trọng cả những tiêu chí của chuẩn đầu vào để nâng cao chất lượng.
Tiếp theo các ý kiến, TS. Ngô Văn Thìn - Hiệu phó Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc nhất trí cao với các ý kiến của các nhà khoa học. Nên xem xét giảm thiểu tối đa thời lượng các chuyên đề trong khối kiến thức đại cương để bổ sung một số môn mới trong kiến thức chuyên ngành nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người học. Bên cạnh đó, cần tăng cường, mở rộng đối tượng, phạm vi khảo sát ở một số nước có nền khoa học pháp lý phát triển để có kết quả khảo sát toàn diện, hiệu quả - TS Ngô Văn Thìn trao đổi.




Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Ngoài ra, Hội thảo còn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học tham dự. Qua đó, kỳ vọng sẽ là những tư liệu quý giá để tổ soạn thảo chương trình có thể tiếp thu, lĩnh hội và vận dụng có hiệu quả.
Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật kinh tế được xây dựng nhằm cung cấp cho xã hội nguồn lực chất lượng cao, có kiến thức nền tảng vững chắc về khoa học pháp lý nói chung và pháp luật kinh tế nói riêng; có phẩm chất chính trị vững vàng; đủ năng lực đảm nhận nhiều vị trí trong các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.


Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Quang Chính