Tham dự và chỉ đạo Tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; TS. Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng biên tập Tạp chí Thanh niên – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo, chuyên viên Trung tâm CNTT và Trung tâm tin học của các trường đại học tại khu vực Hà Nội (ĐH Sư phạm, ĐH Xây dựng, ĐH Công nghiệp, ĐH Thủy lợi, ĐH GTVT, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y tế công cộng, ĐH Hà Nội, ĐH KTQD, ĐH Thương mại …). Mục tiêu của Tọa đàm nhằm thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và tìm ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo trực tuyến trong các trường đại học.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu khai mạc
Đây là một hoạt động thiết thực, cụ thể thực hiện Đề án số 131/QĐ-TTg về "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 30/2023/TT-BGDĐT "Quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học" của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tọa đàm đã thảo luận về các giải pháp đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong đào tạo trực tuyến như hệ thống phần mềm (đồng bộ, không đồng bộ và kết hợp), học liệu số, nhân lực, hạ tầng, thiết bị, đường truyền và an toàn thông tin. Đồng thời, các đại biểu cũng đã trao đổi sôi nổi về nội dụng, sự cần thiết của việc ban hành quy chế đào tạo trực tuyến tại các cơ sở giáo dục đại học, nhiều nội dung lý thú như sở hữu trí tuệ, công nhận tín chỉ, giám sát chất lượng đào tạo.
TS. Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu đề dẫn.
Tọa đàm cũng đã lắng nghe hai báo cáo liên quan đến các giải pháp kỹ thuật trong đào tạo trực tuyến. Đó là Giải pháp phòng học Hybrid: Trực tiếp & Trực tuyến của Công ty Cổ phần CETECH và Công ty Máy tính TQT, cùng với Giải pháp đào tạo trực tuyến TN-elearning của đại diện Tập đoàn Trí Nam. Hai giải pháp này hứa hẹn mang lại sự tiện ích và hiệu quả trong quá trình đào tạo trực tuyến tại các trường đại học. Giải pháp phòng học Hybrid tạo ra sự thân thiện cho các giảng viên trong quá trình giảng dạy kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, trong khi giải pháp TN-elearning là một giải pháp tổng thể giúp tích hợp quá trình quản lý và tổ chức đào tạo trực tuyến.
Kết thúc buổi tọa đàm, đại diện các trường, các chuyên gia mong muốn tiếp tục có thêm nhiều buổi tọa đàm nữa để có cơ hội thảo luận, chia sẻ sâu thêm về các khía cạnh của đào tạo trực tuyến như an toàn bảo mật, trí tuệ nhân tạo …
Sau đây là một số hình ảnh tại tọa đàm.
Tin bài và hình ảnh: Trung tâm CNTT