TNV – Vừa qua, Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) cùng Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Mở Hà Nội và Đại học Thái Nguyên tổ chức hội thảo “Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý về xây dựng tài nguyên học liệu mở trong giáo dục Đại học ở Việt Nam” và tổng kết Dự án sau 18 tháng triển khai.
PGS TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang và TS Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Văn Lang, đơn vị chủ trì dự án tại Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu: PGS TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học Bộ GD&ĐT; TS Nguyễn Thảo Hương và TS Nguyễn Đức Trung, Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học; TS Đinh Ngọc Dinh, Chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo - Văn xã Văn phòng Chính phủ; TS Nguyễn Tấn Đại, Phụ trách Trung tâm Công nghệ giáo dục Pháp ngữ (CNF) TP Hồ Chí Minh thuộc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF); PGS TS Mokhtar Ben Henda, Đại học Bordeaux Montaigne, chuyên gia ISO về tiêu chuẩn giáo dục từ xa, Cố vấn AUF về TNGDM và các hệ thống học tập kết hợp; PGS TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, lãnh đạo các trường tham gia dự án (Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng), cùng đại diện một số trường đại học trong cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cho biết, Vụ giáo dục Đại học là đơn vị đồng hành cùng Trường Đại học Văn Lang và các đơn vị triển khai Dự án Phát triển nguồn TNGDM, thu hút sự quan tâm từ đông đảo các cơ sở giáo dục đại học trong nước và nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài.
PGS TS Nguyễn Thu Thủy bày tỏ: “Tôi hy vọng với sự hỗ trợ tích cực của các bên liên quan, việc xây dựng chính sách sẽ ngày càng sát, phù hợp với thực tế của các cơ sở đào tạo và mong rằng mô hình hợp tác này sẽ còn được nhân rộng và triển khai ở những dự án khác, nhiệm vụ khác, tiến tới hội nhập sâu rộng với thế giới”.
Theo PGS TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, đại diện đơn vị Chủ trì dự án cho biết, Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu kết quả nghiên cứu về khung pháp lý và mô hình TNGDM nhằm phục vụ các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.
PGS TS Trần Thị Mỹ Diệu chia sẻ: “Thông qua Dự án Phát triển nguồn TNGDM, sẽ giúp người học và người dân ngày càng thu hẹp khoảng cách tiếp cận tri thức, nâng cao trình độ, hướng đến một xã hội học tập suốt đời; ngoài ra, còn giúp các cơ sở giáo dục đại học khai thác được sức mạnh cộng hưởng của các trường, tối ưu hóa nguồn lực vận hành, và tăng cường kết nối với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới”.
TS Nguyễn Tấn Đại, Phụ trách Trung tâm Công nghệ Giáo dục Pháp Ngữ TP Hồ Chí Minh, đại diện Ban Giám đốc AUF Châu Á phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội nghị, TS Nguyễn Đức Trung, Chuyên viên chính, Vụ Giáo dục Đại học, giới thiệu dự thảo Đề án “Xây dựng mô hình nguồn TNGDM trong giáo dục đại học”.
Ngoài ra, PGS TS Mokhtar Ben Henda, Đại học Bordeaux Montaigne, chuyên gia ISO về tiêu chuẩn giáo dục từ xa, Cố vấn AUF về TNGDM và các hệ thống học tập kết hợp, trình bày trực tuyến tham luận “Kinh nghiệm xây dựng, quản lý và sử dụng tài nguyên học liệu mở ở Pháp”.
Cụ thể, PGS TS Mokhtaer Ben Henda cho biết, TNGDM đã sớm được các trường đại học tại Pháp quan tâm đầu tư, tuy nhiên vẫn còn phát triển ở mức độ cá nhân. Từ năm 2003, Bộ Giáo dục Pháp thành lập Đại học số (UNT), một liên kết của 8 cơ sở giáo dục đại học không có sinh viên hoặc bằng cấp. Các UNT đã phối hợp như một mạng lưới các trường đại học với tên gọi Université numérique để cùng phát triển các TNGDM một cách nhất quán. Từ đó, ông phân tích các ưu, nhược điểm của mô hình này và giới thiệu các giải pháp mới cho TNGDM đang được chính phủ Pháp đầu tư triển khai.
Hội thảo cũng lắng nghe ông Lê Trung Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển TNGDM đã trình bày gợi ý xây dựng khung pháp lý phát triển TNGDM cho giáo dục đại học ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và hướng tới chuyển đổi sang khoa học mở.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo.
Cụ thể, ông Lê Trung Nghĩa đề xuất xây dựng năng lực của các bên liên quan để tạo lập, truy cập, sử dụng lại, tùy chỉnh và phân phối lại TNGDM, trên cơ sở Khung năng lực TNGDM, với 5 bước, gồm: (1) Tùy chỉnh Khung năng lực và đặc tả năng lực; (2) Đánh giá năng lực; (3) Đào tạo huấn luyện viên; (4) Đào tạo người sử dụng đầu cuối; (5) Thừa nhận và chứng nhận. Ngoài Khung năng lực TNGDM, ông Lê Trung Nghĩa đề xuất cần có Công cụ tự đánh giá năng lực TNGDM và Chương trình đào tạo tương ứng.
Bên cạnh đó, các tổ công tác của Dự án còn tiến hành khảo sát về TNGDM trong giáo dục đại học, nhằm mục đích tìm hiểu sơ bộ mức độ nhận thức về tài nguyên số, và đặc biệt là về TNGDM của các các cơ sở đào tạo và tổ chức giáo dục đại học, các giảng viên và sinh viên của các cơ sở đó, cũng như về khả năng ứng dụng và phát triển TNGDM của họ trong các hoạt động dạy và học.
Trên cơ sở kết quả khảo sát cho thấy, TNGDM là khái niệm không còn xa lạ với tất cả các đối tượng được khảo sát, dù sự hiểu sâu về TNGDM chưa cao. Việc nhiều giảng viên có thiện chí chia sẻ tài nguyên số họ tạo ra cho người khác sử dụng, giúp tận dụng và khai thác tốt đặc tính của tài nguyên số mà tài nguyên truyền thống không thể có, là giá thành để nhân bản tài nguyên số là thấp hơn nhiều, dù không là miễn phí hoàn toàn, trong chuyển đổi số hiện nay.
PGS TS Trần Thị Mỹ Diệu, đại diện đơn vị chủ trì Dự án kiến nghị: “Rất cần có chính sách cấp phép mở mức quốc gia, cơ sở, đặc biệt cho các tài nguyên số được tạo ra từ ngân sách nhà nước, ngoại trừ những gì có liên quan tới bí mật quốc gia, quyền riêng tư của công dân hoặc bất kỳ điều gì bị cấm được quy định rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, các tác giả của TNGDM gốc ban đầu cần nhận được thù lao xứng đáng”.
Nguồn TNGDM là một sáng kiến hết sức có ý nghĩa và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển giáo dục đại học. Việc chia sẻ và tự do sử dụng các tài nguyên giáo dục sẽ giúp tạo ra sự công bằng trong giáo dục, tạo cơ hội cho các trường tiếp cận các tài nguyên có chất lượng với chi phí thấp, rút ngắn thời gian chuẩn bị chương trình đào tạo, giáo trình học liệu, giảm chi phí chung của cả xã hội.
Theo Khuyến nghị TNGDM của UNESCO 2019, các quốc gia thành viên cần quan tâm phát triển hoặc khuyến khích các môi trường chính sách bao gồm ở các mức cơ sở và quốc gia hỗ trợ thực hành TNGDM hiệu quả..., phát triển và triển khai các khung chính sách và pháp lý khuyến khích tài nguyên giáo dục được phát triển với vốn cấp công được cấp phép mở hoặc được hiến tặng vào phạm vi công cộng đúng cách và phân bổ các nguồn lực tài chính và con người để triển khai và đánh giá các chính sách.
PGS TS Trần Thị Mỹ Diệu nhận định: “Trong bối cảnh hội nhập và giáo dục đang chuyển dịch theo hướng đa chiều, linh hoạt và mở hơn, việc tạo lập TNGDM tại các trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của cộng đồng càng có tính quan trọng và cấp thiết. TNGDM đã và đang rất được quan tâm ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển, nhưng tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ và chưa được thể chế hóa rõ ràng”.
Để phát triển TNGDM tại các trường đại học trong nước một cách hiệu quả và bền vững, cần phải nâng cao nhận thức và sớm hành động đúng đắn, có trách nhiệm về TNGDM như: lập kế hoạch chiến lược phát triển TNGDM phù hợp ở tầm quốc gia; xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về TNGDM; tạo lập các cộng đồng và hệ sinh thái TNGDM; hợp tác và học hỏi kinh nghiệm quốc tế về TNGDM… Vì lẽ đó, việc tổ chức Hội thảo Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý phát triển TNGDM dùng cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay là rất quan trọng và cần thiết.
Lê Thanh