TNV - Đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện là điều cần thiết bởi không ai có thể vươn lên, phát triển mà không có sự san sẻ, hỗ trợ từ những người xung quanh. Một trong 5 điều Bác Hồ dạy “Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” cũng đã chỉ ra rằng tinh thần đoàn kết rất quan trọng, con người phải rèn luyện tinh thần đoàn kết để xây dựng một tập thể vững mạnh.
Bất kì công việc nào, tổ chức nào, công ty nào nếu không có sự đoàn kết giữa các cá nhân thì công việc đó sẽ không hoàn thành tốt, tổ chức đó sẽ không vững mạnh, công ty đó sẽ không phát triển lâu dài. Đối với trường học cũng vậy, để xây dựng ngôi trường đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao cần có sự đoàn kết của các tập thể lớp mà bắt nguồn là từ sự đoàn kết của từng cá nhân học sinh trong một lớp học.
Tập thể Lớp 3A trường Tiểu học Ngọc Thuỵ cùng tham gia hoạt động chào mừng ngày 20/11
Học sinh phải biết giúp đỡ nhau trong học tập, sẻ chia những khó khăn, lan toả tình yêu thương và cùng nhau tạo dựng một môi trường thân thiện, tích cực. Muốn xây dựng một tập thể lớp vững mạnh cần có sự chung tay của từng cá nhân, mỗi em cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì thành tích của lớp sẽ đạt được kết quả tốt. Ngược lại, nếu mỗi cá nhân không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả của tập thể. Vậy đâu là nguyên nhân gây nên mất đoàn kết ở nhà trường?
Nguyên nhân mất đoàn kết
Cùng sinh hoạt, học tập trong một bầu không khí sẽ không tránh khỏi sự ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau về điểm số, gia cảnh, ngoại hình,... Có những trường hợp xấu bất chấp mọi thủ đoạn để hạ bệ người khác, nói xấu sau lưng, thậm chí là bạo lực gây nên hậu quả nghiêm trọng.
Trong một lớp học, có bạn sẽ được bố mẹ mua cho điện thoại, giày dép xịn, vật dụng đắt tiền vì gia đình có điều kiện cho nên một số bạn sẽ tỏ thái độ khinh thường những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn. Không những thế, có những bạn gặp phải những căn bệnh khó khăn như khiếm khuyết về ngoại hình hay bệnh tâm lí lại phải chịu sự phân biệt, miệt thị từ những bạn khác dẫn đến tình trạng “thành phần cá biệt” trong lớp
Một trong những nguyên nhân không thể thiếu là tình yêu tuổi học trò. Có những em yêu nhau trong lớp rồi khi chia tay lại đi nói xấu, chia bè phái để gây xích mích, thù ghét nhau. Thậm chí còn có tình trạng đánh ghen giữa các học sinh.
Bệnh tự kỷ trong lớp có vẻ như khá phổ biến, có thể vì mới chuyển sang một ngôi trường mới, bạn bè toàn người xa lạ nên bạn chưa thích nghi được. Nhưng có những bạn sống theo kiểu cho qua ngày, chán nản không muốn liên quan đến bất kỳ điều gì ở lớp học. Sáng đi trưa về lầm lủi không muốn giao thiệp với ai cả. Có chăng chỉ nói chuyện với mỗi người cùng bàn, xung quanh mình, còn ngoài ra không muốn tiếp xúc với ai cả. Nhiều bạn bắt chuyện nhưng lại không thèm trả lời, đâm ra bị ghét.
Không thể không kể đến những bạn học sinh muốn chứng tỏ bản thân một cách phô trương, quá đà, biểu hiện là nói không đúng sự thật khiến cho các bạn khác không còn sự tin tưởng.
Có những trường hợp xích mích giữa cả thầy cô với học sinh, một số bạn không tôn trọng thầy cô, không biết ơn công sức mà còn đi nói xấu thầy cô sau lưng mà tệ hơn là có những hành động trêu chọc khiến cho thầy cô khó chịu. Bên cạnh đó là việc mâu thuẫn giữa các thầy cô trong trường với nhau, vì lí do nào đó mà giáo viên này không thích giáo viên kia dẫn đến sự tranh cãi, không hoà thuận để cùng nhau phối hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc.
Vậy làm thế nào để xây dựng tinh thần đoàn kết trong nhà trường ?
Trước hết, mỗi cá nhân phải biết rèn luyện tính bao dung, độ lượng, vị tha cùng với sự thấu hiểu, sẻ chia để có thể hoà hợp, đoàn kết. Mỗi học sinh đều có thế mạnh, sở thích, hoàn cảnh khác nhau, vì vậy hãy cùng nhau thấu hiểu và đồng cảm để góp phần xây dựng nên một tình bạn đẹp rồi từ đó tạo ra môi trường đoàn kết vững mạnh.
Nhà trường phối hợp cùng gia đình tổ chức các hoạt động ngoại khoá, các buổi tham quan dã ngoại để giúp các em học sinh gần gũi, trao đổi, vui chơi với nhau trên tinh thần lành mạnh, hoà đồng. Thầy cô phải biết nắm bắt được hoàn cảnh của từng em, đảm bảo tính công bằng, không thiên vị bất kì ai để tránh gây nên sự hiểu nhầm, xích mích giữa các trò.
Học sinh phải biết san sẻ tình yêu thương, biết giúp đỡ những bạn gặp hoàn cảnh khó khăn hơn mình, biết lắng nghe và tôn trọng cá tính, sở thích của nhau. Hãy cùng chung tay lan rộng tình yêu đến với mọi người bằng những hành động thiết thực như tuyên truyền, tham gia vào các phong trào ủng hộ cho những bạn gặp khó khăn, từ thiện về quần áo, sách vở,.. để hỗ trợ cho các bạn kém may mắn hơn mình. Cho đi để nhận lại nhiều hơn.
Đoàn Tiến Anh