TNV - Hạnh phúc là điều mà hàng ngàn đời nay mỗi chúng ta luôn mong muốn đạt được trong cuộc sống của mình. Ở mỗi thời điểm, mỗi địa điểm khác nhau, chúng ta sẽ mong muốn hạnh phúc với những nội hàm khác nhau.
Tác giả đứng ngoài cùng hàng đầu trong Lễ tổng kết năm hoc 2017-2018
Hiểu một cách đơn giản nhất hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. Đó là mục tiêu sống, mục tiêu hành động của bất cứ cá nhân nào trong cuộc đời này. Vì thế, giáo dục với vai trò quan trọng của nó cũng cần phải được nhìn nhận, được tiếp cận ở việc mang lại hạnh phúc cho người học và nhà trường phải trở thành trường học hạnh phúc, ở đó mọi người đều có được cảm giác sung sướng vì đạt được ý nguyện. Trong đó quan trọng nhất là làm thế nào để mỗi thầy giáo, cô giáo của chúng ta được hạnh phúc, để họ có thể mang đến hạnh phúc cho học sinh theo kiểu dây chuyền mà hiệu trưởng là người khởi nguồn và tổ chức, kiến tạo; ngược lại, sự thành công và hạnh phúc của học sinh, của giáo viên lại là thành công và niềm vui của hiệu trưởng. Tôi rất tâm đắc với câu nói “Người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”.
Hiện nay, mô hình trường học hạnh phúc đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam, được các cấp lãnh đạo, các nhà trường quan tâm. Các hội thảo xây dựng trường học hạnh phúc được tổ chức khá nhiều. Bộ GD - ĐT cũng đã có công văn số 2033/BGDĐT- NGCBQLGD ngày 13/5/2019 về việc Chỉ đạo, triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo; Ban Thường vụ Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam có công văn số 57/CĐN ngày 15/12/2019 về việchướng dẫn các đơn vị trường học tổ chức và tham gia xây dựng trường học hạnh phúc theo “Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” .
Trường học hạnh phúc (Happy Schools) cũng được tổ chức UNESCO khuyến cáo vào năm 2016, dưới báo cáo thường niên: “Trường học hạnh phúc: Khuôn khổ cho người học ở châu Á-Thái Bình Dương” .
Từ cảm hứng của báo cáo, Tiến sỹ Kim Gwang Jo, Giám đốc UNESCO khu vực tại Bangkok (Thái Lan) đã nghiên cứu và xây dựng Dự án trường học hạnh phúc nhằm kêu gọi thay đổi cơ bản hệ thống giáo dục các quốc gia. Vươn tới ước mơ lớn nhất của con người là cảm nhận và tìm được ý nghĩa, hạnh phúc trong cuộc sống. Dự án như một sáng kiến toàn cầu với tầm nhìn xa hơn về các lĩnh vực học tập truyền thống, đặc biệt xem xét mối quan hệ tương tác giữa hạnh phúc và chất lượng giáo dục và được coi là mục tiêu xuyên suốt của dự án.
Vào những năm đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia cần coi hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của con người, là thước đo chính xác cho tiến bộ xã hội và các mục tiêu chính sách công của các nước trên toàn cầu. Giáo dục thế giới, nhất là các nước Châu Á-Thái Bình Dương, đã lập tức đưa ra ngay câu hỏi: Hạnh phúc cá nhân của học sinh sao không thể lấy nó làm thức đo thành tích và chất lượng các nhà trường? Việc tiếp cận nâng cao chất lượng trường học thông qua đánh giá hạnh phúc người học thực chất là quay lại quan niệm về giá trị của giáo dục khối óc và giáo dục con tim, có từ xa xưa “Giáo dục tâm trí mà không giáo dục con tim thì không phải là giáo dục” (Nhà Triết học cổ Aristote 384 TCN). Chính vì vậy giáo dục hiện đại đã chỉ ra rằng: Học tập bao giờ cũng có hai mặt và luôn đan xen nhau, đó là: Học tập là quá trình khám phá, phát hiện và học tập là sự thúc giục của tính ham muốn/thích thú/vui say. Thông qua học tập bằng khối óc được kết hợp học tập bằng con tim là phương thức học tập hiệu quả nhất. Coi trọng đánh giá chỉ số EQ bên cạnh chỉ số IQ truyền thống là minh chứng cho điều này.
Trong thời đại ngày nay, con người là sản phẩm của nhà trường rất năng động nhưng cũng quá căng thẳng trong cuộc sống, chịu áp lực nhiều của sự bất bình đẳng và môi trường ô nhiễm. Giáo dục cần hướng người học tới các giá trị tinh thần, tới lòng tốt và biết ơn, tới tinh thần cộng đồng và tính kiên trì. Các quốc gia cần định vị lại trường học, thay vì chỉ chú trọng dạy học theo tư duy phê phán, cần giải quyết vấn đề phát triển các giá trị của cảm xúc và của hạnh phúc, nâng cao lòng tự tin và năng lực hợp tác trong quá trình học tập và làm việc.
Từ điển bách khoa định nghĩa về hạnh phúc như sau: “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí.” Hạnh phúc, sung sướng là hai từ gần nghĩa, đều chỉ cảm giác thoải mái khi đạt được một giá trị, một mục đích, một kết quả… nhưng điểm khác nhau nằm ở tính hữu hình hay vô hình của giá trị, của mục đích, của kết quả đạt được đó. Chẳng hạn, tình yêu, sự thành công, sự nổi tiếng, sự yêu mến… mang lại hạnh phúc. Còn tiện nghi sinh hoạt, sự giàu có… mang lại sung sướng. Ngoài ra, còn phải kể đến cảm giác sung sướng khi được thỏa mãn các bản năng cơ bản như ăn uống, vui chơi giải trí, sinh hoạt tình dục…
Nếu so sánh một cách tương đối giữa hạnh phúc và sung sướng thì hạnh phúc liên quan đến lý trí và sung sướng liên quan đến bản năng. Nhà triết học Platon nói: “Nếu coi thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc…”
còn C.Mác nói: “Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất…”.
Mỗi một người có vô số điều mong muốn, mỗi mong muốn tượng trưng cho lòng tham. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta từ bỏ những điều mình mong muốn. Hạnh phúc cũng vậy, ai sống trên đời cũng muốn có được hạnh phúc. Nhưng có một hạnh phúc thật sự thì không phải người nào cũng có. Hạnh phúc không được định nghĩa mà đó là khái niệm trong tình cảm chỉ kết quả của cuộc sống tốt đẹp. Hạnh phúc là lúc chúng ta bắt đầu cất tiếng khóc chào đời, hạnh phúc là lúc 2 người bạn giúp nhau vượt qua mọi khó khăn, hạnh phúc là khi nhận được của ai đó một tình yêu chân thành.
Hạnh phúc từ đâu đến?
Hạnh phúc đến với mỗi người một cách khác nhau, tùy nghề nghiệp, tùy hoàn cảnh, tùy tâm trạng ước mơ của mỗi người. Tùy quan điểm sống của mỗi người có khi họ đã giàu có rồi, muốn giàu có hơn người khác, kiếm tiền và kiếm tiền, bất chấp đạo đức, để người khác phải kính trọng sự giàu sang, không coi thường họ, đối với họ đó là hạnh phúc. Cảm giác hạnh phúc thay đổi theo năm tháng, lúc nhỏ khác, khi trưởng thành khác. Hạnh phúc cũng thay đổi tùy theo giới tính, tùy môi trường, trình độ. Tuy nhiên, hạnh phúc có nhiều mẫu số chung. Hạnh phúc, dường như chỉ là một hình thức cảm giác sinh ra từ trí tưởng tượng, có khi không thật nhưng lại tồn tại quanh quẩn đâu đó mà không biết đến.
Trường học hạnh phúc là điều mà nhiều nhà quản lý, nhiều thầy cô giáo đang hướng đến. Tuy nhiên, như thế nào là trường học hạnh phúc? làm gì để có trường học hạnh phúc? trường học hạnh phúc cần gì?... vẫn luôn là những trăn trở của mỗi thầy cô giáo, mỗi nhà quản lý giáo dục.
Xuất phát từ mục đích của trường học hạnh phúc là thúc đẩy sự phát triển toàn diện và đem lại hạnh phúc cho người học, chúng ta có thể coi triết lý trường học hạnh phúc như là: Con người ta tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nhờ có hạnh phúc . Từ đó có thể hiểu trường học hạnh phúc “Là ngôi trường mà ở đó học sinh được phát triển toàn diện, trở thành chính mình và các em được che chở bởi môi trường học tập an toàn, thân thiện và đầy tình thương”. Ngoài ra, có những tên gọi khác của trường học hạnh phúc như là “Trường học vui vẻ”; “Trường học sung sướng” hay “Trường học có phước”.
Khi coi trường học hạnh phúc như là một mô hình nhà trường đổi mới, thì bản chất của mô hình không khác nhiều so với các mô hình giáo dục đã có ở nhiều quốc gia, như: “Trường học thân thiện với trẻ em”( CFS) của UNICEF hay “Trường học thân thiện và học sinh tích cực” của Việt Nam... Điểm khác biệt có tính sáng tạo của mô hình trường học hạnh phúc là người ta đã “lọc” ra những thành tố có khía cạnh nội dung tâm lý và xã hội từ các thành tố của tất cả các mô hình giáo dục đã có, để rồi tổng hợp lại thành 22 tiêu chí mang đặc trưng của một trường học hạnh phúc . Mô hình trường học hạnh phúc được xây dựng trên cơ sở một số các nguyên lý học tập cơ bản như: Lý thuyết học tập cảm xúc; Lý thuyết học tập xã hội; Lý thuyết Perma về tâm lý học tích cực . . .
Khoa học đã chứng minh, việc đưa mô hình trường học hạnh phúc vào nhà trường dưới dạng lồng ghép vào các mô hình dạy học đổi mới khác thì thành tích học tập của học sinh được tăng lên 10-12%. Hạnh phúc như là một loại kỹ năng mềm và được hình thành theo quy trình vòng tròn khép kín, như sau: Môi trường học đườngàHọc sinh tỏ thái độ àBắt đầu động não àNhận thấy hạnh phúc (tích cực hay tiêu cực)àĐưa ra hành độngàCho thành tích học tậpà Môi trường học đường.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã từng đưa ra khẩu hiệu, được coi như là triết lý trong học tập của ông, đó là “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Học sinh tới trường không phải là sự ép buộc của gia đình mà là niềm vui của học sinh khi được gặp bạn bè, thày cô, được hiểu biết thêm về kiến thức và được trải nghiệm nhiều trong cuộc sống. Đây có thể hiểu như là một cách tiếp cận mô hình trường học hạnh phúc.
UNESCO đã đưa ra một mô hình trường học hạnh phúc xoay quanh 3 chữ P và bao gồm 22 tiêu chí: Chữ P đầu tiên People (Con người) , tức để có một trường học hạnh phúc thì cần chú trọng xây dựng những giá trị nhân văn và những chuẩn mực hành xử tích cực giữa người với người, giữa các chủ thể trong nhà trường, đặc biệt là ở giáo viên; Chữ P thứ hai là Process (Quá trình) , tức các quy trình, chính sách, hoạt động dạy và học… được thiết kế để vận hành ngôi trường ấy hợp lý và hiệu quả; Chữ P thứ ba là Place (Môi trường học tập) , tức những không gian vật chất lẫn không gian văn hóa giúp cho trường học là một môi trường an toàn, thân thiện với giáo viên và học sinh.
Xây dựng trường học hạnh phúc nhằm tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ, văn minh và phát triển, cần sự chung tay của đội ngũ những người làm thầy, của học sinh, phụ huynh học sinh và của toàn xã hội góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của nước nhà tiến bộ và phát triển hơn nữa, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng con người mới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.
Hạnh phúc không phải là cái gì đó cao siêu hay trên trời rơi xuống hay được ai ban phát mà nó nằm ngay trong cảm nhận, suy nghĩ và hành động cụ thể hàng ngày của mỗi giáo viên và học sinh, nhất là khi họ được trải nghiệm. Vì vậy mỗi nhà trường hãy bắt đầu từ hiệu trưởng để cùng nhau thảo luận rồi cùng nhau thực hiện khung tiêu chí, gồm 3 nhóm, do UNESCO đưa ra về những gì có thể xây dựng để mỗi nhà trường trở thành trường học hạnh phúc, cụ thể:
2.1. Về con người : Bao gồm các mối quan hệ có liên quan trong trường, như: Tình bạn học đường giữa các học sinh; Học sinh quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau; Tình thương và đầy sự bao dung của thày cô giáo với học sinh; Các em cần nhiều hơn nụ cười hiền hậu của thày cô; Giúp học sinh có nhu cầu đặc biệt và theo đuổi ước mơ; Cộng đồng hỗ trợ thiết thực cho trường; Khuyến khích cha mẹ học sinh tham gia toàn diện và thường xuyên với trường; Tin tưởng nhà trường và kính trọng giáo viên; Lãnh đạo trường bình đẳng, tôn trọng và giao quyền tự chủ nhiều cho giáo viên, học sinh.
2.2 Về quá trình : Bao gồm các phương pháp dạy học, như: Học nhóm; Nội dung học tập có liên hệ với thực tiễn; Khối lượng học tập hợp lý, giảm áp lực cho học sinh; Học sinh tự do bày tỏ ý kiến và được phép mắc lỗi trong học tập; Tổ chức hoạt động học thú vị và lôi cuốn; Giáo viên thường xuyên phản hồi tới học sinh; Lắng nghe cảm xúc của các em; Tăng cường hoạt động trải nghiệm trong lớp và ngoài nhà trường; Học ở ngoài thiên nhiên và trong xã hội.
2.3 Về địa điểm học : Bao gồm các yếu tố về môi trường, như: Học sinh được chơi ngoài trời, gần gũi thiên nhiên, cây xanh; Khung cảnh nhà trường đẹp và bắt mắt; Trường lớp ấm áp và thân thiện; An toàn và không cạnh tranh, không căng thẳng và không mất về sinh; Dinh dưỡng cho học sinh được đảm bảo; Nhu cầu học sinh ngày càng được đáp ứng.
Ba nhóm tiêu chí trên chỉ là “nền”, nhưng lại “mở” khi xây dựng trường học hạnh phúc . Tùy vào nhận thức, đặc biệt thực trạng của mỗi nhà trường mà được cụ thể hóa, chi tiết hóa để chúng trở thành các “tiểu tiêu chí” mang nặng ý nghĩa thực tiễn cũng như có giá trị riêng của mỗi trường khi xây dựng để thành trường học hạnh phúc .
Hiệu trưởng và giáo viên là những nhân tố quan trọng là người truyền cảm hứng và cũng là người cầm lái “con tầu” trường học hạnh phúc. Vì vậy, trước hết các thày cô phải có được tâm thế của người hạnh phúc và sẵn sàng chấp nhận là người chưa được hưởng hạnh phúc. Hơn bao giờ lúc này, nhà nước cần hết sức lắng nghe cảm xúc của các nhà giáo về những lo toan thường nhật của một con người, về những áp lực căng thẳng của nhà trường, của xã hội mà thời nay có, thời xưa không có. Mong muốn có được những hành động phản hồi hạnh phúc cho đội ngũ nhà giáo.
Có thể nói trường học hạnh phúc là nét đẹp văn hóa của riêng mỗi nhà trường. Ở đó giáo viên và học sinh là những người biết sống tử tế, thương yêu và tôn trọng lẫn nhau. Trường học hạnh phúc thực sự là niềm tự hào, là truyền thống, là thương hiệu đặc thù và cũng chính là địa chỉ tin cậy của cộng đồng và xã hội. Như vậy trường học hạnh phúc không thể là ngôi trường được đánh giá chung chung hay nặng về các tiêu chí chuyên môn.Trường học hạnh phúc là có giá trị riêng, điểm sáng được “phát lộ” thông qua những con người có phong cách sống, qua quá trình dạy - học nhẹ nhàng mà hiệu quả và qua môi trường giáo dục hấp dẫn với trẻ và cha mẹ các em.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý do hạnh phúc chúng ta không thể tóm lấy hay bắt được nó mà chúng ta chỉ có thể cảm nhận được nó mà thôi. Vì thế hạnh phúc thường dễ dẫn tới liên tưởng vào các hiện tượng siêu thực. Do vậy, quan điểm hạnh phúc cần thuần túy khoa học cảm xúc tránh lồng ghép vào các yếu tố tôn giáo hay tâm linh trong quá trình xây dựng mô hình trường học hạnh phúc .
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, chủ trương của ngành giáo dục là xây dụng mô hình: “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc”, với hai chỉ số quan trọng nhất trong mục tiêu giáo dục của mỗi nhà trường là hạnh phúc và chất lượng. Do vậy, nhiều trường học đã bắt đầu tạo ra những thay đổi đột phá về tư duy, mạnh dạn trong cách làm, sáng tạo trong tiếp cận để đạt được mục tiêu cho nhà trường. Tháng 4/2019, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động "Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc" . Tại đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã kêu gọi đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo chung tay xây dựng trường học hạnh phúc với các giá trị cốt lõi: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, làm tốt 3 tiêu chí này, mỗi người chúng ta sẽ thấy hạnh phúc và hạnh phúc thực sự, chứ không phải sự ép buộc. Đây là nhu cầu tự thân, là động lực để các thành viên trong nhà trường phấn đấu.
Hà Quang Vinh
(Trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên)