Các trường không đủ phòng học, giáo viên để bố trí học sinh, sinh viên ngồi cách nhau tối thiểu 1,5 m khi đi học trở lại theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Trong công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 21/4, Bộ Y tế yêu cầu hai Bộ xây dựng hướng dẫn chi tiết công tác phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục dựa trên hướng dẫn đã được Bộ Y tế ban hành. Trong đó Bộ Y tế đặt ra tiêu chí các trường phải đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi giữa học sinh, sinh viên tối thiểu 1,5 m.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng quy định giãn cách học sinh 1,5 m không khả thi. Trường có 39 lớp với 20 phòng học, mỗi lớp trung bình 45 học sinh, ngày thường ba khối học so le sáng, chiều thì vừa đủ phòng ốc. Nếu một lớp không quá 20 học sinh, ngồi cách nhau 1,5 m, trường sẽ không đủ phòng và giáo viên. "Một lớp 45 học sinh phải chia ba, trong một buổi chúng tôi không thể dạy ba ca, mỗi ca 4-5 tiết", nữ hiệu trưởng nói.
Lãnh đạo trường hy vọng khi Hà Nội xuống "nhóm nguy cơ thấp", các quy định về khoảng cách trong lớp học được xóa bỏ. Trường hợp vẫn phải tuân thủ quy tắc học sinh trong lớp phải ngồi cách xa nhau, nữ hiệu trưởng đang tính đến phương án cho khối 10 và 11 tiếp tục học online, dành không gian lớp học và đội ngũ giáo viên tập trung ôn luyện cho học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT.
"Tôi hiểu việc cho học sinh lớp 10 và 11 học tại nhà sẽ gây thiệt thòi cho các em. Tuy nhiên, trường hợp phải lựa chọn và tuân thủ tất cả yêu cầu về phòng chống dịch, cách này đảm bảo an toàn nhất cho các em", cô nói.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, cũng cho rằng quy định học sinh phải ngồi cách nhau tối thiểu 1,5 m sẽ gây khó cho trường đông học sinh. Trường hợp bắt buộc, lãnh đạo phòng đang xây dựng phương án chia ca, mỗi ca học hai ngày chứ không chia nhiều ca trong cùng một ngày, gây khó khăn cho việc đi lại.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông dự định tiếp tục dạy học online vào buổi tối trong trường hợp thiếu thời gian và chậm chương trình khi học theo ca. "Tuy nhiên, sau ngày 1/5 mà Hà Nội không ghi nhận thêm ca nhiễm, chúng tôi dự định đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học sinh đi học và ngồi như bình thường để triển khai chương trình một cách đồng bộ", bà Hằng nói.
Cùng quan điểm, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, cho rằng việc chia nhỏ mỗi lớp và ngồi giãn cách chỉ phù hợp với trường ít học sinh, sĩ số mỗi lớp ít. Khi đó, trường có thể giảm một buổi cho từng lớp để chia ca học cho các khối.
Việc chia ca cũng gây khó khăn vì các trường không thể đảm bảo vệ sinh phòng học liên tục giữa các ca. "Hà Nội có hơn 2,2 triệu học sinh, riêng quận Hồ Tây hơn 30.000 em với 900 phòng học, việc giữ khoảng cách cho các em trong lớp theo yêu cầu trên rất khó", ông Vũ nói.
Học sinh trường THCS - THPT Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) học trở lại ngày 20/4. Ảnh: Khánh Hưng.
Ở TP HCM, thầy Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hữu Trang, quận 5 cũng cho rằng việc giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m giữa học sinh là bất khả thi. Hiện trường có 21 lớp với gần 1.000 học sinh, 21 phòng học, sĩ số trung bình 45.
Trường hợp chỉ tổ chức cho một khối đi học trước để đáp ứng yêu cầu do Bộ Y tế đưa ra, trường phải "chẻ" đôi lớp học nhưng khi đó lại không đủ giáo viên. "Chưa kể lúc học sinh vào trường, ra chơi, tan học sẽ khó giữ và kiểm soát được khoảng cách 1,5 m. Lúc đó quy định này không còn ý nghĩa, tạo áp lực cho các trường", thầy Cang nói.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo một quận ở TP HCM cho hay, theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sĩ số lớp tiểu học không quá 35 em nhưng thực tế nhiều trường 40-50 em. Nếu bố trí chỗ ngồi cho học sinh cách nhau 1,5 m, một lớp phải chia làm 2-3 lớp nhỏ, chắc chắn không đủ phòng lẫn giáo viên.
Ở khối trường dạy nghề do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý, nhiều trường không đồng tình với quy định trên vì không thể thực hiện. TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Bách khoa TP HCM, cho rằng tiêu chuẩn này cứng nhắc, dù trường có thể bố trí để đáp ứng khoảng cách vì chỉ có 1.000 người học. Việc giao lưu, tiếp xúc gần của học sinh, sinh viên ngoài giờ học không thể cấm, khi đó việc giữ khoảng cách 1,5 trong giờ học không còn ý nghĩa.
"Các biện pháp phòng chống Covid-19 như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên là hợp lý, cần thiết, riêng quy định khoảng cách giữa học sinh tối thiểu 1,5 m chẳng khác nào đánh đố", ông Sáng nói. Theo hiệu trưởng này, thay vì quy định cứng, các bộ nên đưa ra tiêu chuẩn "mở" là phòng học cần thông thoáng, học sinh mỗi em một bàn, giãn cách hơn ngày thường.
Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh khung thời gian năm học. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.
Đến trưa 23/4, 26 địa phương cho học sinh đi học trở lại trong tháng 4 và đầu tháng 5.
Theo vnexpress