TNV – Sáng ngày 11/01, tại Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1 tổ chức Hội thi, triển lãm “Đồ dùng dạy học dành cho giáo dục đặc biệt” năm học 2021 - 2022. Trong đó có Mô hình “Sắc màu tuổi thơ” đến từ nhóm giáo viên Trường Tiểu học Chương Dương (tại số 494, Võ Văn Kiệt, Phường Cầu Kho, Quận 1) đã mang đến Hội thi với nhiều thông điệp và ý nghĩa thiết thực.
Hội thi, triển lãm “Đồ dùng dạy học dành cho giáo dục đặc biệt” do Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1 tổ chức với mục đích đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi trong các trường có học sinh khuyết tật học chuyên biệt và hòa nhập; đồng thời, qua Hội thi, nhằm bổ sung những trang thiết bị, đồ đùng dạy học trong các đơn vị có học sinh khuyết tật học chuyên biệt và hòa nhập.
Nhóm tác giả Mô hình “Sắc màu tuổi thơ” đến từ Trường Tiểu học Chương Dương gồm Cô Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Tổ trưởng tổ chuyên môn 1, Nhóm trưởng, cùng 2 thành viên là cô Lê Ngọc Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1 và cô Trần Thị Tường Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/1.
Theo Cô Nguyễn Thị Ngọc Hoa cho biết, trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt cần được hưởng quyền lợi chính đáng, được học tập trong môi trường bình thường, được hòa nhập vui chơi như bao đứa trẻ khác, đó là quan điểm mang tính nhân đạo, nhân văn cao, thể hiện quyền bình đẳng mà công ước quốc tế, Luật bảo vệ - chăm sóc bà mẹ, trẻ em đã thừa nhận.
Việc học tập chung với những trẻ bình thường, giúp trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt sẽ hiểu đúng về năng lực của mình, từ đó trẻ có thể tìm được cách phát huy những tiềm năng và tự phát triển. Đây là chất xúc tác quan trọng, làm tăng quá trình lĩnh hội những kỹ năng sống của trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt, giúp các em hòa nhập tốt trong cộng đồng, xã hội sau này.
“Với những suy nghĩ trên, nhóm đã tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu, tổng kết từ kinh nghiệm thực tiễn trong giáo dục hòa nhập trẻ đặc biệt thời gian qua và đã mạnh dạn thực hiện đồ dùng dạy học với sản phẩm mang tên “Sắc màu tuổi thơ”, nhằm đáp ứng yêu cầu cần sự giúp đỡ đặc biệt của giáo viên, nhất là đối với trẻ hòa nhập ở lớp 1”, Cô Nguyễn Thị Ngọc Hoa chia sẻ.
Mô hình “Sắc màu tuổi thơ” được sử dụng những nguyên vật liệu tái chế như chai nước suối, que kem, giấy, bìa kiếng đã qua sử dụng... mang lại hiệu quả cao, an toàn, sử dụng được lâu dài, có thể thay đổi vị trí các thành phần trong mô hình để có không gian học phù hợp với nhu cầu của từng trẻ và học sinh có thể tự thao tác trực tiếp trên đồ dùng.
Đối tượng sử dụng đồ dùng dạy học này được xác định là những học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt như khuyết tật về vận động, khuyết tật về trí tuệ, tăng động, giảm chú ý… nhằm giúp trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt sẽ tự tin hơn trong các sinh hoạt hằng ngày; biết bày tỏ ý kiến và điều mình mong muốn với người xung quanh; giúp trẻ nâng cao nhận thức, hình thành nhân cách, phát triển toàn diện kỹ năng cần thiết.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương Đinh Thị Kim Thoa cho biết: “Mô hình “Sắc màu tuổi thơ” được nhóm tác giả tích hợp từ nhiều môn học như: Toán, Tiếng Việt, Mĩ thuật và giáo dục An toàn giao thông, có thể giúp các em học được các môn trong suốt quá trình từ lớp 1 đến lớp 5”.
Trong mô hình, dựa vào các hình khối có hạt màu giúp học sinh nhận diện được màu sắc; xác định thứ tự các con số trong dãy số tự nhiên; thực hiện được các phép tính cộng, trừ đơn giản; từ đó, góp phần hình thành và hoàn thiện dần các kỹ năng toán học cho học sinh như đếm, nhận dạng số lượng, sắp xếp số lượng, so sánh số lượng, bước đầu làm quen với việc ước lượng…
Ngoài ra, thông qua các hình ảnh trên mô hình, học sinh có thể nhận dạng âm, vần, từ đó hình thành tiếng, từ, câu theo khả năng của các em; nhận diện và nhớ bài thơ ngắn qua hình ảnh gần gũi với học sinh, giúp học sinh tăng vốn từ, vốn sống, thêm yêu tiếng Việt. Trong mô hình còn có bảng cài giúp học sinh nhận diện âm, vần, từ, giúp các em hình thành các năng lực tự chủ, tự học, tự giải quyết vấn đề ở mức độ đơn giản.
Ngoài ra, mô hình còn có bảng đèn xanh, vàng, đỏ giúp giáo viên đánh giá học sinh, hay học sinh tự đánh giá khả năng của mình qua 3 mức độ, qua đó, cũng góp phần giáo dục ý thức An toàn giao thông cho các em.
Theo quy định của Ban tổ chức Hội thi, các sản phẩm dự thi được quy định phải chưa đạt giải ở bất kỳ cuộc thi nào được tổ chức tại Việt Nam hay quốc tế qua các năm và Ban Tổ chức được toàn quyền sử dụng sản phẩm tham gia dự thi cho mục đích truyền thông của hội thi.
Được biết Hội thi, triển lãm “Đồ dùng dạy học dành cho giáo dục đặc biệt” năm học 2021 - 2022 được diễn ra từ ngày 10/01 và dự kiến bế mạc, tổ chức trao giải vào ngày 14/01/2022.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương Lê Công Minh chia sẻ: “Trong suốt thời gian qua, lãnh đạo nhà trường luôn tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi nhằm phát huy tính tích cực và tiềm năng sáng tạo của giáo viên trong việc nghiên cứu, tự thiết kế đồ dùng dạy học, đồ chơi phục vụ thiết thực cho hoạt động đổi mới dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.
Một số hình ảnh hoạt động của trường:
Nhóm tác giả Mô hình “Sắc màu tuổi thơ” đến từ Trường Tiểu học Chương Dương đang triển khai thiết kế sản phẩm.
Nhóm tác giả Mô hình “Sắc màu tuổi thơ” đến từ Trường Tiểu học Chương Dương vui mừng với thành phẩm của mình.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Tổ trưởng tổ chuyên môn 1 Trường Tiểu học Chương Dương, Trưởng nhóm tác giả Mô hình “Sắc màu tuổi thơ” đang thuyết minh ý nghĩa của đề tài với Ban giám khảo.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương Lê Công Minh (người thứ 3, bên phải qua); Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương Đinh Thị Kim Thoa (người thứ 3, bên trái qua) và Cô Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Tổ trưởng tổ chuyên môn 1, Trưởng nhóm tác giả Mô hình “Sắc màu tuổi thơ” (người thứ 2, bên phải qua) chụp hình lưu niệm cùng các thí sinh.
Lê Thanh