Là người dân tộc thiểu số (dân tộc Dao), sinh sống ở Pha (thôn vùng 3) thuộc diện 135 đặc biệt khó khăn của xã Đồng Tâm – nơi vùng sâu, vùng xa, nhiều khó khăn của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang – nên 8 tuổi Trương Văn Đồng mới có điều kiện được đến trường và năm 2005 khi 20 tuổi, Đồng mới tốt nghiệp phổ thông trung học.
Do có phẩm chất đạo đức tốt, học hành hết lớp 12, chàng thanh niên bản Dao đã được chính quyền xã chọn vào làm hợp đồng công việc khuyến nông của xã. Thấy Trương Văn Đồng có chí hướng rèn luyện và phấn đấu, năm 2009, xã đã cử đi học Đại học tại chức Nông Lâm Thái Nguyên tại huyện. Trong thời gian học, từng bước Đồng được tín nhiệm giao làm kiêm nhiệm thêm cả công tác lâm nghiệp và thú y của xã.
Cán bộ Huyện đoàn thăm mô hình liên kết trồng rừng sản xuất
bằng giống tốt của Trương Văn Đồng.
Tốt nghiệp chuyên ngành trồng trọt trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên năm 2014, sau gần 2 năm loay hoay tìm tòi áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống, đến cuối năm 2015, Đồng dần nhận ra tại phương mình đang sinh sống có rất nhiều tiềm năng trong việc phát triển kinh tế chưa được khai thác đối với những người có sức trẻ, dám nghĩ dám làm.
Nhờ được vay 200 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp của Đoàn Thanh niên, 100 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của tỉnh Hà Giang cho hộ gia đình trồng trên 2 ha cam đang cho thu hoạch, từ điều kiện tự nhiên của địa phương, từ tìm hiểu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, Trương Văn Đồng đã mạnh dạn vay vốn và liên kết đầu tư phát triển 3 mô hình kinh tế với các hộ gia đình đều lag đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu vốn và có nhu cầu liên kết phát triển kinh tế.
Mô hình liên kết trồng rừng sản xuất bằng giống tốt
Nhận thấy nhiều hộ gia đình có diện tích đất trồng rừng lớn, nhưng vẫn trồng các cây truyền thống cho hiệu quả kinh tế không cao. Đồng đã nảy ra ý định cùng liên kết với các hộ cùng đầu tư phát triển trồng rừng theo hình thức hộ gia đình góp đất, Đồng góp cây giống tốt, phân bón và cùng nhau chăm sóc sau khi thu hoạch lợi nhuận sẽ được chia 50/50. Đến nay, sau 4 năm, Đồng đã liên kết với 18 hộ gia đình (ở thôn Pha, thôn Nhạ và thôn Lâm của xã) trồng và chăm sóc 34 ha rừng sản xuất. Do được trồng bằng giống tốt (cây keo lai PV 10 và cây keo lai Úc) và chăm sóc đúng kỹ thuật nên hiện nay các diện tích rừng đang phát triển rất tốt, dự kiến 3 năm tới sẽ cho thu hoạch với sản lượng cao. .
Đồng cho biết, cây keo lai có ưu điểm phát triển mạnh, cây dài hơn, chịu thâm canh, tự phân hủy cành nên giảm bớt công cắt tỉa. Hiện mô hình này có nhiều tiềm năng và nhận được sự hưởng ứng của nhiều hộ dân nên Đồng sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình trong các năm tới.
Mô hình chăn nuôi trâu sinh sản và trâu vỗ béo
Trong thời gian đầu liên kết trồng rừng, nhận thấy nguồn cỏ tươi rất dồi dào và thời vụ nông nhàn của bà con liên kết còn nhiều, nhất là từ năm thứ 3, khi các diện tích rừng trồng đã ổn định, cây phát triển tốt, cũng là lúc các hộ trồng rừng càng trở nên nhàn rỗi hơn. Làm gì đây để tận dụng các diện tích, nguồn cỏ tự nhiên của rừng trồng và thời gian nhàn rỗi? Câu hỏi đó như một thách thức với chàng trai bản Dao nhiều sáng kiến. Thế là mô hình nuôi trâu sinh sản và nuôi trâu vỗ béo để gắn kết, tận dụng các lợi thế từ mô hình liên kết trồng rừng sản xuất đã ra đời từ. Cuối năm 2017, Đồng đã đầu tư 3 trâu giống, giá trị trên 60 triệu đồng và mở rộng nội dung hợp tác với 3 hộ gia đình đang liên kết trồng rừng để đầu tư nuôi trâu sinh sản, trâu vỗ béo theo hình thức cung cấp con giống, hộ gia đình chăm nuôi, trâu nghé sinh ra sẽ chia cho hộ gia đình chăn nuôi con đầu tiên, còn thứ 2 sẽ thuộc về Đồng và cứ thế xoay vòng lần lượt trong các lứa tiếp theo.
Mô hình nuôi trâu của chàng trai bản Dao
Trước đó, mô hình nuôi trâu vỗ béo tại chuồng đã được Đồng bắt tay vào thực hiện từ năm 2015 với 3 con. Sau năm đầu thực hiện, Đồng thấy nuôi trâu vỗ béo tại chuồng không mất nhiều thời gian chăn dắt mà hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn hẳn so với nuôi trâu chăn thả, có thể so sánh nuôi 3 con trâu vỗ béo tại chuồng nhàn hơn nuôi 1 con lợn, nên từ năm 2016 đến nay Đồng luôn duy trì và nuôi vỗ béo 5 đến 8 con/lần, nuôi từ 3 – 6 tháng thì xuất chuồng. Thu nhập từ nuôi trâu vỗ béo cho gia đình Đồng nguồn thu nhập ổn định trung bình đạt 80 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng chăm sóc cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP
Để tận dụng có hiệu quả nguồn phân chuồng, mặt khác để phát triển cây cam sành là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện từ nhiều năm nay theo hướng tiêu chuẩn an toàn, nên bên cạnh việc liên kết trồng rừng và nuôi trâu vỗ béo, năm 2016, Đồng đã mạnh dạn vay thêm vốn đầu tư mua lại 03 ha diện tích cam sành đang cho thu hoạch về cải tạo và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, do được đầu tư, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, nên diện tích cam phát triển rất tốt mang lại hiệu quả cao và là nguồn thu nhập chính cho gia đình với trị giá từ 80 đến 150 triệu đồng mỗi năm.
Sản phẩm cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP của Trương Văn Đồng
tham gia Hội chợ cam huyện Bắc Quang năm 2018.
Chia sẻ với các bạn trẻ về thành công của mình, Trương Văn Đồng hồ hởi nói: Khởi nghiệp đối với sinh viên sau khi ra trường là một việc vô cùng khó khăn và dũng cảm. Chúng ta có kiến thức nhưng lại thiếu kỹ năng, thiếu vốn và thiếu sự định hướng. Chỉ cần định hướng sai là chúng ta có thể thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng với tinh thần của tuổi trẻ, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, dám dứng lên từ thất bại thì chúng ta có thể thành công! Và các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường các bạn hãy cứ mạnh dạn nên, tuổi trẻ là nhưng khát khao và chỉ có những giấc mơ lớn mới đem lại thành công lớn!.
Bài: Phạm Quỳnh, ảnh do nhân vật cung cấp