Truyền thông về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Thứ hai, 21/05/2018 - 09:14

TNV - Ngày 19/5, tại Ninh Bình, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo “Truyền thông về bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”. Hội thảo đề cập đến vấn đề nâng cao ý thức cho gia đình, nhà trường, xã hội về những tiêu cực và rủi ro cho trẻ em hiện nay khi tiếp xúc môi trường mạng xã hội, đồng thời góp phần định hướng vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội.

IMG_20180520_160300

Ngày nay Internet giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, mang lại cho con người những tiện ích, là kho tàng kiến thức vô tận, phục vụ từ việc học tập cho đến công việc, vui chơi giải trí, giao lưu kết bạn, … Tuy nhiên, Internet, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là đối với trẻ em. Các em phải đối mặt với nhiều loại rủi ro trên mạng như: Bị theo dõi hoặc đánh cắp thông tin cá nhân, bị bắt nạt, bôi xấu, bị lợi dụng, tiếp cận các ấn phẩm không lành mạnh... do các em chưa hiểu đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet.

IMG_20180520_160223

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em đã đặt ra những vấn đề liên quan đến việc sử dụng mạng có tác động như thế nào. Đề ra hàng loạt tác động tiêu cực đến trẻ em: bạo lực trên môi trường mạng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tiết lộ bí mật riêng tư, thế giới ảo xâm hại tình dục trên mạng, đăng tải thông tin không phù hợp, chứng nghiện game - smartphone,  ... Từ đó đã nêu rõ những quy định về quyền của trẻ em, trong đó hai quyền được thảo luận tại hội thảo chính là quyền bí mật riêng tư ( điều 21)  và quyền tiếp cận thông tin (điều 33) .

Theo số liệu thống kê của Unicef năm 2017 thì hơn 1/3 số người sử dụng internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15 - 24. Trong khi đó, đa số trẻ em thiếu kiến thức về công nghệ số. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn.

Chia sẻ kinh nghiệm thế giới trong việc giảm thiểu rủi ro của trẻ em trên môi trường mạng, ông  Nguyễn Sơn Tùng - đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho  biết, hiện nay có 2 giải pháp, đó là giải pháp về quản lý nhà nước và giải pháp giành cho gia đình.

IMG_20180520_160242

Theo đó, về giải pháp quản lý nhà nước sẽ có 3 nội dung chính là: Quy định đối với nhà cung cấp dịch vụ; Cung cấp kênh thông tin về bảo vệ trẻ em trên mạng; Tuyên truyền ứng dụng kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro của trẻ em trên mạng. Còn về giải pháp dành cho gia đình, theo ông Sơn sẽ có 5 phương pháp chính, đó là: Để các thiết bị truy cập Internet ở vị trí có thể truy cập được; Kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hành và trình duyệt Web; Thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em; Cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em;  và cha mẹ và nhà trường cần hưỡng dẫn trẻ em sử dụng mạng internet an toàn đồng thời lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng internet.

Tại hội thảo, Giám đốc Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững Nguyễn Phương Linh đã giới thiệu chương trình "SNET 2018 - Think before you share", sử dụng mạng xã hội thông minh, an toàn do Viện và Cục Trẻ em phối hợp thực hiện. Chương trình nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng và kết nối sự tham gia của các bên liên quan (trẻ em, gia đình, nhà trường, các nhà hoạch định chính sách) về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Nhằm để bảo vệ trẻ em trong vấn đề môi trường mạng, buổi hội thảo đã có những đề xuất về phía báo chí và các cơ quan chức năng. Về phía nhà báo cần phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp phản ánh trung thực, chính xác. Bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và trau dồi kiến thức pháp luật về trẻ em.  Bên cạnh đó, các cơ quan cập nhật đăng tải thông tin phù hợp với lứa tuổi của trẻ em. Quản lí chặt những vấn đề truy cập thông tin an toàn. Phê bình những hành động, những thông tin sai lệch xâm phạm đến trẻ em; Cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm xâm hại đến trẻ em qua mạng xã hội, và các tin tức đăng tải trên mạng không phù hợp với lứa tuổi trẻ em. Đặc biệt, cha mẹ nên trở thành những người bạn với con để các con tin tưởng, chia sẻ với cha mẹ các thông tin, hoạt động của con.

IMG_20180520_160238

Liên quan đến Tháng hành động vì trẻ em năm 2018, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cũng cho biết: Năm nay, Tháng hành động với chủ đề: “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” sẽ được tổ chức để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền phổ biến, vận động các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.

Nội dung của Tháng hành động vì trẻ em năm nay đó là: đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được tham gia vào các vấn đề của trẻ em và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại trong thế giới công nghệ số; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình trong việc phát huy các tác động tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em; Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục, kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em; Thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ em”, tổ chức thực hiện tốt phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền cơ sở, các tổ chức, đoàn thể trong việc quản lý trẻ em.

Minh Mến