Năm 2016, TS. Lê Mai Lan bắt đầu nhận trách nhiệm lãnh đạo một dự án giáo dục của Vingroup là thành lập Trường ĐH VinUni, với sứ mệnh trở thành trường đại học xuất sắc đẳng cấp thế giới, đào tạo nhân tài cho tương lai đầu tiên tại Việt Nam. Vào những ngày cuối năm này, TS. Lê Mai Lan cùng đoàn công tác của dự án bắt đầu hành trình đi "gõ cửa" từng trường đại học thuộc khối Ivy League - nhóm 8 trường đại học tư thục xuất sắc, danh giá và lâu đời nhất nước Mỹ.
Từ khi chỉ là một dự án trên giấy, VinUni chỉ mất 2 năm để có thể đặt bút ký với ĐH Cornell và ĐH Pennsylvania (UPenn) năm 2018. Một năm sau, tháng 12 năm 2019, ĐH VinUni có quyết định thành lập chính thức và hoạt động theo mô hình đại học tinh hoa. Trên cánh đồng làng Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội), chỉ sau 14 tháng triển khai xây dựng thần tốc, tháng 1/2020, Trường ĐH VinUni đã khánh thành và bắt đầu tuyển sinh khóa học đầu tiên.
Tháng 10/2020, VinUni có lễ khai giảng đầu tiên.
Ngày 23/9/2024, VinUni trở thành trường đại học trẻ nhất thế giới đạt chứng nhận QS 5 Sao toàn diện của Tổ chức xếp hạng giáo dục uy tín hàng đầu thế giới QS - Quacquarelli Symonds (Anh).
Kể từ khi có quyết định thành lập, VinUni đã có hành trình 5 năm khai mở con đường, phát triển thần tốc, tràn đầy khát vọng với mục tiêu trở thành "Đại học xuất sắc".
Tại Phòng Truyền thống của VinUni, nơi lưu giữ, ghi dấu chặng đường từ khi đặt những "viên gạch" đầu tiên đến những mốc son của trường trong suốt 5 năm qua, TS. Lê Mai Lan (Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học VinUniversity) đã có những chia sẻ về VinUni và "sự nghiệp" làm giáo dục của mình, một cách đầy tự hào và nhiều cảm xúc.
Xin chào TS. Lê Mai Lan, mới đây, VinUni đã đạt chứng nhận QS 5 Sao toàn diện, trở thành trường đại học trẻ nhất thế giới đạt được danh hiệu danh giá này. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Trường, cảm xúc của bà như thế nào?
Cảm xúc đầu tiên của tôi là xúc động và tự hào! Chúng tôi luôn muốn xây dựng một thương hiệu giáo dục Đại học Việt Nam, tự tin "đánh dấu" hai chữ "Việt Nam" trên bản đồ giáo dục Đại học thế giới. Đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Khi đạt được chứng nhận QS 5 sao, tôi thấy rằng người Việt Nam mình hoàn toàn có thể làm được những điều lớn lao, tầm vóc thậm chí làm với tốc độ nhanh đến bất ngờ.
Điều khiến tôi vui nhất là những nỗ lực, vất vả của tất cả mọi người, đội ngũ lãnh đạo, các giáo sư, giảng viên và sinh viên đã được đền đáp. Con đường mà chúng tôi đã chọn là đúng. Tôi càng thêm tin tưởng vào chiến lược và mục tiêu mà chúng tôi theo đuổi.
Đặc biệt, một điều khiến tôi tự hào là đã đáp lại được kỳ vọng của những bậc phụ huynh và các sinh viên khóa đầu tiên. Họ đã "tạm ứng niềm tin" vào trường, trao gửi tương lai của con em mình vào một ngôi trường không tuổi mới hình thành. Sự tin tưởng ấy là điều tôi vô cùng trân quý.
Theo bà, dấu mốc được công nhận QS 5 Sao toàn diện có ý nghĩa như thế nào với VinUni?
Việc được công nhận QS 5 sao toàn diện chính là một bảo chứng của uy tín và chất lượng. Đây là kết quả của quá trình thẩm định kỹ lưỡng và gắt gao từ một tổ chức danh giá trong lĩnh vực giáo dục toàn cầu. Nhận được QS 5 sao toàn diện khiến chúng tôi tự tin và quyết tâm, kiên định hơn trên hành trình sắp tới.
Nhìn lại hành trình từ những ngày ý tưởng về VinUni mới là bản thảo trên giấy, rồi đến một nhóm công tác nhỏ, bây giờ đã trở thành Đại học trẻ nhất thế giới đạt chứng nhận QS 5 sao, đã có khóa sinh viên xuất sắc tốt nghiệp, TS có cảm nhận như thế nào?
Với chiều dài phát triển hàng trăm năm của nền giáo dục Đại học thì 5 năm chỉ là một chặng đường ngắn. Nhưng với chúng tôi, đó là hành trình dài, mỗi ngày đều có rất nhiều những công việc cần xử lý. Không chỉ riêng cá nhân tôi mà cả đội ngũ đều làm việc với 100%, thậm chí 200% sức lực. Đó là 5 năm của nỗ lực bền bỉ. Khi nhìn lại, tôi cảm thấy tự hào, những việc chúng tôi làm thật sự có ý nghĩa và những thành quả ban đầu xứng đáng với những vất vả, nỗ lực đó.
8 năm trước, điều khiến chúng tôi trăn trở, hình thành ý tưởng, đó là những bậc phụ huynh Việt Nam luôn cố gắng chắt chiu từng đồng để gửi con em đi du học. Nhưng thực tế là nhiều sinh viên ở lại sau khi du học, còn nếu về nước cũng gặp không ít khó khăn trong việc hòa nhập với văn hóa, môi trường tại quê nhà. Chúng tôi đã ấp ủ khát vọng xây dựng một ngôi trường Đại học xuất sắc, địa chỉ giáo dục đẳng cấp quốc tế ngay tại đất nước mình.
Không chỉ muốn giữ chân nhân tài, chúng tôi còn muốn trở thành điểm đến cho sinh viên quốc tế đến để học tập và phát triển.
TS có thể chia sẻ chi tiết về một số sự kiện đặc biệt, là dấu mốc quan trọng trong quá trình tự khai mở con đường, từ khi khởi nguồn hình thành VinUni đến khi VinUni phát triển và có vị thế được công nhận như hiện tại?
Với tôi, có 2 cột mốc đặc biệt quan trọng với VinUni. Ngày 24/7/2017, khi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng chính thức phê duyệt sứ mệnh và tầm nhìn của VinUni, đó là thời điểm chúng tôi bắt đầu thực hiện một sứ mệnh "tham vọng" và khác biệt: Xây dựng một trường Đại học xuất sắc, nơi phát triển nhân tài cho tương lai.
Cột mốc thứ hai là ngày 3/4/2018, khi VinUni ký kết thỏa thuận chiến lược với hai đối tác là "cây đại thụ" trong nền giáo dục ĐH tinh hoa thế giới, ĐH Cornell và ĐH Pennsylvania (Mỹ).
Sau này, với mọi người đến VinUni, trường không chỉ là một địa chỉ giáo dục, mà còn là một tầm nhìn, một lý tưởng chạm đến trái tim. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ. Đây là một giấc mơ khác biệt, táo bạo và đầy cảm hứng. VinUni là nơi hội tụ và truyền cảm hứng cho những con người tài năng, khao khát chinh phục và kiến tạo tương lai.
2 đối tác toàn diện của VinUni đều là trường trong nhóm Ivy League, là những trường danh tiếng nhất thế giới. Đây liệu có phải là chiến lược "đứng trên vai người khổng lồ" của VinUni không, thưa bà?
Tôi nghĩ đúng là như vậy. Việc họ đồng ý hợp tác và hỗ trợ chiến lược cho VinUni là một bước ngoặt rất quan trọng. Họ "sát cánh" với chúng tôi trên từng bước đi, từ tư duy chiến lược, cử người sang dẫn dắt, hỗ trợ tuyển dụng và tuyển sinh đến việc cùng chúng tôi kiểm định chất lượng, đồng hành xây dựng chương trình đào tạo. Có tầm nhìn và sứ mệnh khác biệt là một chuyện, nhưng để hiện thực hóa được điều đó, nếu không có những đối tác lớn như vậy, chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian khi phải tự tìm đường.
Bà có thể chia sẻ một kỷ niệm hay một chi tiết khiến bà nhớ nhất về quá trình ban đầu khi "gõ cửa" các trường đại học thuộc khối Ivy League không?
Với tôi, có lẽ đó là hành trình thú vị khi đến đại học Pennsylvania. Khi chúng tôi vừa giới thiệu về Việt Nam, về Vingroup, họ đã nói rằng: "Tôi biết rồi, tôi biết Chủ tịch của bà là ai, là một người khởi nghiệp quả cảm như thế nào. Chúng tôi tin rằng đây là một đối tác "nói được, làm được". Cornell đã đồng ý, chúng tôi cũng sẵn sàng".
VinUni đã có hành trình hơn 5 năm phát triển "thần tốc". Những yếu tố nào đã đưa Trường có được những bước tiến "thần tốc" như vậy, thưa bà?
Có 4 yếu tố tạo nên những bước tiến như vậy.
Thứ nhất, là khát vọng lớn, một khát vọng vươn tới điều tưởng chừng bất khả thi, được kế thừa và gửi gắm từ tầm nhìn và sứ mệnh của Vingroup. Chính khát vọng ấy tụ hội mọi người lại với nhau, gắn kết họ trong một mục tiêu chung. Khát vọng ấy trở thành động lực để mỗi người không từ bỏ, dù con đường có gian nan đến đâu, vẫn ngồi lại cùng nhau làm cho bằng được.
Thứ hai, VinUni áp dụng được cách quản trị của "Vingroup Way" theo 6 Hóa, bao gồm Hệ thống hóa, Hạt nhân hóa, Đơn giản hóa, Chuẩn hóa, Tự động hóa và Hiệu quả hóa. Nguyên tắc này đã giúp chúng tôi làm việc tập trung, chọn lựa những nhiệm vụ quan trọng nhất và dồn toàn bộ sức lực, trí lực để làm.
Thứ ba, là sự học hỏi và thử nghiệm không ngừng.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ từ Cornell và Pennsylvania, những "người khổng lồ" đã đồng hành một cách toàn diện trên con đường phát triển của VinUni.
Được biết, nhiều giáo sư và chuyên gia đầu ngành, đến từ các trường top đầu thế giới tham gia giảng dạy tại VinUni. VinUni đã làm như thế nào để có thể "chiêu mộ" được nhiều nhân tài như vậy, thưa bà?
Câu chuyện của VinUni không chỉ là một lý tưởng, mà là một tầm nhìn và quyết tâm, đã chinh phục những giáo sư danh tiếng. Họ đã có sự nghiệp vững chắc ở quê hương với hệ sinh thái nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, học trò, đối tác và các nguồn tài trợ sẵn có. Để họ quyết định rời bỏ những gì đã có để đến một đất nước khác, họ cần phải nhìn thấy một lý tưởng đủ mạnh mẽ và một câu chuyện thực sự thuyết phục.
Họ cảm thấy ngạc nhiên, thậm chí tò mò khi một trường đại học chưa hình thành lại dám mơ ước trở thành một đại học xuất sắc. Nhưng chỉ có lý tưởng thôi thì chưa đủ, họ cũng phải nhìn vào thực lực. Liệu trường có thể tạo ra môi trường nghiên cứu, tư vấn, và khuyến khích đổi mới sáng tạo như những nơi họ đã từng làm?
Họ nhìn thấy VinUni có tầm nhìn mạnh mẽ, có khả năng thực thi, có tiềm lực do Vingroup hậu thuẫn. Chính sự kết hợp giữa lý tưởng, tầm nhìn, khả năng thực thi vượt trội đã giúp VinUni chinh phục được những người giỏi của thế giới.
Ngay từ ban đầu, VinUni đã đặt mục tiêu trở thành ĐH xuất sắc. Xuất sắc ở đây được hiểu thế nào, thưa bà?
Đại học xuất sắc mà chúng tôi muốn xây dựng là nơi phát triển nhân tài, khởi phát những sự thay đổi lớn lao. Nếu học trò của chúng tôi là doanh nhân, họ sẽ là những người tiên phong tạo dựng các ngành công nghiệp mới, mở ra những hướng đi đột phá. Nếu họ là nhà khoa học, họ sẽ tạo ra những công trình mới, thay đổi cuộc sống của nhiều người. Nếu họ là những nhà khởi nghiệp, họ sẽ đem lại những góc nhìn mới mẻ, tư duy mới mẻ.
Một đại học xuất sắc chính là nơi nuôi dưỡng những đột phá lớn, có ý nghĩa. Một nơi không chỉ lan tỏa kiến thức, mà còn là nơi sáng tạo ra kiến thức, là cái nôi kiến tạo nên những con người có thay đổi thế giới.
Nếu so sánh, các đại học danh tiếng như Stanford, Harvard, hay Oxford là những cái nôi của sự đổi mới. Họ đào tạo ra những đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đội ngũ nhân lực kiến tạo và đổi mới. Đó chính là khát vọng lớn lao của chúng tôi ngay từ đầu.
Chúng tôi đang đi những bước đi đầu tiên trên con đường này. Dù biết rằng để trở thành một đại học xuất sắc là rất khó, nhưng tôi tin rằng chúng tôi đang đi đúng đường và sẽ còn rất nhiều việc phải làm để biến khát vọng này thành hiện thực.
Hoạt động giảng dạy, học tập tại Đại học tinh hoa như VinUni có những điểm gì đặc biệt, thưa bà?
Công thức chung của chúng tôi bao gồm 3 yếu tố cốt lõi "hàn lâm", "thực chiến" và "toàn cầu". Giáo dục mà chúng tôi hướng tới không chỉ có tính hàn lâm cao, khoa học và hệ thống, mà còn phải thực chiến, hiểu rõ nhu cầu của xã hội, của cuộc sống và của doanh nghiệp.
Để trở thành một đại học xuất sắc, đẳng cấp quốc tế, giáo dục phải nhận được sự thừa nhận và hợp tác quốc tế, không chỉ từ các giảng viên mà còn từ các sinh viên.
Còn một yếu tố rất đặc biệt, đó là chúng tôi hết sức chú trọng đến trải nghiệm ngoài lớp học. Những trải nghiệm phong phú, không chỉ giới hạn trong các CLB, hoạt động ngoại khóa, hay các kỳ thực tập tại doanh nghiệp, mà còn bao gồm các chương trình nghiên cứu, học kỳ trao đổi quốc tế, hay những ý tưởng khởi nghiệp đầy sáng tạo. Chúng tôi đặt ưu tiên cho việc này, coi đó là một phần không thể thiếu trong hành trình đào tạo, là cầu nối quan trọng giúp sinh viên sẵn sàng từ giảng đường bước ra cuộc sống.
Tháng 6 vừa qua, Trường có lớp sinh viên tinh hoa đầu tiên tốt nghiệp với kết quả rất ấn tượng. Lễ tốt nghiệp của một trường đại học thường có thủ khoa, á khoa nhưng ở VinUni không có. Bà có thể chia sẻ về điểm khác biệt này?
Đây là một câu hỏi rất thú vị, có lẽ là lần đầu tiên có người hỏi chúng tôi (cười). Cách tiếp cận trong giáo dục của chúng tôi có sự khác biệt. Điểm số quan trọng, nhưng không phải là thước đo duy nhất để đánh giá sự tiến bộ của sinh viên. Thủ khoa hay á khoa chỉ phản ánh một phần qua điểm số. Tại VinUni, chúng tôi tin rằng thước đo thực sự nằm ở sự nhìn nhận và đánh giá từ doanh nghiệp, xã hội và cộng đồng về năng lực cũng như phẩm chất của mỗi cử nhân.
Trong buổi lễ tốt nghiệp đầu tiên của các sinh viên VinUni, tôi có chia sẻ về các tân khoa đã nhận được thư mời tiếp tục học bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các trường danh tiếng như ĐH Harvard, ĐH Cornell, ĐH Pennsylvania… hay đã được các tập đoàn lớn mời làm việc. Khi những sinh viên tốt nghiệp từ VinUni gia nhập các tổ chức lớn, đồng nghĩa những tổ chức này công nhận họ có đủ năng lực để làm việc tại các vị trí cao. Đó chính là thước đo rõ ràng nhất.
Được biết, trong khóa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên của VinUni, 25% tân khoa đã được các trường danh tiếng nhất thế giới như Harvard, Cornell, Pennsylvania nhận đào tạo sau Đại học, 32% tân khoa được các tập đoàn toàn cầu hàng đầu như McKinsey, Boston Consulting Group, National Australia Bank, Google, Bosch, IBM… mời làm việc ngay khi chưa tốt nghiệp. TS có cảm nhận như thế nào về kết quả này của thế hệ sinh viên của VinUni?
Tôi cảm thấy vô cùng tự hào về các em. Đối với một người làm giáo dục, thành công của sinh viên chính là thành công của bản thân.
Nhìn chung, mọi người hay nói với tôi rằng, sinh viên VinUni rất sáng, các bạn nói tiếng Anh giỏi, có kỹ năng tự học tốt và đầy nhiệt huyết. Kiến thức của các bạn cũng rất sâu.
Tuy nhiên, điều làm tôi muốn chia sẻ nhất là khả năng chủ động trong công việc. Doanh nghiệp chỉ cần giao cho các bạn nhiệm vụ và một định hướng, chứ không cần phải cầm tay chỉ việc. Với nhiệm vụ khó khăn hay chưa từng làm, các bạn sẽ suy nghĩ, tư duy tìm kiếm giải pháp và nỗ lực để hoàn thành, chủ động trong việc kết nối với những người giỏi hơn để học hỏi. Các bạn rất kiên trì, quyết tâm không từ bỏ, chăm chỉ, có tính trách nhiệm, trưởng thành rất cao. Tôi rất trân quý phẩm chất ấy của các bạn.
"Làm giáo dục theo mô hình xuất sắc rất khó", bà cùng đội ngũ của VinUniversity gặp phải những khó khăn như thế nào?
Việc xây dựng một đại học xuất sắc rất nhiều khó khăn. Theo tôi, có 2 thử thách lớn nhất. Thứ nhất là xây dựng một đội ngũ xuất sắc. Một đại học xuất sắc không thể tồn tại nếu thiếu một đội ngũ xuất sắc. Việc thu hút những cá nhân xuất sắc, làm sao để họ phát huy hết tài năng, cống hiến và đoàn kết trong một môi trường đa văn hóa. Sinh viên của chúng tôi đến từ 24 quốc gia, giảng viên đến từ 14 quốc gia khác nhau, tạo nên một cộng đồng đa dạng, giàu bản sắc. Làm thế nào để đưa tập thể này không phải là tập hợp mà là một đội ngũ xuất sắc là một nhiệm vụ khó, nhưng vô cùng quan trọng.
Khó khăn thứ hai là kiến tạo hệ thống. Mỗi thành viên đến đều mang theo hệ thống quản trị riêng của họ từ các trường khác nhau. Trong khi đó, chúng tôi là một đơn vị mới, chưa có sẵn nền tảng, chỉ có thể học hỏi từ những người đi trước. Tuy nhiên, việc chắt lọc tinh hoa và điều chỉnh cho phù hợp là một bài toán không hề dễ.
Cuối cùng, là nguồn lực tài chính để xây dựng, đầu tư con người. May mắn thay, Tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ rất lớn, cam kết mạnh mẽ và tạo ra nền tảng vững chắc để chúng tôi có thể tiến bước trên con đường này.
Là một nhà quản lý giáo dục, theo TS. Lê Mai Lan, điều quan trọng cốt lõi của giáo dục là gì? Theo bà, thế nào là một giảng viên xuất sắc?
Tôi nghĩ điều cốt lõi của giáo dục là phát triển con người, phát triển con người một cách toàn diện ở phẩm chất, nhân cách, kiến thức kỹ năng.
Theo tôi, một giảng viên giỏi là người nhận diện và khai phá được khả năng tiềm ẩn của sinh viên. Thậm chí, những tiềm năng, thế mạnh này là điều mà chính sinh viên cũng chưa nhận ra nhưng giảng viên nhìn ra được. Thứ hai giúp sinh viên tự phát huy tối đa tiềm năng ấy của mình và vượt qua giới hạn đấy.
Quan trọng hơn, họ sẽ biết giúp sinh viên phát huy tối đa tiềm năng ấy của mình, vượt qua giới hạn của bản thân để vươn tới những thành tựu vượt trội.
Được biết, năm 2016, bà nhận trách nhiệm phụ trách dự án Trường đại học VinUni với sứ mệnh đào tạo nhân tài cho tương lai. Bà có thể chia sẻ về cơ duyên này?
Tôi vẫn nhớ rõ ngày hôm ấy, tháng 8, trời rất đẹp. Sau khi nhận nhiệm vụ, trên đường về, tôi nhìn thấy một cái cầu vồng. Có vẻ như đó là một tín hiệu báo trước điều tuyệt vời sắp đến đúng không (cười).
Khi được giao nhiệm vụ, cảm xúc bao trùm tôi lúc ấy là rất xúc động. Tôi cảm động vì sự tâm huyết và tầm nhìn lớn của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Ai cũng biết rằng giáo dục đại học, muốn làm tốt là câu chuyện của hàng trăm năm. Khi Chủ tịch Vingroup nói về tầm nhìn này, tôi thấy rất ngạc nhiên vì tầm nhìn ấy đã vượt qua những tính toán kinh doanh thông thường, hướng đến một tầm nhìn rất xa về tương lai, về các thế hệ sau. Tầm nhìn về cuộc sống, về nhân văn. Tôi bị thuyết phục bởi tầm nhìn ấy.
Với cá nhân tôi, tầm nhìn, tâm và tầm như vậy chính là định hướng tôi mong muốn và là điều tôi thật sự muốn làm.
Ở thời điểm đó, mong muốn của bà khi nhận sứ mệnh này là gì?
Mong muốn lớn nhất của tôi là, sứ mệnh này sẽ là một sự nghiệp và trường tồn.
11 năm trước, tôi bắt đầu gia nhập Tập đoàn Vingroup, khởi đầu từ Vinschool, sau đó là VinUni. Với tôi, VinUni không chỉ là một công việc, mà là sự nghiệp của cả cuộc đời. Trong cuộc đời mỗi người, được trao cơ hội làm một điều gì đó có ý nghĩa lớn lao, là điều rất may mắn.
Tôi cũng được truyền cảm hứng sâu sắc từ những ngôi trường mà mình đã có dịp học hỏi, như ĐH Cornell, ĐH Pennsylvania, Harvard… Những người sáng lập ra những ngôi trường ấy đã đi xa nhưng ngôi trường họ xây dựng vẫn sừng sững ở đó theo thời gian. Hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn sinh viên vẫn tiếp tục học tập, trưởng thành tại những ngôi trường ấy. Tư tưởng, ý chí và nhân cách của những người sáng lập vẫn tiếp tục sống mãi, lan tỏa qua từng thế hệ.
Đó là điều tôi thấy vô cùng vĩ đại và chỉ có giáo dục mới có thể tạo ra được những giá trị trường tồn như vậy.
Khoảnh nào TS nhận ra giáo dục chính là sự nghiệp?
Thật ra tôi nghĩ là không có một khoảnh khắc nào cụ thể. Nghề dạy học, theo tôi, không chỉ là một công việc hay một nghề nghiệp, mà là sự nghiệp của cả một đời người. Giáo dục không thể coi là dịch vụ, đó là phụng sự.
Trên hành trình theo đuổi sự nghiệp giáo dục của mình, ai là người có sức ảnh hưởng lớn nhất đến TS?
Người ảnh hưởng lớn nhất đến tôi chính là bố của tôi. Bố tôi là nhà giáo và bác sĩ chữa bệnh tâm thần. Bố tôi là người "đổi mới sáng tạo" lắm!
Thời trước, bệnh nhân tâm thần thường phải chịu đựng những liệu pháp mạnh như sốc điện, áo trói… để cắt cơn. Sau khi học ở Đức, bố tôi đã mang về một phương pháp chữa trị mới, là phương pháp "cửa mở" và trị liệu bằng âm nhạc và hội họa. Ngày xưa, ở nhà tôi thường có nhiều nghệ sĩ, họa sĩ ghé chơi. Họ đều sẵn lòng làm việc thiện, đến khoa tâm thần để chơi đàn, hát và giúp bệnh nhân vượt qua cơn bệnh mà không nhận một đồng thù lao nào. Tình người, sự nhân văn ấy là vô giá. Tôi nghĩ tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ bố.
Nhà giáo dục Comenxki từng khẳng định rằng "Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học". Là một nhà quản lý giáo dục, TS. Lê Mai Lan có suy nghĩ như thế nào về "nghề dạy học"?
Nghề dạy học, theo tôi, không chỉ là một nghề nghiệp mà là một sự nghiệp. Điều đặc biệt là, sự nghiệp này không chỉ là đặc quyền của giáo viên hay giảng viên mà thực sự là của tất cả mọi người. Tôi nghĩ rằng mọi người đều có thể theo đuổi, đóng góp vào sự nghiệp này bằng cách học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học đúc kết từ cuộc sống cho người khác.
Tôi rất tâm đắc với lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Thật sự rất giản dị nhưng vĩ đại.
Trân trọng cảm ơn TS đã dành thời gian chia sẻ!