Tự Bảo Dưỡng Điều Hòa Tại Nhà: Nên Hay Không? Quy Trình Bảo Dưỡng Chuẩn 6 Bước Bạn Đã Biết?

Thứ năm, 20/06/2024 - 13:28

Bảo dưỡng điều hòa và tầm quan trọng của chúng đối với việc đảm bảo hiệu suất hoạt động, duy trì độ bền cho thiết bị chắc hẳn ai cũng hiểu rõ. Tuy nhiên, có nên tự thực hiện công việc này mà không cần tới sự hỗ trợ từ thợ chuyên nghiệp? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Khi Nào Nên Bảo Dưỡng Điều Hòa?

Giữ hiệu suất hoạt động tối ưu, ngăn ngừa sự cố, hỏng hóc, kéo dài tuổi thọ của thiết bị và góp phần bảo vệ sức khỏe là những lợi ích rõ rệt nhất khi điều hoà được bảo dưỡng đúng định kỳ. 

Tuy nhiên, khi nào nên bảo dưỡng và bao lâu cần tiến hành “công cuộc” này một lần thì không phải ai cũng biết. Theo đó, thời gian lý tưởng nhất để thực hiện các quy trình bảo dưỡng điều hoà là khoảng 3 đến 4 tháng/lần bởi các bộ phận của máy có thể bị bám đọng bụi, cặn bẩn trong quá trình hoạt động. Thông qua quá trình kiểm tra sẽ giúp phát hiện và khắc phục sớm các vấn đề nhỏ trước khi chúng trở thành sự cố lớn, giảm thiểu tối đa những chi phí sửa chữa phát sinh không mong muốn.  

Vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa định kỳ giúp máy hoạt động hiệu quả hơn và tiêu tốn ít năng lượng hơn. Ảnh: tonystephensrefrigeration

Lưu ý, đối với máy điều hoà được sử dụng thường xuyên với tần suất liên tục như tại nhà hàng, quán ăn, văn phòng hay cơ sở sản xuất, nên vệ sinh định kỳ khoảng 1-2 tháng/lần. Thậm chí, hãy tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng càng sớm càng tốt nếu nhận thấy thiết bị gặp phải một trong những vấn đề sau đây:  

– Dù giảm nhiệt độ xuống mức thấp nhất nhưng không thấy hơi lạnh hoặc khả năng làm mát kém
– Lượng điện năng tiêu thụ tăng cao so với thông thường
– Xuất hiện hiện tượng chảy nước ở dàn lạnh của điều hoà
– Máy kêu to, gây tiếng ồn lớn
– Điều hòa đang chạy nhưng tự nhiên dừng hoạt động  

Bảo dưỡng điều hòa định kỳ giúp đảm bảo hiệu suất của thiết bị và tiết kiệm điện năng tiêu thụ một cách đáng kể. Ảnh: alumni

2. Nên Tự Bảo Dưỡng Điều Hòa Tại Nhà Không?

Việc tự bảo dưỡng điều hòa tại nhà riêng, căn hộ chung cư sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí thuê thợ chuyên nghiệp và là hoàn toàn có thể thực hiện nếu bạn có khả năng. Tuy nhiên, cũng có nhược điểm và rủi ro cần cân nhắc. Dưới đây là một số yếu tố để bạn xem xét trước khi quyết định:

Nên Tự Bảo Dưỡng Điều Hòa Tại Nhà Nếu:

  • Bạn có kiến thức kỹ thuật về cách hoạt động của điều hòa và biết cách thực hiện các bước bảo dưỡng cơ bản, việc tự làm có thể an toàn, đảm bảo tính hiệu quả.
  • Bạn muốn kiểm soát thời gian: Bảo dưỡng tại nhà cho phép bạn tự quyết định thời gian và phương pháp thực hiện mà không cần phải chờ đợi hay sắp xếp lịch hẹn với các bên cung cấp dịch vụ.

Không Nên Tự Bảo Dưỡng Điều Hòa Tại Nhà Nếu:

  • Thiếu kiến thức và kinh nghiệm: Nếu không hiểu rõ về cách hoạt động của điều hòa hoặc không có kinh nghiệm với các công việc sửa chữa, tự bảo dưỡng có thể gây nguy hiểm cho thiết bị cũng như chính bản thân bạn.
  • Lo ngại đến nguy cơ gây hỏng, hư hại: Việc thực hiện không đúng các bước bảo dưỡng có thể làm hỏng thiết bị hoặc gây ra sự cố mà bạn không thể tự khắc phục được.
  • An toàn là ưu tiên hàng đầu: Nếu không chắc chắn về khả năng của mình, tốt nhất là nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia.

Vệ sinh cánh quạt, lưới lọc không khí là công đoạn không thể thiếu khi bảo dưỡng điều hoà. Ảnh: omeserviceup

Nếu vẫn chưa chắc chắn về việc có nên tự bảo dưỡng điều hoà hay không, bạn có thể tham khảo một vài ưu – nhược điểm được nêu trong bảng sau: 

STT Ưu điểm Nhược điểm
1 Tiết kiệm chi phí: Bảo dưỡng tự thực hiện sẽ giảm thiểu chi phí so với việc thuê một kỹ thuật viên chuyên nghiệp. Rủi ro và an toàn: Việc can thiệp vào hệ thống điện và cơ học của điều hòa có thể mang lại nguy hiểm gây ảnh hưởng đến an toàn của bạn, đặc biệt nếu không có kiến thức và kinh nghiệm.
2 Hiểu rõ hơn về thiết bị: Qua quá trình bảo dưỡng, bạn sẽ hiểu rõ hơn về cách hoạt động của điều hòa và biết được khi nào cần phải can thiệp sửa chữa. Hiệu suất không cao: Mặc dù có thể tự thực hiện các bước bảo dưỡng cơ bản, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ hỏng hóc và giảm hiệu suất của thiết bị.
3 Tiện lợi và linh hoạt: Bạn có thể tự quyết định thời điểm và phương thức bảo dưỡng mà không phải phụ thuộc vào lịch làm việc của thợ bảo dưỡng.  

3. Quy Trình 6 Bước Tự Bảo Dưỡng Điều Hòa Tại Nhà 

Sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, nếu bạn vẫn muốn tự bảo dưỡng điều hòa tại nhà, có thể tham khảo các hướng dẫn trực tuyến hoặc sách hướng dẫn từ những nguồn tin cậy.

Đặc biệt lưu ý, trước khi bắt tay vào việc tháo dỡ, vệ sinh và bảo dưỡng, hãy đảm bảo rằng bạn đã tắt nguồn điện nối trực tiếp vào thiết bị và đọc kỹ hướng dẫn cụ thể từ nhà sản xuất. Nếu gặp bất kỳ vấn đề phức tạp ngoài tầm kiểm soát, đừng ngần ngại gọi cho một kỹ thuật viên chuyên nghiệp để được tư vấn và hỗ trợ. 

Hãy chắc chắn rằng đã tắt nguồn điện trước khi tiến hành bảo dưỡng để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ảnh: suachuamaygiat

Bước 1: Chuẩn Bị Dụng Cụ  

Các dụng cụ cần chuẩn bị bao gồm: 

  • Khăn lau thấm nước tốt
  • Dung dịch tẩy rửa dạng bình xịt
  • Bơm tăng áp với vòi nước áp suất cao để dễ dàng “thổi bay” bụi bẩn
  • Tua vít 
  • Bao nilon lớn hoặc áo mưa làm từ nilon.

Bước 2. Kiểm Tra Tổng Quát

Để phát hiện xem điều hoà có gì bất thường hay không, bạn không nên bỏ qua những khu vực sau:

  • Tình trạng bên ngoài máy
  • Khu vực dàn nóng, dàn lạnh 
  • Các điểm nối điện nếu không đảm bảo yêu cầu hãy tiến hành siết chặt  
  • Kiểm tra đường ống dẫn gas xem có bị rò rỉ hay không

Bước 3: Tháo Vỏ Máy, Đánh Giá Sơ Bộ Về Hoạt Động Của Máy

Để có cái nhìn sơ lược về hoạt động của điều hoà, sau khi tiến hành tháo dỡ vỏ máy, đừng quên kiểm tra các linh kiện như máy bơm áp lực, tụ điện, mô-tơ… Nếu phát hiện hỏng hóc, bạn vẫn nên nhờ đến sự hỗ trợ từ phía đơn vị bảo hành. 

Bước 3. Vệ Sinh Cục Nóng Và Cục Lạnh Của Điều Hòa

  • Loại bỏ vật cản (nếu có) tại khu vực dàn nóng và lạnh để đảm bảo hoạt động của quạt gió. Bên cạnh đó, kiểm tra dây tiếp đất có bị hỏng hóc gì không? Giá treo dàn nóng có chắc chắn chưa?  
  • Vệ sinh khu vực dàn nóng: Xịt nước vào các khe nhỏ bằng bơm áp lực. Ngoài ra, để đảm bảo độ bền cho cục nóng điều hoà, hãy sử dụng biện pháp để che chắn, tránh bụi bẩn và ánh nắng mặt trời trực tiếp. 
  • Vệ sinh khu vực dàn lạnh: Sử dụng miếng vải sạch thấm nước hoặc tốt hơn là khăn lau và chất tẩy rửa chuyên dụng để lau sạch bụi bẩn bám trong các kẽ hở trong máy một cách cẩn thận. Tiếp đó, làm khô dàn lạnh trước khi lắp lại đúng vị trí ban đầu.

Bước 4. Vệ Sinh Cánh Quạt, Lưới Lọc Không Khí  

  • Vệ sinh cánh quạt bằng khăn có tẩm dung dịch tẩy rửa 
  • Vệ sinh lưới lọc: Để thực hiện thao tác này, cần tháo mặt dàn lạnh, rút lưới và rửa với nước ấm khoảng 30-35 độ rồi dùng khăn khô thấm sạch hoặc để khô hoàn toàn rồi mới lắp lại vào máy.

Bước 5. Kiểm Tra Gas Điều Hòa

Nghe có vẻ khó nhưng việc kiểm tra xem điều hoà còn gas hay không lại rất đơn giản dựa trên việc quan sát tình trạng của hai ống đồng nối với dàn nóng. Theo đó, bạn sẽ cần nạp thêm gas nếu thấy cả 2 ống đều không lạnh, không ướt và gió thổi ra dàn nóng không “đủ nóng”.

Bước 6. Kiểm Tra Lại Lần Cuối Và Khởi Động Lại Điều Hòa

Cuối cùng, để hoàn tất quy trình bảo dưỡng, hãy khởi động lại máy và kiểm tra tiếng kêu của động cơ. Nếu thấy máy chạy êm, không bị chảy nước và tốc độ làm mát nhanh chứng tỏ “công cuộc” tự bảo dưỡng điều hoà tại nhà của bạn đã thành công.

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã nắm được cách bảo dưỡng điều hoà hiệu quả, kinh tế. Nên nhớ rằng, thực hiện đúng quy trình bảo dưỡng điều hoà sẽ mang lại hiệu quả cho việc duy trì hoạt động của thiết bị và luôn tuân thủ các hướng dẫn cụ thể từ nhà sản xuất. Nếu cần, đừng ngại nhờ tới sự giúp đỡ từ các chuyên gia để đảm bảo an toàn tối ưu. 

Lam Giang