Từ bỏ ước mơ phố về quê trồng cam, nuôi gà, mở quán

Thứ ba, 08/12/2020 - 10:06

TNV - Nhìn lại hơn 5 năm trời bôn ba xứ người, trong đó có mấy năm quyết tâm bám trụ thành phố kinh doanh, nhưng tất cả đều thất bại. Trở về quê nhà với tay trắng và món nợ mấy trăm triệu đồng, bắt đầu lại từ con số không, mấy năm nay Sơn tự hào về thành quả của mình với mô hình trồng cam, nuôi gà, mở nhà hàng ăn uống đã đem về thu nhập cho Sơn mỗi năm trến dưới 01 tỷ đồng.

Đi tứ xứ làm ăn đều thất bại

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm chuyên ngành Hóa – Sinh năm 2009, chàng trai Trần Văn Sơn ở thông Làng Đài, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh chỉ có duyên làm thầy giáo thử việc được gần một năm học, buồn chán và mất phương hướng, Sơn “lang thang” ở cùng bạn bè, chưa dám về nhà, sau mấy tháng tâm lý ổn định, Sơn lao vào buôn bán quần áo, rồi mượn bố mẹ sổ đỏ vay tiền ngân hàng hùn vốn cùng bạn bè lập công ty sản xuất gỗ panet xuất khẩu tại huyện Lạc Thủy (Hòa Bình).

Trần Văn Sơn (bìa phải) hái tỉa cam chín về giao cho khách

Công việc xuất khẩu ban đầu thuận lợi, nhưng hơn một năm sau thị trường sụt giảm nghiêm trọng, công ty giải tán, Sơn vớt vát thu về mấy chục triệu bèn dốc vào mở cửa hàng kinh doanh hải sản ở chợ Long Biên - Hà Nội.

Mặc dù rất nỗ lực và quyết tâm nhằm gỡ gạc lại mấy trăm triệu vay mượn kinh doanh đã mất, nhưng công việc kinh doanh ngày càng đi xuống, cố gắng trụ được khoảng 01 năm, Sơn đành trả lại cửa hàng, ngừng kinh doanh và rút gọn về mở quán ăn đêm nhỏ tại khu vực Phùng Khoang – Hà Nội. Lần này cũng giống như lần trước, cầm cự được vài tháng, lỗ chồng lỗ, quán buộc phải đóng cửa.

Thêm một lần nữa vô cùng chán nản và mất phương hướng, Sơn khăn gói theo người quen đi Cao Phong (Hòa Bình) làm công việc chăm sóc cam để giải tỏa tâm lý do làm ăn thua lỗ.

Hơn một năm gắn bó với đất cam Cao Phong, Sơn từng bước ổn định được tinh thần và lấy lại được nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Thấy rất nhiều hộ nông dân ở Cao Phong giàu lên trông thấy từ đất rừng, từ trồng cam mà chẳng phải đi làm ăn xa, chẳng cần lên phố xá để mở công ty, cửa hàng gì to tát cả. Sơn nảy ra ý định về quê để khởi nghiệp.

Năm 2016, ngậm ngùi trở về với tâm thế thất bại và món nợ ngân hàng gần 400 triệu đồng, nhưng khát vọng làm giàu trong Sơn vẫn luôn mạnh mẽ, Sơn lại táo bạo vay chút vốn nhỏ, thuê đồi, đầu tư trồng cam, kết hợp với mở quán ăn nhỏ ngay tại nhà. Tuy nhiên lần này, mọi bước đi được Sơn tính toán cẩn trọng hơn, theo nguyên tắc lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi, nếu chẳng may đổ vỡ thì mất công sức là chính chứ đồng tiền bỏ ra không đáng là bao.

Đồi cam 1,3ha lúc lỉu quả chín trên cành, năm nay ước thu từ 7-10 tấn quả

Một chiều trung tuần tháng 11/2020, khi đồi cam đang độ chín vàng chúng tôi được Phó Chủ tịch xã Lê Trung Thịnh và Phó Bí thư Đoàn xã Sằn Móc Lầu đưa vào thăm. Đồi cam nằm ở cuối con đường nhánh cách khu dân cư thôn Làng Đài hơn 02 cây số. Trước kia đây là nơi xa xôi khó khăn của xã, cách để đi đến đây canh tác là đi bộ, rồi sau là xe đạp, xe máy. Nhưng nay nhờ có con đường nông thôn mới được thảm bê tông rộng rãi, phẳng phiu, xe ô tô đưa chúng tôi đến tận chân đồi.

Theo thông tin từ Đoàn Thanh niên xã Đông Hải, mô hình phát triển kinh tế của Sơn là tấm gương điển hình, được nhiều thanh niên và các hộ dân trong huyện đến thăm quan học hỏi.

Tự hào về thành quả hôm nay

Vòng qua mé đồi, chúng tôi gặp chàng thanh niên cao to vạm vỡ Trần Văn Sơn đang cùng người làm vườn chọn tỉa những quả cam vàng tươi mang về giao cho khách. Ở khoảnh đất phía dưới chân đồi là khu trại chăn nuôi gà mới được Sơn đưa vào chăn nuôi từ cuối năm 2019.

Khu đất mới mua để mở rộng khuôn viên quán

Sơn thong thả cho biết, nhờ chủ động đưa giống cam về trồng từ khi em đang ở Cao Phong, nên năm 2019 đã được hái vụ đầu hơn 5 tấn, thu về 100 triệu đồng. Nhìn đồi cam 1,3ha lúc lỉu quả chín trên cành, Sơn nhẩm tính năm nay thu từ 7-10 tấn, chỉ tiếc giá rẻ quá, nhưng bù lại lứa gà đầu tiên 500 con nếu xuất bán theo giá bán buôn cũng cho lãi hơn 40 triệu đồng.

Khi được hỏi gà xuất bán ở đâu, Phó Chủ tịch Thịnh bật mí, Sơn còn có nhà hàng ăn uống ở mặt đường 18, gà nuôi được Sơn cung cấp chủ yếu cho nhà hàng của mình, số ít còn lại mới xuất bán.

Trên đường chở sọt cam vừa hái về nhà, Sơn mời chúng tôi vào thăm quán. Nhà hàng ăn uống do Sơn làm chủ khang trang bề thế nhất nhì xã. Thế mạnh của quán là các đồ hải sản biển và đặc sản gà Tiên Yên, tất cả nguồn thực phẩm đều tươi sống, do gia đình tự sản xuất và bà con đánh bắt nuôi trồng hàng ngày mang về bán.

Sơn tâm sự, thấy vợ chồng em có nhiều cố gắng, quán ăn uy tín, chất lượng và luôn đông khách, nên cuối năm 2016 bố mẹ em đã hỗ trợ thêm để em đầu tư mở nhà hàng hiện nay. Mấy năm nay, nhờ chất lượng đồ ăn được đảm bảo, cung cách phục vụ đàng hoàng, chu đáo nên nhà hàng luôn duy trì được lượng khách hàng ổn định, trung bình mỗi tháng thu lãi gần 100 triệu đồng, có tháng cao điểm lên gần 200 triệu. Năm nay mặc dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng thu nhập chỉ giảm không đáng kể (10-20%) do có nhiều đơn vị thi công cao tốc Vân Đồn – Móng Cái vẫn thường xuyên đặt chỗ, ông chủ Sơn kể tiếp.

Nhìn lại hơn 5 năm trời bôn ba xứ người, trong đó có mấy năm quyết tâm bám trụ thành phố kinh doanh, nhưng tất cả đều thất bại. Trở về quê nhà với tay trắng và món nợ mấy trăm triệu đồng, bắt đầu lại từ con số không, mấy năm nay Sơn tự hào về thành quả của mình với mô hình trồng cam, nuôi gà, mở nhà hàng ăn uống đã đem về thu nhập cho Sơn mỗi năm trên dưới 01 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 7 lao động địa phương với mức bình quân 5,5 triệu đồng/người mỗi tháng. Làm ăn được, không những trả hết nợ ngân hàng, từng bước đầu tư mở rộng khuôn viên nhà hàng, mà Sơn đã chủ động ủng hộ 60 triệu đồng để thôn, xã xây dựng nông thôn mới và tham gia ủng hộ cây xanh để một số thôn trong xã trồng để những con đường quê thêm xanh, đẹp.

Phấn khởi đưa chúng tôi ra thăm khu vườn hồng trổ hoa, khu thả gà mang từ trại chăn nuôi về để phục vụ khách tiêu dùng tại quán, Sơn chỉ tay khoe mấy thửa đất mới mua bên cạnh để mở rộng không gian quán và bộc bạch dự định sẽ biến khu đồi cam thành mô hình phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái./.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh