1. Quan niệm về thanh niên và vị trí, vai trò của Thanh niên trong sự nghiệp đổi mới đất nước
Thanh niên Việt Nam chiếm số đông trong dân số cả nước, có mặt ở tất cả các địa bàn, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước. Tại điều 1 luật Thanh niên năm 2020 quy định: Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi.Thanh niên với độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình, là lực lượng có tiềm năng to lớn, đã và đang giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước hiện nay và tương lai. Vì vậy, thanh niên được Đảng, Nhà nước đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người.
Kế thừa những giá trị của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, trong hành trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò và đặt niềm tin sâu sắc vào thanh niên. Theo người, thanh niên là lực lượng cách mạng hùng hậu, bộ phận quan trọng của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh, là lực lượng nắm giữ trong tay tương lai của đất nước, của dân tộc. Trong thư “Gửi thanh niên An Nam” năm 1925, Người đã viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”[1]. Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng Tết Nguyên đán năm 1946, Bác Hồ viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[2]. Tháng 8/1947, trong Thư gửi thanh niên, Hồ Chí Minh khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cái tương lai đó”[3].Trong ngày khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[4]. Cách mạng là sự nghiệp vĩ đại, lâu dài của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, mỗi thế hệ chỉ có thể làm được một phần nhất định. Ngày 20/12/1961, tại Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ II, Người chỉ rõ: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức các cháu nhi đồng”[5].
Trong quá tình lãnh đạo cách mạng Việt nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao vị trí, vai trò của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, luôn phát huy vai trò thanh niên trong đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng khẳng định: “Tiền đồ rạng rỡ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nằm trong tay thanh niên”[6]; “Thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên”[7]. Tiếp tục phát huy vai trò của thanhniên trong thời kỳ đổi mới, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm, trong đó: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”[8]là một nội dung quan trọng.
2. Nhận diện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thanh niên Việt Nam hiện nay
Theo Đại từ điển tiếng Việt: “diễn biến là biến đổi theo chiều hướng nào đó”; “chuyển hóa là biến đổi từ dạng này, hình thái này sang dạng khác, hình thái khác”[9]. Như vậy, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nói chung là sự vận động thay đổi, biến đổi của sự vật, hiện tượng, của quá trình tự nhiên, xã hội và tư duy. Quá trình vận động đó có thể phát triển theo hai xu hướng: tiến bộ, tích cực hoặc xu hướng tiêu cực, tan rã, thoái trào. Tuy nhiên vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong bài viết này đề cập đến được hiểu theo nghĩa tiêu cực, suy thoái, yếu kém dẫn đến nguy cơ diệt vong của một thể chế chính trị trên các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, kinh tế xã hội, văn hóa, tinh thần… diễn ra một cách hòa bình không phải do hệ quả của các biện pháp bạo lực.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể được hiểu là quá trình đấu tranh giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, giữa cái lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể trong tư tưởng, quan điểm, lập trường của mỗi con người. Trong đó, tư tưởng, lập trường, quan điểm thiên về tư bản chủ nghĩa và lợi ích cá nhân tăng dần lên, còn tư tưởng, lập trường, quan điểm về chủ nghĩa xã hội, về lợi ích tập thể phai nhạt và bị xem nhẹ dần. Sự “tự diễn biến” đến một ngưỡng nào đó, khi đạt đến “độ” thì nó “tự chuyển hóa” thay đổi về chất. Thực tế cách mạng Việt Nam, đó chính là sự thay đổi trong quan điểm, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Sự thay đổi này đưa tới những hành động đi ngược lại, thậm chí chống lại quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, các thế hệ thanh niên Việt Nam luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hiện nay, đại bộ phận thanh niên có tư tưởng chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống văn minh, hăng say lao động, sống có lý tưởng, thể hiện rõ ý chí quyết tâm phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, có tinh thần đoàn kết, chia sẻ, “tương thân, tương ái”, vì cộng đồng và lợi ích quốc gia nên đã luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, xung kích hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Tuy nhiên, trong thanh niên vẫn còn tồn tại một bộ phận không có chí hướng rõ ràng, chưa hiểu biết đầy đủ truyền thống cách mạng của Đảng vầ dân tộc, ít quan tâm đến tình hình đất nước; một số thanh niên lười học tập, lao động, ngại khó, ngại khổ, không giám đấu tranh với những sai trái, tiêu cực… Nguy hiểm hơn, một số thanh niên có dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Biểu hiện của quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thanh niên thể hiện qua một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất , “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị trong thanh niên.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị trong thanh niên trước hết là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin vào chủ nghĩa Mác - LêNin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thậm chí một bộ phận thanh niên còn giao động, thiếu niềm tin trong những thời điểm khó khăn của đất nước.Một số thanh niên phê phán, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, ngộ nhận, mơ hồ về bản chất của chủ nghĩa tư bản.Đây chính là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng, tác động chuyển hóa dẫn đến các hoạt động chống lại Đảng, Nhà nước.
Thứ hai , “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức lối sống trong thanh niên
Do ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đã xuất hiện nhiều tiêu cực trong đời sống xã hội hàng ngày. Đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, sự bùng phát của lối sống thực dụng chạy theo danh lợi, bất chấp đạo lý, bệnh cơ hội, tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hậu quả của vấn đề này dẫn đến tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh niên. Hiện nay, một bộ phận thanh niên có lối sống lệch lạc, đề cao chủ nghĩa cá nhân, đề cao lối sống hưởng thụ, ích kỷ, sa hoa, trụy lạc, mất phương hướng phấn đấu, không có ý chí, sống dựa dẫm, thờ ơ thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Đây chính là những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức lối sống trong thanh niên. Những biểu hiện này là khởi đầu cho quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị, tư tưởng. Nghiêm trọng hơn là sự suy thoái về đạo đức lối sống trong thanh niên sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với sự nghiệp cách mạng, đối với vận mệnh của Đảng cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị, tư tưởng và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức lối sống trong thanh niên có mối quan hệ hữa cơ với nhau. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về đạo đức sẽ diễn râ trước, dễ nhận thấy và phát triển dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng, chính trị. Tuy nhiên, đối với một bộ phận thanh niên có những quan điểm cá nhân về các vấn đề chính trị xã hội khác với quan điểm của Đảng hoặc do bất mãn cá nhân hoặc bị các thế lực thù địch móc nối, lôi kéo… thì sự suy thoái về tư tưởng chính trị có thể diễn ra trước và dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống.
Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang thực sự hiện hữu trong thanh niên Việt Nam. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là , Âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch.Thanh niên là một trong những mục tiêu mà các thế lực thù địch đặc biệt quan tâm, hướng đến để thực hiện âm mưu, ý đồ xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Sự tác động, chuyển hóa tư tưởng đối với thanh niên nhằm thực hiện “chiến lược con người”, chuyển hóa Việt Nam trong tương lai, dùng thanh niên làm “ngòi nổ” cho các cuộc biến động chính trị trong xã hội.
Hai là , Sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường là nguyên nhân không nhỏ đến thanh niên, làm xuất hiện một số tư tưởng lệch lạc, có lối sống cơ hội, thực dụng, thích hưởng thụ từ đó xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đây chính là tiền đề, là cơ hội để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xuất hiện trong thanh niên.
Ba là , Một bộ phận thanh niên không chịu tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phai nhạt lý tưởng, thiếu động cơ, mục đích phấn đấu nên không đủ khả năng nhận biết được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch từ đó đễ dàng bị kích động, lôi kéo vào các hoạt động chống đối chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bốn là , Trong xã hội hiện nay xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cựcđó là sự xuống cấp về tư tưởng chính trị, sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tình trạng quan liêu, tham nhũng… tất cả những biểu hiện tiêu cực đó đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của thế hệ thanh niên, hình thành ở họ tư tưởng, suy nghĩ hoài nghi, giao động. Đây là mảnh đất mầu mỡ để các thế lực thù địch tác động, lôi kéo, làm tăng nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thanh niên.
Năm là , Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên còn bộc lộ sự lúng túng và mang tính hình thức, phương pháp giáo dục chưa đi sâu vào nhận thức của đông đảo thanh niên. Do đó, trong thanh niên còn một bộ phận chưa nhận thức sâu sắc chủ nghĩa Mác - LêNin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
3. Một số giải pháp cơ bản phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thanh niên Việt Nam hiện nay
Để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần thực hiện nhiều giải pháp cơ bản, đồng bộ. Trong phạm vi bài viết tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Một là , tiếp tục và nâng cao chất lượng công tác quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.
Hai là , làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên và thanh niên về mức độ nguy hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” góp phần định hướng giá trị nhân cách, làm cho thanh niên hiểu, có khả năng tự đề kháng và đề cao trách nhiệm tích cực đấu tranh với âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.Hiện nay, một bộ phận đoàn viên và thanh niên vẫn còn mơ hồ, chưa nhận thức đúng về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và mức độ nguy hiểm của nó đối với sự tồn vong của Đảng, chế độ. Bởi vậy, việc giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đoàn viên thanh niên trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm khắc phục những biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác, không thể hiện rõ lập trường, quan điểm trước những hành vi tiêu cực, hoặc thờ ơ, không dám đấu tranh với sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ ba , chăm lo xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, luôn là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, là nơi quản lý, giáo dục đoàn viên, thanh niên trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa và đội dự bị tin cậy của Đảng. Đồng thời tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ tư , chú trọng giáo dục thanh niên tự giác học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng động cơ, thái độ, trách nhiệm đúng đắn; thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, thực sự là lực lượng xung kích, trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, phòng chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện bằng được mục tiêu cao cả: xây dựng Tổ quốc ta ngày càng hùng cường, đất nước ta ngày càng giàu mạnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ hằng mong muốn.
Thứ năm , định hướng việc tiếp nhận và sử dụng thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng cho thanh niên từ đó tạo môi trường và cung cấp phương tiện để thanh niên Việt Nam mở rộng giao lưu văn hóa, phát triển nhân cách và định hướng lối sống cho thế hệ trẻ. Thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại, thanh niên Việt Nam sẽ có cơ hội bộc lộ bản thân và tích cực tham gia vào dư luận xã hội. Đây là khâu quan trọng của quá trình chính trị hiện đại và góp phần phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thanh niên.
[1]Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 2 . H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 143, 144.
[2]Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4 . H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 194.
[3]Hồ Chí Minh . Toàn tập. Tập 5 . H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 216.
[4]Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4 . H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 35.
[5]Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 13 . H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 298.
[6]Đảng Cộng sản Việt nam (2004). Văn kiện Đảng toàn tập. tập 37. H. NXB Chính trị quốc gia, 2004
[7]Đảng Cộng sản Việt nam (2004). Văn kiện Đảng toàn tập. tập 52. H. NXB Chính trị quốc gia, tr 538
[8]Đảng Cộng sản Việt nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. H. NXB Chính trị quốc gia sự thật.
[9] Đại từ điển tiếng việt, NXB Ngôn ngữ, H, 2005
ThS Trần Hồng Quyên