TNV - Cách đây vài năm năm khi đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc nhìn số đông giới trẻ đất nước họ mắt không rời điện thoại, mọi thứ diễn ra trong cuộc sống tưởng như họ đang tương tác trên điện thoại, thoạt đầu cho rằng họ cứ tập trung vào điện thoại thì thời gian đâu làm việc, thời gian đâu học hành, thời gian đâu cho cuộc sống? nhưng suy rộng ra đất nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc không phải là những quốc gia kém phát triển?
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhìn những người dân sống ở nhiều quốc gia tại Châu Phi, Bắc Phi và kể cả Châu Mỹ… hầu như rất ít dùng điện thoại, trẻ nhỏ có lẽ còn lạ lẫm với điện thoại di động…nhưng thử hỏi, những quốc gia ấy có thật sự phát triển?.
Từ lâu, mỗi khi bắt gặp con trẻ dùng điện thoại, nhiều người (trong đó có tôi) đều tặc lưỡi: “học sinh mà cứ dùng điện thoại sao còn thời gian tập trung cho việc học nữa”, thậm chí có những ông bố (bà mẹ) có những hành động chưa chuẩn mỗi khi bắt gặp con trẻ dùng điện thoại. Khoan hãy bàn đến những khía cạnh còn hạn chế khi cho trẻ dùng điện thoại sớm mà bài viết đang tập trung nói về tư duy thời công nghệ.
Đại dịch covid-19 đang gây ra những hệ lụy vô cùng khó khăn cho tất cả nhân loại sống trên hành tinh này nhưng đại dịch cũng góp phần mạnh mẽ làm thay đổi tư duy nhiều thứ, những thứ đang bàn ở đây là không thể dừng việc học, dừng việc làm, dừng trao đổi, mua bán…phục vụ cho đời sống xã hội. Câu chuyện học trực tuyến, họp trực tuyến, làm việc tại nhà (trao đổi qua điện thoại, máy tính) trở nên hợp thời, ai cũng phải chấp nhận.
Con gái tôi mượn điện thoại của bố (mẹ), hỏi tại sao? Con trả lời do học trực tuyến, cô (thầy) yêu cầu phải có điện thoại, máy tính để tạo nhóm chát, phòng học, làm bài và gửi qua máy tính. Sử dụng điện thoại để liện lạc, tra từ điển, tìm thông tin, tham khảo tài liệu trên google.com; dùng điện thoại để phục vụ cho công việc, cho giải trí xem phim, nghe nhạc, dọc báo, nghe thông tin thời sự…, thử hỏi cha (mẹ) có cấm và phải cấm không? trừ khi bạn không quản lý được.
Tuần qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 32 cho phép học sinh từ ngày 1/11/2020 được sử dụng điện thoại trong lớp phục vụ việc học tập nhưng phải được giáo viên đồng ý. Ngay lập tức, nội dung này thu hút sự quan tâm của bạn đọc, nhiều người cho rằng đó là một sự tiến bộ nhưng cũng không ít người bày tỏ quan ngại, âu lo. Theo dõi cuộc điều tra nhanh trên Báo tuoitre.vn về “Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: nên không?", trong số gần 7.780 người xin ý kiến, thì 4.000 người cho rằng Thông tư hợp lý, 3.517 người cho rằng nên cân nhắc, 344 người có ý kiến khác. Nhận xét chung là ủng hộ Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chúng ta biết rằng, một trong những kho tàng kiến thức của nhân loại, hiện nay chủ yếu nằm trên mạng Internet. Có thể nói kiến thức trên hệ thống mạng chính là nguồn tài nguyên vô tận, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật - công nghệ mà nhân loại mới có được.
Thời đại đang yêu cầu chúng ta không nên và không thể cấm đoán học sinh khai thác nguồn tài nguyên này. Cấm đoán là bảo thủ, lạc hậu, là đi ngược lại xu thế, là tự đóng cửa tương lai của mình, tương lai thế hệ trẻ, tiền đồ đất nước.
Trong thông tư 32 ban hành lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh "sử dụng điện thoại di động", kèm theo "phải được giáo viên đồng ý". Như vậy giáo viên và phụ huynh không có gì phải lo ngại. Quyền vẫn thuộc về giáo viên, thuộc về Nhà trường mà học sinh cũng đã trải qua giai đoạn học trực tuyến trong hai lần bùng phát dịch covid-19 vừa qua. Câu chuyện còn lại là “Sử dụng điện thoại thế nào?” cả hệ thống chính trị trong đó đứng mũi chịu sào là Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cho hợp lý.
Từ năm 2018, thế giới bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4) tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano..., nắm vững quy luật vận động, phát triển, đổi mới tư duy, kế thừa hợp lý, ngày 27/9/2019 Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đây chính là mắt xích quan trọng, là định hướng cơ bản để mọi lĩnh vực của đời sống xã hội phải thích ứng với thời đại.
Chúng ta cứ suy nghĩ và cùng hành động, đến một ngày không xa, từ biển cả mênh mông, rừng sâu núi thẳm nơi đâu là Tổ quốc mình đều phủ sóng mạng 3G, 4G, 5G…, tất cả học sinh ở mọi miền đất nước đều được "sử dụng điện thoại di động" thì lúc đó Việt Nam đã cất cánh.
Nguyễn Ngọc