
Nhiều người trẻ chọn cách không kết hôn hoặc sinh con, họ ở cùng cha mẹ, nhưng họ cũng không xin tiền cha mẹ. Một số người trẻ còn cho biết họ có thể sống tốt trong cả một năm trong khi chỉ chi tiêu không tới 20 triệu đồng. Cùng với mức chi tiêu thấp tới khó tin, họ còn nói rằng đó là việc thực hành lối sống tối giản, nhưng sự thật có phải đúng như họ nói?
Sống tối giản, sống thân thiện môi trường hay sống ăn bám?
Tôi đã từng chứng kiến cảnh một người cha bất lực chia sẻ trên mạng. Trong đoạn phim được trích từ camera, người con trai 29 tuổi của ông mặc bộ đồ ngủ cũ mèm, ngồi xếp bằng trên giường chơi trò chơi điện tử, xung quanh chân anh ta là những vỏ hộp đồ ăn sẵn và đồ ăn vặt. Có hai chiếc bánh bao đã nguội lạnh trên bàn. Phải đến tận hai giờ chiều, anh mới lười biếng bẻ chúng ra và cắn một miếng.

Cha của anh, ông Văn Hưng, đã tính toán một chút: Con trai ông sống ở nhà, không trả tiền điện nước hay tiền thuê nhà, mặc quần áo cũ cha mình và thậm chí còn tự cắt tóc. Anh ta gọi đó là "tiết kiệm công sức và tiền bạc". Mỗi tháng, con trai ông Hưng chỉ chi chưa tới 3 triệu đồng cho thiết bị chơi game, còn lại hầu như không tiêu đồng tiền nào.
Đôi vợ chồng già thương con nên mỗi tháng đều lén bỏ thêm 2 triệu đồng vào ngăn kéo của con vì sợ con sẽ bị đói. Nhưng số tiền đó vẫn không hề bị động đến. Nam Sơn - con trai ông Hưng, tự tin nói: "Đây là cuộc sống ít ham muốn vật chất, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tiền!". Điều anh không biết là khi hóa đơn tiền điện của gia đình tăng lên tới 5 triệu đồng, chính mẹ anh là người đã bí mật dùng tiền mua thực phẩm để bù vào khoản thiếu hụt đó. Đằng sau mức tiêu thụ có vẻ thấp này, thực chất là sự cống hiến và hỗ trợ thầm lặng của cha mẹ.

Trên thực tế, sống ở nhà cha mẹ giúp tiết kiệm được tiền thuê nhà riêng, nhưng thực tế, toàn bộ số tiền tiết kiệm của những thanh niên "ít ham muốn vật chất" này đều trở thành gánh nặng của cha mẹ họ. Tiền nước, điện, gas và tiền nhà đều do cha mẹ chi trả; và cha mẹ phải tự trả chi phí y tế khi con bị ốm; quỹ hưu trí của cha mẹ đã trở thành "khoản tiền gửi vô hình" và được con cái họ tiêu dùng một cách trá hình.
Để trợ cấp cho con cái, nhiều cha mẹ phải cắt giảm các khoản chi tiêu từ quỹ lương hưu ít ỏi của mình. Trong khi đó, những thanh niên sống phụ thuộc vào gia đình trong thời gian dài sẽ dần mất khả năng sống tự lập và cuối cùng rơi vào vòng luẩn quẩn.

Một bà mẹ ở Hải Phòng đã bật khóc: "Con trai tôi nói rằng cháu rất tiết kiệm với chi phí hàng tháng chỉ là 2 triệu đồng cho chi tiêu cá nhân, nhưng cháu không biết rằng khi hóa đơn tiền điện, tiền nước tăng cao, tôi đã phải dùng lương hưu của mình để bù vào khoản thiếu hụt đó".
Một số liệu khảo sát cho thấy, trong số những người trẻ chưa lập gia đình từ 25 đến 34 tuổi, 62% sống với cha mẹ và không trả tiền sinh hoạt phí, trong khi 41% cha mẹ họ sẽ chủ động trợ cấp cho họ. Những người trẻ này khiến cho cha mẹ an tâm với những câu khẩu quyết như: "bảo vệ môi trường", "sống tiết kiệm"; trong khi cha mẹ họ thì tự an ủi rằng: "còn hơn là con cái ra ngoài chơi bời, hư hỏng", và họ ngầm ủng hộ lối sống này.
Một dạng "sống kí sinh" hay "bất hiếu kiểu mới"
Kiểu "phụ thuộc vô hình vào cha mẹ" này còn đáng sợ hơn cả việc trực tiếp xin tiền. Trên các nền tảng xã hội, người trẻ than phiền về việc "khó tìm kiếm việc làm" hay "nghỉ hưu sớm" và "về quê chữa lành" ngày càng phổ biến hơn. Người trẻ ngày nay dường như khó cạnh tranh hơn trên thị trường lao động. Những người mới tốt nghiệp được coi là "thiếu kinh nghiệm", những người trung niên thì được coi là "quá già".

Cùng với việc thị trường lao động ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, xu hướng người trẻ trở về sống dựa vào gia đình cũng ngày càng tăng lên, ở cả thành thị và nông thôn. Nhiều người trẻ vẫn dựa vào cha mẹ để hỗ trợ sau nhiều năm đi làm; họ dựa vào sự giúp đỡ của cha mẹ để kết hôn và mua nhà; họ không đủ khả năng nuôi con sau khi kết hôn và vẫn cần sự hỗ trợ từ người già.
Các nhà tâm lý học nhắc nhở chúng ta: "Tình yêu tốt nhất mà cha mẹ có thể trao tặng là khiến con không còn cần đến bạn nữa". Giống như chim trưởng thành sẽ bẻ gãy những cành cây mà chim non đang bám vào, buộc chúng phải bay. Chỉ khi chúng ta ngừng làm "người giữ trẻ suốt đời" thì con cái chúng ta mới thực sự trưởng thành; Chỉ khi con cái ngừng phụ thuộc vào cha mẹ một cách vô hình thì cha mẹ mới có thể tận hưởng tuổi già.
Trang Đào